Thời gian qua có một số sự kiện văn hóa, nghệ thuật đã gây được tiếng vang, để lại nhiều ấn tượng về quy mô đầu tư, dàn dựng như: Tinh hoa Bắc Bộ, Ký ức Hội An, Làng tôi, À Ố show... Gần đây nhất, Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa, một sự kiện nghệ thuật được nhiều chuyên gia văn hóa đánh giá là điển hình về tính chuyên nghiệp trong tổ chức. Qua năm mùa biểu diễn tại Hà Nội, Gió mùa đã trở thành điểm hẹn âm nhạc của nhiều ban nhạc quốc tế và các nghệ sĩ trong nước, giới thiệu và lan tỏa những xu hướng âm nhạc trẻ và mới với sự tham gia của 200 nghệ sĩ tương tác, hơn 125 nghìn khán giả cùng sự hỗ trợ của hàng nghìn tình nguyện viên. Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng đã bắt đầu thể hiện sự quan tâm đầu tư cho nghệ thuật, góp phần tạo nên sự phát triển đa dạng, sôi động của đời sống nghệ thuật.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, con đường để hình thành nền công nghiệp biểu diễn ở Việt Nam còn nhiều gian nan, bởi bên cạnh một số ít điểm sáng kể trên, công tác tổ chức sự kiện nghệ thuật nhìn chung còn manh mún, thiếu tính chuyên nghiệp. Vẫn còn tình trạng các sự kiện nghệ thuật không phép tổ chức tràn lan, không bảo đảm an ninh, an toàn, gây mất trật tự công cộng. Một số sự kiện khiến người xem thất vọng bởi đơn vị tổ chức chỉ quan tâm đến mục tiêu lợi nhuận mà bỏ qua chất lượng nghệ thuật, quảng cáo một đằng, song thực hiện một nẻo. Ngay cả bản thân một số nghệ sĩ hoạt động trong môi trường nghệ thuật cũng tỏ ra thiếu chuyên nghiệp khi đến trễ giờ diễn, bỏ qua khâu tổng duyệt, hát nhép trong khi không được phép.
Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nguyên nhân của sự thiếu chuyên nghiệp trong tổ chức các sự kiện nghệ thuật tại Việt Nam là sự thiếu liên kết trong các khâu từ đơn vị tổ chức tới nghệ sĩ, đơn vị cung cấp dịch vụ, truyền thông, tài trợ... Bộ phận nào cũng có, nhưng mỗi bộ phận chỉ biết việc của mình, chưa biết cách liên kết, hợp tác với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Chia sẻ điều này, nhạc sĩ Quốc Trung, người sáng lập kiêm tổng đạo diễn các mùa Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa cho biết, những ngày đầu khi tổ chức sự kiện gặp rất nhiều khó khăn, phải vừa làm vừa thử nghiệm. Do đó, muốn tổ chức thành công một sự kiện nghệ thuật, trước hết cần tìm thấy tiếng nói chung của các bên liên quan, từ cơ quan quản lý tới các đơn vị phối hợp để họ có thể hiểu, chia sẻ những khó khăn, từ đó hình thành "hệ sinh thái” bổ trợ lẫn nhau giữa các bên để tiến tới sự chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, cùng với việc nâng cao nhận thức của công chúng, nghệ sĩ, nhà quản lý về tính chuyên nghiệp, còn cần xây dựng thương hiệu cho nghệ sĩ, sự kiện, điểm đến và xây dựng bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp để bảo đảm mọi khâu được tuân thủ một cách nghiêm túc.
Ngoài ra, để tổ chức thành công những sự kiện nghệ thuật mang tầm quốc tế, việc kêu gọi tài trợ từ các đơn vị, nhãn hàng, nhất là việc thu hút sự tham gia của các nghệ sĩ quốc tế là không thể thiếu. Việc có nhiều nghệ sĩ nước ngoài biểu diễn tại Việt Nam sẽ giúp tạo cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ Việt Nam trong việc chinh phục những sân chơi âm nhạc quốc tế. Tùy từng sự kiện, mỗi cá nhân, đơn vị tổ chức có nhiều cách khác nhau để gia tăng thêm giá trị và tầm ảnh hưởng nghệ thuật của sự kiện đó. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Việt Nam nghiên cứu, xây dựng những sự kiện nghệ thuật ngày càng chuyên nghiệp, chất lượng trong dòng chảy hội nhập.