Học sinh trường THPT Lạc Sơn (Lạc Sơn) trình diễn bài chiêng cổ.
Trong "Lễ hội Chiêng Mường lần thứ II” diễn ra vào năm 2016, phần thi trình tấu chiêng của đội huyện Lạc Sơn đã để lại ấn tượng đặc biệt đối với khán giả. Không chỉ bởi các bài chiêng được dàn dựng công phu, luyện tập kỹ lưỡng, tiết tấu nhịp nhàng… mà còn bởi lần đầu tiên trên sân khấu lớn của Cung văn hóa tỉnh, huyện Lạc Sơn đã "trình làng” những tay chiêng chỉ ở lứa tuổi học sinh THCS. Sự xuất hiện của những tay chiêng trẻ đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc truyền lửa, giữ hồn chiêng Mường. Từ Lạc Sơn, phong trào "truyền lửa” chiêng Mường cho thế hệ trẻ đã lan rộng ra các huyện, thành phố của tỉnh.
Từ thành phố Hòa Bình, vượt qua những đoạn đường dốc quanh co, chúng tôi đến thăm trường PT dân tộc bán trú TH&THCS Độc Lập (Kỳ Sơn) nơi có đội chiêng trẻ khá nổi tiếng. Trò chuyện với chúng tôi, cô Bùi Thị Thanh Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường được thành lập năm 2016, cũng từ thời điểm đó, đội chiêng của học sinh nhà trường được thành lập, ban đầu có 9 em, nay có 11 em. Đây là ngôi trường bán trú dành cho học sinh dân tộc, chủ yếu là dân tộc Mường nên nhà trường mong muốn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Với niềm đam mê, yêu thích, hăng say luyện tập, đội chiêng của nhà trường thường xuyên tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ của huyện như: Hội xuân văn hóa thể thao hàng năm, liên hoan tiếng hát ngành Giáo dục Kỳ Sơn, khai mạc Hội khỏe Phù Đổng; riêng năm học 2018 - 2019, đội chiêng của nhà trường giành giải ba tại Liên hoan tiếng hát Tuổi hồng các trường PTDTBT&NT của tỉnh.
Lớn hơn các em bậc THCS một chút thì phải nhắc đến đội chiêng của học sinh trường THPT Lạc Sơn, THPT Quyết Thắng (Lạc Sơn). Không chỉ trình tấu nhuần nhuyễn các bài chiêng khó, những người con của mảnh đất Mường Vang còn sử dụng thành thạo các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Mường như: sáo, nhị… Các tay chiêng trẻ đã tạo nên một sức sống mới, đầy nội lực cho chiêng Mường Hòa Bình.
Đồng chí Bùi Kim Phúc, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL) cho biết: Đối với người Mường Hòa Bình, chiêng không chỉ đơn thuần là nhạc cụ mà đã trở thành giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng. Chiêng nối dài cùng lịch sử phát triển cũng như hồn cốt, khí chất của dân tộc Mường. Qua thống kê, toàn tỉnh còn lưu giữ được gần 1 vạn chiếc chiêng, chủ yếu ở các huyện: Kim Bôi, Lạc Sơn, Tân Lạc, Đà Bắc và thành phố Hoà Bình. Chiêng được sử dụng trong hầu hết các dịp lễ, hội quan trọng của người Mường như: lễ mừng nhà mới, Khai hạ, cưới hỏi, đánh cá, Xắc bùa, cơm mới… Những chiếc chiêng, bộ chiêng thuộc quyền sở hữu của từng gia đình, nhưng khi sử dụng trình tấu lại ở không gian văn hoá cộng đồng tạo thành các dàn chiêng, đội chiêng minh chứng cho sự gắn kết cộng đồng của người Mường rất cao và bền chặt. Đặc biệt, những năm gần đây, đứng trước mối lo chiêng Mường dần mai một thì các địa phương, nhất là ngành GD&ĐT đã có sự vào cuộc mạnh mẽ, tạo nên phong trào "truyền lửa” chiêng Mường cho thế hệ trẻ. Trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều những đội chiêng lứa tuổi THCS, THPT, những tay chiêng trẻ có thể trình tấu nhuần nhuyễn những bài chiêng cổ với sự say mê, yêu thích. Đó là điều vô cùng đáng quý và xúc động. Câu chuyện "truyền lửa” chiêng Mường đã cho thấy giá trị đặc biệt, khẳng định sức sống của chiêng Mường trong đời sống hiện đại.
Tại Liên hoan phim Việt Nam vừa khép lại ở thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bộ phim về đề tài cải lương truyền thống đã xuất sắc giành giải Bông Sen Vàng, mặc dù trước đó nhiều dự đoán cho rằng giải sẽ thuộc về tay bộ phim được Nhà nước đầu tư vốn "Truyền thuyết về Quán Tiên”.