Cảnh trong vở diễn Rô-mê-ô và Giu-li-ét.
Tác phẩm sân khấu kinh điển Rô-mê-ô và Giu-li-ét đã được hàng nghìn nhà hát, đơn vị nghệ thuật dàn dựng và biểu diễn trên khắp thế giới, chiếm trọn vẹn tình cảm của công chúng yêu sân khấu hàng thế kỷ qua. Trong những năm 80 của thế kỷ trước, Nhà hát Tuổi trẻ cũng từng có vở Rô-mê-ô và Giu-li-ét chắp cánh cho những tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng một thời. Để dàn dựng kịch bản đã trở nên vô cùng quen thuộc với khán giả và phải làm mới vở diễn đã thành danh của chính mình, là những thách thức không nhỏ đối với nhà hát. Tuy nhiên, nữ đạo diễn Bê-vơ-lin Blan-ken-síp, người có nhiều duyên nợ với sân khấu Việt Nam đã cùng các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ tạo ra được một phiên bản Rô-mê-ô và Giu-li-ét mới, tràn đầy năng lượng và nhịp điệu thời đại, qua đó tôn vinh những giá trị nhân văn cao đẹp về một tình yêu đôi lứa trong sáng và chân thành vượt qua những hận thù, định kiến.
Câu chuyện tình giữa chàng Rô-mê-ô và nàng Giu-li-ét của thành Vê-rô-na đã được tái hiện với nhiều yếu tố thử nghiệm sáng tạo, phần nào thể hiện được sân khấu Việt Nam đang chuyển mình hội nhập, nắm bắt những xu thế phát triển của sân khấu thế giới, phù hợp công chúng ngày nay, nhất là giới trẻ. Sân khấu vở Rô-mê-ô và Giu-li-ét của Nhà hát Tuổi trẻ được thiết kế một cách giản tiện nhất, loại bỏ tất cả sự cầu kỳ thường được hình dung hoành tráng về một đô thị thời Phục hưng châu Âu với những trang phục, lối ngôn từ trau chuốt của tầng lớp quý tộc. Thay vào đó chỉ là các đạo cụ bình dị, những vật dụng ta vẫn thường thấy trong cuộc sống hôm nay như đôi ba khối gỗ, vài chiếc thùng phi nhỏ kiểu đựng dầu hay mấy chiếc lốp xe ô-tô con. Đạo diễn còn bê nguyên cả một bộ gõ dàn nhạc sống lên trên sân khấu và người nhạc công chơi khá ngẫu hứng như trong một buổi diễn nhạc jazz ta vẫn thường thấy ở các câu lạc bộ đêm. Các yếu tố ca, múa nhạc đương đại, kịch hình thể và thậm chí là cả nhảy hip hop cũng được đưa vào trong từng màn diễn theo khung cảnh và diễn biến tâm lý, tâm trạng của nhân vật.
Cũng cần nói rõ, những thay đổi ở vở diễn lần này của nhà hát thật ra cũng không có gì mới đối với sân khấu thế giới khi đề cao diễn xuất của diễn viên, không phụ thuộc, câu nệ vào những thiết kế sân khấu cần phải có. Họ có thể diễn ở bất kỳ đâu và trong không gian nào cũng được với những đạo cụ đơn giản nhất, có khi là ngay trên đường phố, thu hút người xem vây quanh chẳng kém gì trong một rạp hát sang trọng. Ở vở Rô-mê-ô và Giu-li-ét lần này, các nghệ sĩ vào vai diễn khá chủ động với tâm thế và trang phục thoải mái như vốn dĩ họ là thế ngoài đời thường. Tuy có chút cải biến, nhưng trang phục vẫn là áo khoác da, áo phông, giày da cao cổ, có người cầm theo cả chai nước dán nguyên nhãn hiệu La Vie, nghe điện thoại di động. Ngay như Giu-li-ét cũng đeo cả chiếc kính đen "hàng hiệu” ngày nay để che đi những vệt thâm đen của mắt do mất ngủ vì thương nhớ Rô-mê-ô.
Nói thì như vậy, nhưng không có nghĩa vở diễn đã trở nên đơn giản hóa và xô bồ bởi vẫn còn đó những cung bậc của cảm xúc, bao phút giây sâu lắng, thổn thức của tình đầu trong sáng, nỗi nhớ nhung da diết và cả buồn đau chia ly được thể hiện và cảm nhận qua diễn xuất tài năng của các nghệ sĩ. Đạo diễn đã xâu chuỗi các sự kiện, tình tiết, hành động trong một bối cảnh chuyển tiếp liên tục, phản ánh những âm mưu, sự khốc liệt của máu và nước mắt trong hận thù. Các diễn viên có thể thay đổi nhanh chóng vai diễn ngay trên sân khấu để chuyển sang màn diễn mới mà không cần chuyển cảnh, giúp rút ngắn thời gian vở diễn, bảo đảm tính liên tục và tận dụng được khả năng diễn xuất của từng người. Cũng là những con người ấy, lúc thì là các cư dân đô thị vui nhộn hoặc thành viên của hai dòng họ thù địch, song chỉ rất nhanh sau đó, họ đã chuyển sang là những chú cừu dưới bàn tay chăn dắt của người cha đạo. Khi cần thiết họ trở thành những hàng rào người tượng trưng cho sự ngăn cách tình yêu đôi lứa, có thể dễ dàng bước qua mà cũng muôn vàn cách trở. Ám ảnh và xuyên suốt vở diễn là tiếng sói tru giữa những mặt người, ngay cả khi vui mừng lẫn khổ đau, như một điềm báo trước thấp thoáng về bi kịch mà chỉ có cái chết của đôi trẻ Rô-mê-ô và Giu-li-ét mới hóa giải được mọi hận thù.
Rút kinh nghiệm từ các vở diễn đã từng có trước đó, phiên bản Rô-mê-ô và Giu-li-ét mới của Nhà hát Tuổi trẻ có lời thoại ngắn gọn, súc tích mà vẫn bảo đảm tính triết lý và chất thơ trữ tình của kịch bản Sếch-xpia. Để phục vụ các khán giả người nước ngoài tại Hà Nội và có thể lưu diễn ở các nước, vở diễn còn có phụ đề tiếng Anh cho lời thoại thể hiện hai phía sân khấu. Sau những đêm diễn được công chúng hào hứng đón nhận vừa qua, có thể nói vở Rô-mê-ô và Giu-li-ét của nữ đạo diễn Bê-vơ-lin Blan-ken-síp là dấu ấn thành công mới trong kịch mục những tác phẩm kinh điển thế giới của Nhà hát Tuổi trẻ qua các thời kỳ.