Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn như hoa bưởi trong thơ và trong đời, lặng lẽ, tinh khiết trên những dặm dài gió bụi, lặng lẽ tỏa hương…


Nửa thế kỷ "Hương thầm” vẫn tỏa

Trong các nhà thơ nữ nửa sau thế kỷ XX, Phan Thị Thanh Nhàn nổi tiếng với những tác phẩm đằm thắm, dịu dàng: "Hương thầm”, "Con đường”, "Trời và đất”, "Cây lộc vừng bên Hồ Gươm”… Thơ của Phan Thị Thanh Nhàn như con người bà, không màu mè hoa lá mà giản dị, chân thật và đầy sâu lắng. Bà tư duy thơ bằng trái tim hơn là bằng mạch suy ngẫm triết luận. 

Nữ sĩ tâm sự: "Khi làm thơ, tôi không để ý trau chuốt nhiều về câu chữ mà quan trọng hơn là sự chân thành. Thơ ca cũng như cuộc sống, sự thành thực là một trong những cách hữu hiệu nhất có thể giúp ta đến gần và ở lại với mọi người”.

 Đã có một thời, Phan Thị Thanh Nhàn làm nên một hành khúc trong lòng người ra trận qua "Hương thầm”:


"Cửa sổ hai nhà cuối phố
Không hiểu vì sao không khép bao giờ
Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa
Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm”...

Những câu thơ không trau chuốt, cầu kỳ mà dịu nhẹ, sâu lắng như một lời thủ thỉ, nhắn gửi tha thiết với người ra trận, nuôi dưỡng cho họ ý chí chiến đấu, mong ngày thắng lợi để trở về với người yêu thương. Phải là người khéo và tinh tế lắm mới diễn tả được cái tình ý nhị như vậy. 

                       Cô gái như chùm hoa lặng lẽ/Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu...


"Tôi viết 'Hương thầm' vào năm 1969, dành tặng em trai Phan Hữu Khải khi em sắp đi bộ đội. Ngày đó tôi đi làm thường phải qua đường tàu Khâm Thiên, hay gặp những đoàn tàu chở lính vào chiến trường miền Nam. Chúng tôi đứng hai bên đường khi tàu đi qua, thường vẫy tay tạm biệt và rưng rưng nước mắt bởi rất có thể những người lính trẻ kia không quay trở về. Trong sân nhà tôi ở Yên Phụ có cây bưởi, sáng dậy hoa rụng đầy sân. Khải biết tôi thích hoa bưởi nên thường nhặt hoa bỏ vào túi xách của tôi và "hình như” cậu chàng cũng có tình cảm với cô bạn học cùng lớp… Tôi mượn hương bưởi trong khăn tay cô gái hàng xóm để tiễn em mình. Tôi thương Khải lắm, từ chiến trường khốc liệt, Khải viết thư về nói: Em nghe đài ngâm bài 'Hương thầm' của chị. Vậy mà tôi chưa kịp viết lại cho em để nói rằng bài thơ chị viết về em đó thì Khải đã hy sinh. Không gì tả hết nỗi đau của cả gia đình”... - nữ sĩ chia sẻ. 

"Hương thầm” được tặng giải Nhì cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ 1969-1970 đã gây tiếng vang lớn. Bài thơ nói hộ tâm trạng của cả một thế hệ thanh niên thời đó đã sống và yêu, thầm kín, dịu dàng nhưng cũng rất nồng nàn, lãng mạn. 

Đến nay, "Hương thầm” vẫn lặng lẽ thấm sâu vào ký ức của biết bao thế hệ người Việt Nam. Từ khi được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc (1984), bài thơ nhanh chóng lan tỏa trong đời sống văn hóa, văn nghệ nước nhà. Phan Thị Thanh Nhàn đi đến đâu cũng được đón nhận những tình cảm yêu mến của độc giả. Gần nửa thế kỷ rồi mà cái duyên của "Hương thầm” vẫn còn "ngào ngạt” lắm.


Lặng lẽ, tự trọng và khiêm nhường

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn là người gốc Hà Nội (cả quê nội và quê ngoại của bà đều ở Tứ Liên, Tây Hồ). Gắn bó máu thịt với thành phố này từ tuổi ấu thơ vất vả nên bà hiểu và yêu Hà Nội sâu sắc.

Trong cuộc đời cầm bút của mình, Phan Thị Thanh Nhàn có 23 năm làm phóng viên thời sự của Báo Hànộimới (từ 1962 đến 1985). Trong những năm chiến tranh phá hoại đầy gian nan, bà xông xáo, không sợ hiểm nguy, luôn có mặt tại những điểm nóng khi tiếng bom vừa dứt. Với sự nhạy cảm, đằm thắm vốn có của một nhà thơ nữ, bà cũng đã tạo được nét duyên riêng trong những bài báo, những trang viết của mình.

 

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đọc thơ cho các chiến sỹ tại đường 9 (1971).


Từng phụ trách mục "Gặp gỡ nghệ sĩ” nên bà có nhiều bài viết thú vị về các nhà văn, nhà thơ, các nghệ sĩ của Hà Nội như Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Dương Thị Xuân Quý, Vũ Quần Phương, Bằng Việt... Sau này, khi chuyển sang làm Phó Tổng biên tập Báo Người Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ Hà Nội, bà càng có cơ hội để tiếp xúc với văn nghệ sĩ Thủ đô. Bà đã có những nhận xét rất tinh: "Điểm nổi bật của những nghệ sĩ Hà Nội là tính cách phóng khoáng, hào hoa, lịch duyệt, đậm chất kẻ sĩ Bắc Hà. Tôi từng nhiều năm làm việc với nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Bằng Việt, nhà báo Dương Linh và nhiều đồng nghiệp người Hà Nội, thấy họ là những người có phần ngang tàng và không ưa bon chen quyền chức. Nếu nói văn nhân, thi sĩ, nghệ sĩ Hà Nội có chút ngông cũng đúng nhưng đó là cái ngông của kẻ coi trọng danh dự, đạo lý, trí tuệ hơn hết. Ngoài việc dành tâm sức theo đuổi niềm đam mê văn chương, nghệ thuật của mình, họ thường khá lặng lẽ, tự trọng, khiêm nhường và ít lời đến mức đôi khi có vẻ gì đó khách sáo, xa cách. Bên trong dáng vẻ lịch duyệt, họ để lại ấn tượng ở sự thâm trầm, nét thư thái, ung dung với lối sống nhàn tản của những người trải đời và thấu đời”. 

Hạnh phúc là biết bằng lòng với hiện tại 

Thật lạ, hiếm thấy nhà thơ nào ở quá xa cái tuổi mộng mơ với mây trời, trăng sao lại vẫn giữ được sự hồn nhiên, tươi xanh của cảm xúc như bà. Gặp bà lúc nào cũng thấy vui. Bà nói chuyện cởi mở, điềm đạm và duyên dáng đúng cốt cách của một người gốc Hà Nội. Bà thường tự xưng hô với lớp trẻ bằng cách giễu mình là "bà già” nhưng "già” làm sao được khi lòng yêu đời, tính hóm hỉnh, tươi vui bao giờ cũng đầy ắp trong bà, dù cuộc sống riêng tư có những nỗi niềm…

 Chồng bà - nhà thơ Thi Nhị qua đời khi bà mới 36 tuổi. Gần 40 năm vất vả nuôi con, bà đã đi qua cái gọi là "một mình” để sống an vui trong thơ ca, trong thể thao, trong vũ điệu và trong dịu dàng, tinh tế của "hương thầm” vốn có. Giờ đây, trong căn nhà bên Hồ Tây lộng gió, bà sống vui vẻ bên đứa con gái thực sự yêu thương và chăm sóc mẹ. Bà hạnh phúc khi có được những đứa cháu ngoan, hiền, có được những bạn bè văn nghệ tâm giao, tri kỉ thường hay lui tới tán róc và kể chuyện đời sống, văn chương. Trang Facebook của bà cũng là địa chỉ nhộn nhịp. Cứ nhìn cách bà trò chuyện, giao lưu với những bạn trẻ trên mạng xã hội là biết. Gần đây bà còn tư vấn cả tình yêu, hôn nhân cho bạn "phây”.


Tuy vậy, ẩn đằng sau niềm vui ấy, trên gương mặt và đôi mắt của bà vẫn có nỗi buồn không gọi thành tên. Đó là nỗi buồn của một người nghệ sĩ có cái nhìn nhạy cảm trước thời cuộc và trước thế thái nhân tình.

Chia tay bà trong một chiều Hà Nội đẫm mưa, tôi nhớ mãi lời tâm sự của bà và muốn chia sẻ với bạn đọc. Bà nói: "Cuộc sống của mình đầy nỗi buồn và sự cô đơn, nhưng mình luôn cố gắng sống vui tươi, làm việc và rèn luyện sức khỏe để lấp đầy mọi khoảng trống”. 

 

                     TheoHanoimoi

Các tin khác


Chương trình giao lưu nghệ thuật “Biển đảo và người chiến sĩ Hải quân”

(HBĐT) - Tối ngày 25/7, Tại Cung Văn hóa tỉnh đã diễn ra chương trình giao lưu nghệ thuật "Biển đảo và người chiến sĩ Hải quân” – "Hòa Bình chung chung sức xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc”. Đến dự có các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND; Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các đồng chí UVBTV Tỉnh ủy, thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, UBMTTQ tỉnh và các sở ban ngành của tỉnh. Về phía Quân chủng Hải quan có chuẩn đô đốc Phạm Văn Sơn – Phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân; chuẩn đô đốc Đoàn Văn Chiều - Phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Quân chủng Hải quân.

Lạc Sơn: Giao lưu văn nghệ chủ đề “Màu hoa đỏ” kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh liệt sỹ

(HBĐT) - Nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2018), tối ngày 25/7/2018, tại xã Phú Lương, Huyện đoàn Lạc Sơn tổ chức chương trình Giao lưu văn nghệ chủ đề "Màu hoa đỏ” tuyên truyền ca khúc cách mạng kỳ niệm 71 năm Ngày Thương binh liệt sỹ. Đông đảo đoàn viên thanh niên và nhân dân vùng Quyết Thắng đến xem và cổ vũ.

Ký ức thời hoa lửa - kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh Liệt sĩ

Kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, tối 25/7 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Báo Nhân dân phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức chương trình nghệ thuật "Ký ức thời hoa lửa" tri ân công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với Cách mạng

Đem lời ca, tiếng hát sưởi ấm trái tim người lính đảo

(HBĐT) - 23 nghệ sỹ, diễn viên đã được ra biển đảo, đem lời ca, tiếng hát đến với những người lính đang ngày đêm canh giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là niềm vinh dự lớn đối với nghệ sỹ, diễn viên Đoàn nghệ thuật dân gian các dân tộc tỉnh Hòa Bình (NTDGCDT).

Xây dựng và phát triển bền vững văn hoá, con người Hoà Bình

(HBĐT) - Văn hoá, văn nghệ (VH-VN) là một bộ phận và vị trí đặc biệt quan trọng, làm phong phú, sinh động hoạt động của công tác tư tưởng. Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác VH-VN, trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo như Đề cương Văn hoá năm 1943, NQ T.ư 5 khoá VIII, Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị BCH T.ư khoá IX... Bám sát các văn bản chỉ đạo của T.ư, những năm qua, ngành Tuyên giáo tỉnh đã tích cực tham mưu cho các cấp uỷ chỉ đạo, tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện, tiến hành sơ kết, tổng kết các văn bản trên lĩnh vực VH-VN.

25 năm “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”

Ra đời năm 1993, đến nay "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” đã có tuổi thọ 25 năm, trở thành ca khúc quen thuộc với hàng triệu người yêu Hà Nội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục