Một góc lối lên Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Lễ hội Đền Hùng có năm được tổ chức ở cấp tỉnh, có năm được tổ chức cấp quốc gia, quy mô khác nhau nhưng nghi thức trong phần lễ và các hoạt động bề nổi trong phần hội vẫn được duy trì. Phần lễ, bên cạnh sự trang nghiêm, thành kính trong nghi thức dâng hương tưởng niệm các vua Hùng còn có lễ rước kiệu về Đền Hùng - một nghi lễ đặc sắc đã được các xã vùng ven di tích duy trì, bảo tồn hàng nghìn năm nay. Tích xưa kể lại, xa xưa, 41 làng xã ven di tích thờ vợ con, tướng lĩnh Hùng Vương nên đến ngày Giỗ Tổ cùng tổ chức rước kiệu về Đền Hùng để dâng lễ vật lên tổ tiên. Thế nhưng mỗi đám rước lại gắn với một truyền thuyết khác nhau. Ví như, đoàn rước kiệu của thị trấn Lâm Thao là rước Công chúa Nguyệt Cư, con gái của Hùng Nghị Vương, tức Hùng Vương thứ 17 có tài thao lược văn võ, được gả cho phò mã Lý Văn Lang, là người có công đánh giặc giúp nước. Công chúa sinh được 12 người con, lớn lên đều theo cha mẹ đi đánh giặc, đánh đâu thắng đó. Nhân dân cảm mến công đức của bà nên lập đền thờ tại thị trấn Lâm Thao. Hàng năm, cứ đến giỗ Tổ, Nhân dân trong làng lại rước bà cùng phò mã về giỗ cha. Đoàn rước kiệu xã Hùng Sơn, người được rước trên kiệu lại là một bà Chúa Gái, gắn với truyền thuyết Sơn Tinh, đó là công chúa Ngọc Hoa, con gái Vua Hùng thứ 18 được rước về từ vùng núi Tản Ba Vì…
Có nhiều tích khác nhau nhưng ý nghĩa chung của nghi lễ rước kiệu là nêu cao truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn”. Lưu truyền cho con cháu đời sau nghe, xem, hiểu về những kế sách giữ nước an dân, giúp nhà nhà yên ổn, xã hội an cư lạc nghiệp, phát triển phồn vinh của cha ông. Qua đây thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Nghi lễ được truyền từ đời này sang đời khác và đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cùng với phần nghi lễ trang trọng, phần hội trong lễ hội Đền Hùng luôn tạo ra những ấn tượng khó phai mờ. Đó là không gian văn hóa đa sắc màu chương trình trình diễn văn hóa đường phố và nghệ thuật chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương. Cùng với đó là các trò chơi, môn thể thao dân gian như: đi cà kheo, cờ tướng, vật dân tộc, bắn nỏ, thi bơi chải trên sông Lô. Hấp dẫn đặc sắc hơn cả là thi gói bánh chưng, giã bánh dày… Các hoạt động được tổ chức trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm được kết hợp hài hoà giữa văn hoá dân gian truyền thống và hiện đại, tạo sức lan tỏa rộng rãi, đem lại sự hài lòng cho đồng bào, du khách thập phương về dự lễ.
Mùa lễ hội năm nay, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2020 sẽ không được tổ chức rầm rộ, chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội. Dẫu vậy, hàng triệu trái tim "con Lạc, cháu Hồng” vẫn hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng - lễ hội truyền thống có ý nghĩa văn hóa, tín ngưỡng và nhân văn sâu sắc.
Thúy Hằng