Bộ phim truyền hình "Những ngày không quên” đang phát sóng trên kênh VTV1 cùng nhiều dự án phim tài liệu với chủ đề phòng, chống dịch bệnh đang được sản xuất mang đến sự chia sẻ, cổ vũ cộng đồng.


Cảnh trong phim "Những ngày không quên”. (Ảnh do đoàn làm phim cung cấp).

Mảng phim truyền hình đã có những thay đổi kịp thời và cần thiết. Đầu tiên là việc VTV1 tạm dừng phát sóng bộ phim chủ đề tâm lý tình cảm "Đừng bắt em phải quên” thay bằng phim "Mùa xuân ở lại”, tác phẩm mang thông điệp "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/Gian khổ sẽ dành phần ai”. Đây cũng là thời gian đoàn phim "Những ngày không quên” gấp rút, tích cực sản xuất, đưa bộ phim chủ đề phòng, chống dịch Covid-19 lên sóng truyền hình. Bộ phim là tác phẩm của hai đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, Trịnh Lê Phong; biên kịch Trịnh Khánh Hà, Nguyễn Thu Thủy; quy tụ nhiều NSND: Trung Anh, Hoàng Dũng, Bùi Bài Bình; các diễn viên: Thu Quỳnh, Bảo Thanh, Bảo Hân, Đình Tú, Phương Oanh, Quốc Trường… Và bây giờ đến lượt "Những ngày không quên” phát sóng thay thế cho "Mùa xuân ở lại”.

Dự kiến, phim dài khoảng 50 tập, lấy bối cảnh, nhân vật từ hai bộ phim truyền hình quen thuộc "Về nhà đi con” và "Cô gái nhà người ta” được phát sóng gần đây. Phim phản ánh câu chuyện dịch bệnh ập đến kéo theo những thay đổi trong đời sống gia đình và nảy sinh nhiều tình huống xáo trộn của xã hội, như: Đổ xô mua, tích trữ thực phẩm, găm hàng, tăng giá, tung tin đồn thất thiệt, trốn cách ly… nhưng cũng từ những biến động ấy, tình người và trách nhiệm công dân vẫn trở thành điểm sáng tạo nên niềm xúc động, lan tỏa với cộng đồng.

Chia sẻ về phim "Những ngày không quên”, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng cho biết, kịch bản được hoàn thành trong thời gian rất ngắn, các diễn viên cũng được liên lạc gấp để quay trong những ngày dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn sức khỏe cho đoàn phim và chất lượng tác phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Đây cũng là lần đầu, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam) thực hiện một bộ phim dài tập kết hợp bối cảnh, nhân vật sẵn có ở những bộ phim khác. Cách thức mới này hứa hẹn tạo ra nhiều bất ngờ, thú vị cho khán giả. Một số diễn viên chia sẻ, vì quay đúng thời điểm dịch bệnh cho nên chuyện hậu trường cũng có nhiều khác biệt. Chẳng hạn, khâu kiểm dịch hay giãn cách đúng cự ly luôn được thực hiện nghiêm túc; từ chai nước uống tới hộp đồ ăn của mỗi thành viên đoàn phim đều ghi tên, xếp riêng chứ không dùng chung hoặc ăn uống tập trung như trước.

Thời điểm này, hàng loạt phim cũ có đề tài về dịch bệnh đang được khán giả trong nước và thế giới xem nhiều trên nền tảng trực tuyến, như: Bệnh truyền nhiễm, Vương triều xác sống, Lối thoát hậu tận thế… Điều đó cho thấy, đại dịch luôn là đề tài có sức thu hút lớn với giới làm phim và khán giả. Ở Việt Nam, ngoài phim truyền hình, mảng phim tài liệu cũng đã bắt nhịp. Ngày 3-4, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có công văn gửi Công ty TNHH một thành viên Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương, đề nghị điều chỉnh kế hoạch sản xuất phim "Cuộc chiến không giới hạn” (phim tài liệu về phòng, chống dịch Covid-19), sẽ sản xuất ngay trong năm 2020, thay cho kế hoạch cũ là năm 2021. Cùng thời điểm này, một số nhóm sản xuất phim tài liệu đã thực hiện xong những cảnh quay tại các điểm nóng về dịch bệnh, như: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, Bệnh viện Bạch Mai… cho những bộ phim về cuộc chiến chống dịch bệnh. Nhà sản xuất Phan Ý Linh, một thành viên đoàn phim của VTV7, cho biết: "Với tư cách là một công dân, chúng tôi tuân thủ những yêu cầu của Nhà nước trong khoảng thời gian khó khăn này. Bên cạnh đó, với tư cách là người làm nghề, chúng tôi cũng muốn đóng góp công sức để phòng, chống dịch ở những khía cạnh khác, trong đó phim ảnh vừa phản ánh thực tế, vừa tri ân những lực lượng đang gồng mình chống dịch. Đó sẽ là những dữ liệu quý giá cho mai sau”.

Theo Nhandan.com.vn

Các tin khác


Nỗ lực vượt khó, phát triển xuất bản trước tác động của dịch COVID-19

Báo cáo chưa đầy đủ của các đơn vị phát hành sách lớn cho thấy doanh thu của các đơn vị giảm khoảng 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến tiếp tục giảm sâu trong tháng 4/2020.

Vận động người dân cân nhắc thời gian tổ chức cưới

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản gửi các địa phương đề nghị vận động, hướng dẫn, khuyến cáo người dân cân nhắc lùi thời gian tổ chức việc cưới hỏi vào thời điểm phù hợp khi đã công bố hết dịch, đồng thời khuyến khích hình thức báo hỷ.

Xây dựng làng Mường cổ thành sản phẩm OCOP

(HBĐT) - Đã có hơn chục năm làm du lịch nhưng đến nay, xóm Lũy Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và sự kỳ vọng. Trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xã Phong Phú đã lựa chọn du lịch cộng đồng xóm Lũy Ải để thúc đẩy du lịch ở bản Mường cổ này.

Quảng Ninh: Carnaval Hạ Long có thể sẽ được tổ chức vào tháng 9

Nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, chương trình Carnaval Hạ Long và Tuần du lịch Hạ Long - Quảng Ninh 2020 có thể sẽ được tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9.

Làm phim tài liệu về nỗ lực chung tay đẩy lùi dịch COVID-19 ở Việt Nam

Êkíp sản xuất sẵn sàng đi vào tâm dịch để có được những thước phim chân thực nhất, ghi lại câu chuyện lịch sử về thời kỳ cả dân tộc đồng lòng, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa: Bằng chứng khẳng định chủ quyền Việt Nam

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã thấm sâu vào lòng người dân mọi miền đất nước như một "bằng chứng sống" về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục