Hộ dân xóm Đình, xã Phú Lai (Yên Thủy) ngâm ủ rượu theo cách riêng của làng nghề.
Theo những cụ ông, cụ bà trong làng kể lại thì nguồn gốc rượu làng Đình đã có từ rất lâu, gắn liền với lịch sử ra đời và phát triển của ngôi làng ngót đến trăm năm. Sản phẩm rượu làng Đình còn gắn liền với các hoạt động đời sống văn hóa của nhân dân, đặc biệt là lễ hội Đình Xàm diễn ra vào tháng Giêng hàng năm. Trong quá trình sản xuất, để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng thì vào mùa hè, khi nền nhiệt độ môi trường cao, nhân dân thường sử dụng hang Cưng là hang núi đá vôi tự nhiên có nguồn nước sạch, mát mẻ dùng nước tại hang núi và lòng hang để ngâm ủ lên men cho sản phẩm rượu làng mình.
Từ sau năm 1945, làng Đình trở thành căn cứ kháng chiến cho nhiều cơ quan về đây sơ tán. Nhân dân ngăn nhà làm đôi, gia đình ở một nửa, một nửa cho cơ quan làm việc, đặc biệt có Thiếu tướng Hoàng Sâm. Tại đây, nhiều nghị quyết quan trọng của Liên khu III được ban hành. Với những thành tích xuất sắc, ngày 27/12/2001, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký Quyết định số 1068/KT – CTN tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba cho nhân dân xóm Đình. Nhân dân trong xóm tiếp tục duy trì và phát huy nghề nấu rượu truyền thống của ông cha, tận dụng sản phẩm phụ phát triển chăn nuôi, mở rộng thị trường tiêu thụ. Cho đến nay, rượu làng Đình đã trở thành loại rượu đặc sản được nhiều vùng biết đến.
Đặc biệt, trong vài năm gần đây, việc xây dựng và phát triển làng nghề đã được cấp ủy Đảng, chính quyền xã quan tâm, nhân dân trong làng đồng tình, ủng hộ. Đồng chí Vũ Ngọc Nam, Chủ tịch UBND xã cho biết: Vào cuối năm 2016, với sự quyết tâm cao, xã đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng làng nghề, tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về chương trình phát triển làng nghề, xây dựng làng nghề theo tiêu chí do UBND tỉnh quy định. Đồng thời tiến hành thống kê, đánh giá tình hình các hộ nấu rượu làng Đình để có cơ sở lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận làng nghề.
Theo kết quả ra soát, thống kê, cả xóm có 106 hộ thì có 32 hộ tham gia làm nghề, chiếm 30,2%. Doanh thu từ ngành nghề nông thôn trong các năm 2005 – 2007 đạt bình quân trên, dưới 8,5 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% tổng thu nhập từ làng. Hiện nay, việc tổ chức sản xuất rượu theo hộ nhưng có sự quản lý và thống nhất chung nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Các hộ chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, quy ước, hương ước của địa phương, đảm bảo các điều kiện về sản xuất không gây ô nhiễm môi trường và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng góp của nhà nước, của địa phương hàng năm.
Với nhiều nỗ lực, làng nghề nấu rượu làng Đình đã được cấp bằng công nhận làng nghề truyền thống kể từ tháng 12/2017. Cùng với xu thế phát triển và yêu cầu đặt ra, cán bộ và nhân dân xóm Đình đang tiếp tục duy trì và kết nạp thêm số hộ tham gia, đảm bảo uy tín chất lượng sản phẩm và tiến tới hình thành các tổ hợp tác, HTX để tạo thuận lợi và sự thống nhất chung trong hoạt động sản xuất và nâng cao thu nhập làng nghề. Năm 2018, UBND huyện Yên Thủy cũng đã xúc tiến việc hỗ trợ quảng bá và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đăng ký chất lượng và kiểu dáng công nghiệp đối với sản phẩm rượu làng Đình nhằm khẳng định thương hiệu và tăng cường vị thế rượu đặc sản địa phương.
Bùi Minh