(HBĐT) - Ngược lên rẻo cao Đà Bắc theo con đường 433 quanh co, trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà sàn gỗ, lợp lá cọ. Vành khăn hồng, chiếc áo ngắn trắng cùng nụ cười răng đen của các bà, các mế cho chúng tôi biết rằng mình đã đặt chân đến mảnh đất sinh sống của bà con dân tộc Tày, huyện Đà Bắc. Tạm gác lại những công việc thường ngày, bà con đang phấn khởi dọn dẹn nhà cửa đón Tết. Hòa nhịp với cuộc sống mới, đời sống người Tày đã có nhiều đổi thay nhưng bản sắc văn hóa dân tộc, phong tục tập quán, nhất là cái Tết của người Tày thì vẫn còn được giữ khá nguyên vẹn.


 Người Tày gói bánh chưng dài, món ăn không thể thiếu trong mâm cơm cúng tổ tiên vào dịp Tết Nguyên Đán

Người Tày ở huyện Đà Bắc chiếm 40,6% dân số toàn huyện và chiếm 99,44% dân số người Tày của toàn tỉnh. Khu vực cư trú của người Tày ở các xã vùng cao của huyện như: Tân Minh, Tân Pheo, Trung Thành, Đoàn Kết, Đồng Ruộng, Đồng Chum, Mường Tuổng, Suối Nánh, Đồng Nghê... Người Tày sinh sống chủ yếu dựa vào nghề nông; quần tụ thành các làng bản ở ven đường, dưới chân núi, ven sông, suối và các thung lũng. Hàng năm, sau khi mùa màng đã được thu hoạch xong, thóc lúa đầy nhà và những thửa ruộng được cầy ải xong. Trên những cành hoa đào khoe sắc thắm, hoa mận nở trắng sau vườn cũng là lúc người Tày chuẩn bị đón Tết.

Chúng tôi có dịp về với xóm Nà Nguồn, xã Mường Chiềng để cùng gia đình ông Xa Văn Thiện chuẩn bị đón Tết Kỷ Hợi. Thông thường để đón Tết, mỗi gia đình người Tày thường nuôi sẵn một con lợn, việc mổ lợn thường được tiến hành vào sáng 30 Tết. Anh em trong gia đình và làng xóm giúp nhau mổ lợn, hết nhà này đến nhà khác. Lợn mổ xong được gia đình chế biến theo phong tục. Chiều 30 Tết, bà con quét dọn nhà cửa và trang trí bàn thờ. Đặc biệt, người Tày cũng kiêng không quét nhà vào sáng mùng 1. Bàn thờ của người Tày được bày biện, trang trí khá công phu với những sản vật của một năm gia chủ làm ra như mâm ngũ quả, cành đào, bông lúa sai quả. Chiều 30 Tết cũng là thời điểm để trồng cây nêu với ý nghĩa để xua đuổi tà ma, quỷ dữ. Cây nêu phải được lựa chọn bằng cây nứa bánh tẻ, trên ngọn để lại một số cọng lá. Trên ngọn cây nêu gia chủ đan xương hình con cá bằng nan tre cách điệu. Theo tín ngưỡng, con cá là vật nuôi sống giúp người Tày tồn tại và phát triển. Tỏ tấm lòng biết ơn biết ơn con cá, ở giữa thân cây nêu, gia chủ đan những vòng tròn bằng tre tượng trưng cho tiền vàng cống nạp.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Xa Văn Thiện cho biết: "Chiều 30 Tết, người Tày tổ chức làm cơm tất niên với sự có mặt của con cháu, anh em, họ hàng. Cùng nhau quây quần bên mâm cơm, chúc tụng nhau bên chén rượu và điểm lại kết quả một năm trong sản xuất. Khi uống rượu đã lâng lâng thì nổi trống, chiêng mời cả làng cùng xòe. Tối 30 Tết là thời điểm người Tày gói bánh chưng. Có 2 loại là bánh chưng dài và bánh ốc. Ngoài ra, người Tày còn gói bánh chưng đen, loại bánh này chỉ gói để ăn chứ không thắp hương. Màu đen của bánh là màu của nước tro do đốt rơm lúa nếp. Nhân bánh trưng được làm từ thịt lợn băm nhỏ trộn với rau thì là. Thông thường bánh chưng của người Tày chủ yếu là phụ nữ gói. Con gái sau khi đi lấy chồng, nếu ở gần thì tối 30 Tết sang nhà bố mẹ đẻ cùng mẹ và chị em dâu gói bánh chưng”.

Sáng mùng 1 Tết, mọi người trong gia đình sẽ dậy sớm để người vớt bánh chưng, người thắp hương tổ tiên. Ông Xa Văn Đó, xã Mường Chiềng cho biết: "Theo phong tục người Tày, sáng mùng 1 mới thắp hương tổ tiên mời về ăn Tết. Nếu trên bàn thờ không còn khói hương thì ông bà sẽ trở về thế giới bên kia. Vì thế, trong những ngày Tết lúc nào cũng phải thắp hương. Mâm cỗ sáng mùng 1 cúng tổ tiên của người Tày được chuẩn bị kỹ lưỡng. Trên mâm có thịt lợn, gà, vịt nuôi ở suối, cá gác trên bếp, thịt chuột khô và các loại rau trồng trên nương. Một phần không thể thiếu là củ khoai lang, khoai sọ. Nếu gia đình nào có nhiều người mất thì số mâm nhiều hơn. Cùng với các mâm cỗ là lễ vật xà tích, tiền, vải vóc… Lời cầu của thầy mo với tổ tiên là ban cho con cháu sức khỏe, chăm ngoan, cầu cho mùa màng bội thu. Thời điểm ông mo cúng cũng là lúc con cháu về thắp hương tổ tiên, thăm bố mẹ. Đối với gia đình có bố mẹ đã mất thì con gái đi lấy chồng phải đem gà và bánh chưng thắp hương ông bà. Họ dành cho nhau những lời chúc may mắn và quây quần bền bữa cơm gia đình.

Sau khi hoàn thành các nghi lễ thờ cúng tổ tiên, bà con sẽ đến thăm, chúc Tết nhà người thân hoặc cùng tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí ngày xuân và vui mừng bước sang năm mới với nhiều ước mong mưa thuận, gió hòa.

 

                                                                             Đức Anh


Các tin khác


Sức sống Di sản văn hóa Mo Mường

(HBĐT) - Trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, dân tộc Mường đã sáng tạo và lưu giữ được nền văn hóa dân gian phong phú, đa dạng. Trong nền văn hóa đồ sộ đó, Mo Mường là một loại hình nổi bật, độc đáo, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của dân tộc chiếm trên 63% dân số trên địa bàn tỉnh. Từ lâu, Mo Mường đã được các học giả trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu và được đánh giá là một hiện tượng văn hóa đặc sắc, hàm chứa nhiều giá trị nhân văn, giá trị văn hóa, lịch sử huyền thoại của dân tộc Mường.

Khai mạc Lễ hội Đường hoa Tết Kỷ Hợi 2019 TP Hồ Chí Minh

Tối 2-2 (28 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Lễ hội Đường hoa Tết Kỷ Hợi 2019 với chủ đề "TP Hồ Chí Minh - Vững bước vươn xa”. Dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP Hồ Chí Minh.

Tản mạn xung quanh bộ chữ Mường

(HBĐT) - Ngày xuân trong sương khói lãng đãng mơ màng bên tách trà, ngắm nhìn những nụ đào hồng tươi khoe sắc, lòng người xốn xang, thường hay nghĩ về chuyện đã qua với nỗi lòng trải nghiệm suy ngẫm.

Người lưu giữ tinh hoa bảo vật xứ Mường

(HBĐT) - Năm 2014, được sự đồng ý của UBND tỉnh, ông Bùi Thanh Bình thành lập Bảo tàng Di sản văn hóa Mường. Với đam mê, khát vọng bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản dân tộc, ông Bình đã dành hơn 30 năm miệt mài sưu tầm các di vật, cổ vật của dân tộc Mường trên khắp các tỉnh, thành phố của Việt Nam. Đến nay, có trên 6.000 hiện vật đang được trưng bày tại bảo tàng.

Vui hội ném còn

(HBĐT) - Ném còn là trò chơi dân gian thường được các dân tộc Thái, Mường, Tày, Mông tổ chức vào dịp lễ, Tết. Về cơ bản, luật chơi ném còn của các dân tộc giống nhau. Tuy nhiên, qua trò chơi, mỗi dân tộc lại mang một thông điệp, khát vọng riêng. Đối với người Mường, hội ném còn là dịp để nam thanh, nữ tú gặp nhau. Trò chơi này như bà mối se duyên cho trai tài, gái sắc. Bên nào thua sẽ để lại một vật làm tin. Thường người thua là con trai để lấy lòng người con gái. Sau lễ hội, các chàng trai sẽ quay lại nhà cô gái để xin lại vật gửi làm tin trước đó, đây cũng là cớ để hai người gặp gỡ, tìm hiểu tiếp.

Trải nghiệm bữa cơm "vào Tết" của người Mường

(HBĐT) - Khi hoa đào hoa mận bung nở khoe sắc, báo hiệu một năm mới đang đến với vạn sắc màu sặc sỡ, người Mường Hòa Bình cũng bắt đầu chuẩn bị đón Tết, tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc được tận hưởng theo phong tục riêng của người Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục