Một ngày đẹp trời, tôi đến thăm nơi các cán bộ hưu trí có mặt hàng ngày để đọc sách, báo, nói chuyện thời sự và luyện tập các môn thể thao tăng cường sức khỏe (CLB Hưu trí tỉnh). Dành chừng 30 phút đàm đạo cùng các bậc tiền nhân, khi ra về tôi ngỡ ngàng xúc động khi được các chú, các bác trong CLB tặng 2 tập thơ: "Sông Đà” số 23 và tập thơ "Nắng Thu” của tác giả Nguyễn Tiến Lợi, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. ông Bạch Quốc Khánh, Chủ nhiệm CLB Hưu trí tỉnh chia sẻ: Hơn 30 năm qua CLB thơ Sông Đà đã xuất bản 22 tập thơ, mỗi tập thơ ấy đều ghi danh nhiều tác giả. Tập thơ số 23 có 115 bài thơ, được lựa chọn trong số 2.000 bài thơ các thành viên CLB đã sáng tác trong 5 năm (2011-2016). Trong đó có nhiều tác phẩm giữ được nét đặc trưng của nền văn hóa Hòa Bình đã được đăng tải trên các ấn phẩm báo, tạp chí của trung ương, địa phương.
Đoàn nghệ thuật các dân tộc tỉnh dàn dựng nhiều chương trình biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa của tỉnh và phục vụ nhân dân. Ảnh: Một tiết mục biểu diễn của Đoàn nghệ thuật các dân tộc tỉnh tại lễ Kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc.
Đó chỉ là chi tiết nhỏ, nhưng cho thấy những sáng tác văn học, nghệ thuật của tỉnh trong thời đại công nghệ, nền kinh tế thị trường… vẫn ở thế "trăm hoa đua nở”. Được biết, trong 10 năm qua, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tổ chức hàng chục trại sáng tác tổng hợp và chuyên ngành (cho cả văn học và nghệ thuật). Lựa chọn trên 100 lượt hội viên tham dự các trại sáng tác chuyên ngành của Trung ương, được tổ chức ở nhiều nơi trên mọi miền Tổ quốc. 35 hội viên của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh được tham gia các lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, Học viện âm nhạc, các cuộc hội thảo khu vực và toàn quốc.
Được khuyến khích, tạo nền, trong 10 năm qua, các văn, nghệ sỹ của tỉnh đã sáng tác và quảng bá trên 800 tác phẩm, trong đó có: 48 tập thơ, 15 tập tiểu thuyết, 35 tập truyện ngắn, 30 tập nghiên cứu, sưu tầm; dàn dựng trên 50 vở diễn; sáng tác 130 ca khúc; trên 100 buổi công diễn; trên 450 tác phẩm nhiếp ảnh; trên 100 tác phẩm mỹ thuật. Khi được quảng bá tới công chúng, tới các hội đồng nghệ thuật, có hàng trăm tác phẩm đã được trao giải thưởng văn học, nghệ thuật từ Trung ương đến phương. Tiêu biểu nhất là những công trình sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa, phong tục tập quán dân tộc Mường của nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng (công trình đã được trao 11 giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam). Với những đóng góp lớn lao đó, năm 2017, nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật cho các tác phẩm " ẩm thực dân gian Mường vùng huyện Lạc Sơn” và "Tang lễ cổ truyền của người Mường”. Nhà thơ Lê Va, đoạt giải A cuộc thi thơ do Bộ VH-TT&DL tổ chức. Họa sỹ Trần Thị Thu, có tác phẩm đoạt giải A trong cuộc thi do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Tác giả Nguyễn Xuân Thanh đã lần lượt sở hữu giải A, B về nghệ thuật nhiếp ảnh ở cấp Trung ương…
Làng nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh nhà cũng đã tạo được những dấu ấn hết sức rõ nét. Cái tên Đoàn nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình luôn được xướng lên trong tốp nhất các hội thi, hội diễn khu vực hàng năm. Cống hiến hết mình cho nghệ thuật, những năm qua, tỉnh ta đã có 5 nghệ sỹ được phong tặng danh hiệu nghệ sỹ ứu tú, đó là: biên đạo múa Ninh Trọng Sầu, Bùi Chí Thanh, Điêu Thúy Hoàn và 2 nghệ sỹ biểu diễn là nghệ sỹPhan Dương và nghệ sỹ Hồng Tam. Tháng 3/2018, Hội đồng xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ ưu tú” tỉnh Hòa Bình năm 2018 đã xem xét, đánh giá, thảo luận tiến hành bỏ phiếu bầu chọn biên đạo múa Bạch Công Thị, Trưởng đoàn nghệ thuật các dân tộc tỉnh đề nghị Bộ Văn hóa- Thể thao& Du lịch xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ ưu tú”.
Với những chấm sáng trên bức tranh toàn cảnh, văn học nghệ thuật tỉnh nhà đã và đang đảm đương tốt sứ mệnh: "sáng tạo văn học nghệ thuật vì mục tiêu nuôi dưỡng, xây dựng con người Việt Nam của thời kỳ mới”.
Thúy Hằng