Theo lời kể của các cụ cao niên trong xã: Lễ hội đình Chiềng Động đã có từ rất lâu rồi, nhưng mới được khôi phục từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước và đến nay trở thành lễ hội lớn của cả vùng Mường Động mỗi dịp Tết đến xuân về. Lễ hội nhằm tưởng nhớ công đức của ba vị vua (vua cha, vua bà, vua con, tức hai vợ chồng vua Hùng và con trai của vua Hùng) và ông Đinh Công Chinh – Thành hoàng làng. Đây là dịp để nhân dân Chiềng Động được bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với các vị vua, thần và cầu mong các vị phù hộ, ban cho một năm thuận hòa, no ấm, mùa màng tốt tươi, nhà nhà hạnh phúc. Xuất phát từ tín ngưỡng truyền thống quan trọng này mà vào những ngày đầu năm mới, chỉ sau khi đã long trọng tổ chức lễ hội đình Chiềng Động thì nhà nhà, người người trong vùng Mường Động mới rủ nhau ra đồng cày cấy, chính thức bắt đầu một năm sản xuất với niềm tin mưa thuận, gió hòa, vụ mùa nhất định sẽ bội thu và mang về cơm no, áo ấm.
Đầu xuân năm mới, lễ hội đình Mường Động thu hút hàng nghìn người dân tham gia, thực sự trở thành ngày hội lớn của cả vùng Mường thuộc huyện Kim Bôi.
Được biết, đình Chiềng Động là biểu tượng văn hóa tâm linh nằm ở trung tâm vùng Mường Động khi xưa, nay thuộc xóm Chiềng 4, xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi. Đình được xây dựng từ rất lâu, ban đầu chỉ bằng bương, tre, nứa nên đã bị hư hỏng theo thời gian. Sau đó, lang Đinh Công Nhiêu cùng nhân dân trong vùng đã dựng lại ngôi đình bằng những cây gỗ tốt nhất, to nhất, theo kiến trúc điển hình của thời bấy giờ, gồm nhà đại bái và hậu cung. Theo lời kể của các cụ cao niên trong xã, thì đình Chiềng Động thờ ba vua (tức hai vợ chồng vua Hùng và con trai Vua Hùng) và ông Đinh Công Chinh – Thành hoàng làng. Đinh Công Chinh là con trai của Đinh Công Bàng – người đã cùng Nguyễn Huệ đánh Tôn Sĩ Nghị và được Nguyễn Ánh phong hầu với tước "Tuyên úy Tây lĩnh Hầu”. Mộ của ông được chôn ở xóm Cốc – trung tâm xã Vĩnh Đồng ngày nay và được người dân tôn làm Thành hoàng làng.
Theo văn hóa tín ngưỡng ở nơi đây, lễ hội đình Chiềng Động sẽ được tổ chức "một năm doọng (chơi) ở chùa, hai năm luân ở đình” – có nghĩa là năm thứ nhất tổ chức ở chùa, năm thứ hai và thứ ba sẽ tổ chức luôn tại đình Động. Vì vậy, cả chùa và đình đều là nơi diễn ra lễ hội. Ngoài ra, hội còn được tổ chức ở quán Đồng Bãi, nằm ở phía nam cách đình Động khoảng 700m. Trong hai ngày diễn ra lễ hội (mồng 7-8 tháng giêng tính theo lịch Việt, tức mồng 6-7 tính theo lịch Mường), sẽ có các nghi lễ: Đầu tiên là lễ Đập đụn (diễn ra vào sáng mồng 7 tháng giêng, trước khi lễ ở chùa diễn ra), nhằm xua đuổi tà ma ra khỏi làng xóm để mọi người khỏe mạnh, yên tâm làm ăn, mọi vật trong gia đình không bị hư hỏng mất mát. Sau đó, vào chiều mồng 7, ông từ ở đình Chiềng Động chuẩn bị cho mọi người đóng kiệu, vào vai kiệu để sẵn sàng cho ngày mai rước Thánh lên chơi chùa. Ở chùa, ông từ cùng những người giúp việc thổi xôi, đóng oản, nấu cháo chè để chuẩn bị cho ngày mai. Sang đến ngày mồng 8, cả làng sẽ tổ chức rước bát hương Thánh của đình Chiềng Động lên chùa Vĩnh Khánh dự lễ hội. Trong suốt quá trình rước kiệu từ đình lên chùa, chiêng, trống, cùng phường bát âm, đoàn séc bùa đánh lên nhộn nhịp. Không khí đám rước trở nên rất sôi động nhưng vẫn thể hiện vẹn nguyên tấm lòng thành kính thiêng liêng của nhân dân đối với các vị vua, thần đã che chở phù hộ cho cả vùng Mường. Không chỉ đội hình tế và đám rước mới ăn mặc trang trọng, mà những người dân tham gia đoàn rước ai cũng chọn cho mình trang phục đẹp nhất để thể hiện sự tôn kính. Sau khi tổ chức xong các nghi lễ tôn nghiêm, dân làng nô nức bắt đầu phần hội với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như ném còn, đẩy gậy, bắn nỏ, đánh đu...
Đồng chí Bùi Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Đồng cho biết: Đó là tiến trình của lễ hội xưa – diễn ra đến năm 1948 thì kết thúc. Đến năm 1995, UBND xã Vĩnh Đồng đã khôi phục lễ hội, thời gian rút ngắn lại trong một ngày, thường vào 15 tháng giêng hàng năm và tổ chức ngay tại trụ sở UBND xã – vốn là địa điểm cũ của đình Chiềng Động. Kế thừa và phát huy những giá trị đặc sắc của lễ hội truyền thống, lễ hội đình Chiềng Động ngày nay luôn thu hút đông đảo người dân tham gia, xứng đáng là ngày hội lớn của cả vùng Mường và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của huyện Kim Bôi mỗi dịp đầu xuân năm mới.
Thu Trang