Báo cáo chưa đầy đủ của các đơn vị phát hành sách lớn cho thấy doanh thu của các đơn vị giảm khoảng 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến tiếp tục giảm sâu trong tháng 4/2020.
Một gian hàng sách. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trước tác động tiêu cực của dịch COVID-19, ngành xuất bản, in và phát hành đã, đang tìm ra các giải pháp để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức để phát triển.
Sách truyền thống giảm, sách online tăng
Tính đến cuối tháng 3/2020, thị trường phát hành sách truyền thống dựa chủ yếu vào hệ thống cửa hàng bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Doanh thu các đơn vị phát hành sách truyền thống giảm mạnh, nhất là ở hai thị trường lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Báo cáo chưa đầy đủ của các đơn vị phát hành sách lớn cho thấy doanh thu của các đơn vị giảm khoảng 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến tiếp tục giảm sâu trong tháng 4/2020.
Cũng do dịch COVID-19 mà việc hủy Hội sách mùa Xuân Thành phố Hồ Chí Minh (hai năm tổ chức một lần) và nhiều hoạt động hội chợ, triển lãm khác dự kiến diễn ra trong dịp Ngày sách Việt Nam (21/4) tới đây cũng làm các nhà xuất bản, các công ty sách, nhà sách, các đơn vị phát hành mất nguồn thu lớn.
Mặt khác, việc Trung Quốc, châu Âu, Mỹ đang căng mình đối phó với đại dịch COVID-19 buộc nhiều công ty tại đó phải đóng cửa, hủy hợp đồng cũng tác động không nhỏ đến thị trường mua bán bản quyền của nhiều đơn vị trong nước, ảnh hưởng nhất định nguồn cung bản thảo. Các hoạt động liên quan đếm nhập khẩu nguyên liệu in xuất bản phẩm cũng gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, chi phí thuê lao động, thuê mặt bằng của các đơn vị phát hành, công ty sách trở thành gánh nặng lớn, trong điều kiện đơn vị sụt giảm hoặc không có doanh thu. Tất cả tác động tiêu cực đến toàn bộ ngành xuất bản. Trong ba tháng đầu năm 2020, lượng nộp lưu chiểu giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối lập với bức tranh nhiều mảng tối trên của thị trường sách truyền thống, thời gian này, hoạt động xuất bản có những điểm sáng. Trong điều kiện hạn chế tập trung đông người để phòng tránh dịch COVID-19, nhiều bạn đọc tìm lựa chọn hình thức mua sách qua mạng giúp kênh phát hành sách online tăng mạnh.
Theo ghi nhận của Tiki - đơn vị lớn nhất trong bán sách online hiện nay - trong hai tháng đầu năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng sách online đạt 150% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm mảng sách bán chạy nhất là văn học, kỹ năng sống, thiếu nhi, kinh tế và truyện tranh. Đặc biệt, hai loại sách có mức độ tăng trưởng đáng ghi nhận trong hai tháng đầu năm nay so với cùng thời điểm năm ngoái là sách y học (tăng gấp 2,7 lần) và sách thường thức gia đình (tăng gấp 2 lần).
Một số đơn vị khác như Fahasa, Anfabook, Nhã Nam, Thái Hà book đều ghi nhận sự tăng trưởng này với mức từ 20-30%, một số đơn vị như Phương Nam tăng trên 70%. Sự tăng trưởng đột biến của phát hành sách online ít nhiều bù đắp một phần doanh thu cho các đơn vị, giúp cho các đơn vị có thêm cơ hội duy trì hoạt động.
Cùng thị trường sách online, thị trường sách điện tử cũng tăng mạnh. Theo Waka (đơn vị duy nhất trong khối phát hành sách được cấp phép phát hành sách điện tử), doanh thu của cơ sở này tăng khoảng 20-30% trong tháng 2/2020.
Cuối tháng Hai, lượng người truy cập vượt con số 15.000, trong đó đối tượng bạn đọc VIP tăng đáng kể. Số thư viện mua account tăng. Việc huy động kinh phí để tổ chức xuất bản sách in truyền thống (với sự phối hợp với các nhà xuất bản, nhà sách) sau khi xuất bản phiên bản điện tử thuận lợi hơn. Việc thí điểm bán lưu niệm, các vật phẩm văn hóa khác qua fan club có nhiều thuận lợi, mở ra nguồn doanh thu mới ngoài sách.
Khó khăn và thời cơ đan xen
Theo nhiều chuyên gia phân tích, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cũng như nhiều lĩnh vực khác, ngành xuất bản, in và phát hành gặp phải những khó khăn nhất định.
Trước hết, với quy mô, tiềm lực của toàn ngành còn nhỏ bé, khó khăn trước mắt là thị trường bán sách truyền thống bị thu hẹp và đặc biệt khó khăn lâu dài khi sức mua giảm sâu do tăng trưởng kinh tế thấp, hệ lụy từ việc mất việc làm của một bộ phận người lao động trong thời gian tới. Những điều này sẽ làm ngành xuất bản nói chung, doanh nghiệp phát hành, nhà sách nói riêng đối mặt với nguy cơ dừng hoạt động, ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu phát triển văn hóa đọc.
Sự tăng trưởng mạnh của thị trường phát hành sách online chưa đủ bù đắp được sự tụt giảm sâu của thị trường phát hành sách truyền thống do phát hành sách truyền thống vẫn chiếm trên 50% thị phần ở hầu hết các doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp chuyên phát hành sách online).
Bên cạnh đó, do bị động, không có sự chuẩn bị trước nên ngay cả đối với những đơn vị có nguồn lực, việc chuyển dịch sang kênh phát hành online gặp nhiều khó khăn, kết quả hạn chế.
Theo Waka, hiện đầu tư một app (ứng dụng) để bán sách có thể ở mức từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Cùng với đó, cần duy trì đội ngũ đủ kỹ năng vận hành chuyên nghiệp, giúp tăng tỷ lệ người truy cập và sử dụng.
Ngoài ra, để phát huy hiệu quả, việc xây dựng các sàn bán sách độc lập chi phí khá cao, không đa dạng hóa nguồn thu, khó đem lại kết quả.
Trong khi đó, hiện nay chiết khấu thị trường sách online cũng rất cao. Hiện với Tiki, tỷ lệ này dao động từ 40-60% giá bìa. Do là đơn vị chiếm thị phần lớn nhất trong hệ thống phát hành online hiện nay nên việc đưa sách vào hệ thống phát hành này với một số đơn vị, nhất là những đơn vị chưa có thương hiệu mạnh, gặp nhiều khó khăn; khó duy trì quan hệ kinh tế bình đẳng cần thiết.
Hội sách Fahasa Online 2020 với chuỗi các chương trình khuyến mãi đặc biệt. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Ngoài ra, việc chuyển từ thị trường sách truyền thống sang thị trường sách điện tử là một thời cơ mở ra trong hoàn cảnh hiện nay. Tuy nhiên, để tận dụng thời cơ này cũng còn nhiều khó khăn đối với các cơ sở. Việc phát triển thị trường sách điện tử cần một thời gian tương đối dài với sự hỗ trợ rất tích cực của nhà nước. Ví dụ, Hàn Quốc cần quãng thời gian 5-7 năm với sự hỗ trợ, kích cầu của Nhà nước qua cơ chế tài trợ giá.
Với Việt Nam, sách điện tử chưa được các nhà xuất bản, nhà sách quan tâm. Lý do chính là doanh thu còn thấp, nguy cơ xâm hại bản quyền cao. Waka có khoảng 10.000 tên sách, khoảng trên 15.000 user. Doanh thu trung bình khoảng 600-650 triệu đồng/tháng nhưng số lượng các đối tác tham gia xuất bản điện tử ngày càng giảm.
Hiện, thị trường sách điện tử phái sinh từ sách đã in chỉ chiếm khoảng 1-3% doanh thu. 80% đến từ khai thác sách nước ngoài (chủ yếu sách Trung Quốc với mảng sách ngôn tình, kiếm hiệp). Phần còn lại là từ các dịch vụ xuất bản, thương mại khác. Nhà nước cần có các chính sách để khắc phục khó khăn và tâm lý lo ngại này, tạo sự kết nối giữa các đơn vị xuất bản, phát hành sách điện tử.
Bên cạnh những tác động tiêu cực, ngành xuất bản đã xác định được thời cơ cần tận dụng để phát triển. Việc giảm nhịp điệu sống qua việc giảm giao thương và các hoạt động sản xuất-kinh doanh, các hoạt động vui chơi, giải trí ngoài trời; hạn chế việc đi lại, tăng thời gian ở nhà của một bộ phận lớn người dân khiến cơ hội để người dân tiếp cận sách tăng, tái sinh môi trường đọc. Đây chính là thời cơ hiếm có để tận dụng, xây dựng thói quen đọc sách, nhân tố quan trọng nhất để phát triển văn hóa đọc.
Thực tế, dù số lượng sách bán giảm nhưng một số mảng sách hay, nhiều giá trị, kén độc giả đã bán chạy hơn, với đối tượng đọc đa dạng hơn như các tác phẩm văn học kinh điển, sách nghiên cứu triết học, kinh tế, lịch sử, tôn giáo, văn hóa...
Đồng thời, khi thị trường, phương thức kinh doanh truyền thống gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng tìm kiếm thị trường và phương thức kinh doanh mới.
Một số doanh nghiệp trước đây chưa quan tâm đến phát hành online buộc phải chuyển hướng, phát triển mạng lưới bán hàng online nhằm đối phó với sự sụt giảm thị trường, như: Fahasa, Phương Nam, Thái Hà book....
Một số doanh nghiệp khác tuy đã chú ý đến phát hành sách online nhưng còn phụ thuộc chủ yếu vào đối tác thì nay nhận thấy họ sẽ phải chủ động hơn nữa trong xây dựng kênh bán sách online của riêng mình, phát triển mảng sách điện tử, từ đó làm phong phú thị trường sách, hạn chế cạnh tranh thiếu lành mạnh. Tính liên kết trong hệ thống theo đó sẽ chặt chẽ hơn, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Cũng giống như nhiều lĩnh vực sản xuất-kinh doanh khác, trên một phương diện nhất định, nếu có điều tiết phù hợp của Nhà nước, những khó khăn do dịch COVID-19 mang lại như một thử thách để qua đó sàng lọc, loại bỏ những đơn vị kém năng lực, thiếu tầm nhìn, thiếu khả năng thích nghi, từ đó quy hoạch một cách tự nhiên toàn bộ hệ thống, làm cho thị trường phát triển lành mạnh hơn.
Tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức
Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, trước hết ngành xuất bản, in và phát hành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá văn hóa đọc nhân dịp sự kiện Ngày sách Việt Nam (21/4).
Từ Hội sách này, ngành xuất bản cần tiếp tục duy trì sàn giao dịch điện tử; phát triển trở thành sàn giao dịch sách hiệu quả; nghiên cứu đề xuất giảm thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các đơn vị hoạt động cả trong lĩnh vực xuất bản và phát hành, đồng thời nghiên cứu có các chính sách giảm giá thuê nhà (đối với các đơn vị xuất bản đang sử dụng đất, thuê nhà của nhà nước), chính sách hỗ trợ vốn vay để sản xuất, trả lương người lao động; chế độ để lại phần lợi nhuận, phần trích nộp ngân sách nhằm tái đầu tư.
Ngành kêu gọi sự vào cuộc, phối hợp của các doanh nghiệp để cùng các đơn vị xuất bản tháo gỡ khó khăn.
Các công ty mạng viễn thông có thể giảm phí thu từ bán sách điện tử hoặc thay vì giảm thu phí có thể hỗ trợ cung cấp một số gói quy đổi lợi ích khác (hiện các nhà mạng thu 40-60% phí thu tiền). Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có thể chia sẻ khó khăn qua việc giảm chi phí thuê mặt bằng. Đơn vị phát hành sách online, sách điện tử cần giảm chiết khấu, miễn giảm một số chi phí khác, tăng lợi nhuận cho các nhà xuất bản, nhà sách, giảm giá thành sách; thu hút bạn đọc.
Các nhà xuất bản, công ty sách, đơn vị phát hành cần chủ động hơn nữa chuyển đổi mô hình, phương thức sản xuất kinh doanh; tăng cường, mở rộng thị trường bán sách online, sách điện tử; tích cực tổ chức quảng bá ấn phẩm của đơn vị. Mỗi biên tập viên ngoài công tác biên tập phải trở thành những người làm công tác truyền thông, khai thác đa dạng các kênh truyền thông: báo chí, mạng xã hội, tập trung xây dựng và giới thiệu các bộ sách phù hợp với nhiều đối tượng bạn đọc, từ đó tận dụng thời gian để phát triển thị trường, hình thành thói quen đọc sách cho độc giả, nhất là độc giả trẻ.
Các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng phần mềm hỗ trợ quy trình quản lý, biên tập xuất bản để nếu dịch bệnh kéo dài, có nguy cơ lan rộng, các hoạt động xuất bản vẫn tiếp tục được thực hiện trên nền tảng công nghệ đã có. Hiện, Cục Xuất bản, In và Phát hành đang làm việc cùng Công ty Cổ phần Công nghệ AIV Group và Công ty InfoRe Technology để phát triển phần mềm này theo hướng đầu tư nhà nước ban đầu kết hợp xã hội hóa, doanh nghiệp viễn thông cho các đơn vị xuất bản thuê sử dụng; tác động doanh nghiệp phát triển công nghệ AI hỗ trợ đọc sách, từ đó số hóa sách dưới dạng audio...
Về lâu dài, các giải pháp mang tính chiến lược được đưa ra là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có luật khuyến đọc để đưa sách vào trường học, hình thành thói quen đọc sách của trẻ; xây dựng Luật Cơ chế giá sách.
Ngành xất bản cần đẩy mạnh phát triển xuất bản điện tử và phát hành sách điện tử (hiện chỉ có 6 nhà xuất bản và 2 đơn vị phát hành được cấp phép, trong đó một đơn vị phát hành đã ngừng hoạt động); vận động để các nhà xuất bản, các nhà sách tham gia tích cực hơn vào thị trường phát hành sách điện tử, nhất là với sách đã xuất bản bản giấy truyền thống.
Ngành xuất bản, in và phát hành cần tiếp tục tìm đối tác đầu tư xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển văn hóa đọc, tủ sách cộng đồng; triển khai Chương trình sách quốc gia thiết yếu với sự đầu tư của Nhà nước; phát huy lợi thế Ngày sách Việt Nam, triển khai tốt Giải thưởng sách để lan tỏa sách hay, sách tốt đến bạn đọc; đẩy mạnh các hoạt động hội chợ, quảng bá sách qua đó xây dựng, hình thành, nuôi dưỡng thói quen đọc sách./.
Theo TTXVN
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã thấm sâu vào lòng người dân mọi miền đất nước như một "bằng chứng sống" về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
(HBĐT) - Những năm qua, cùng với quan tâm phát triển phong trào thể dục thể thao (TDTT) quần chúng nói chung, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) còn chú trọng công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các môn thể thao dân tộc. Qua đó, góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân, đồng thời bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.
(HBĐT) - Ngày 3/4, Sở TT&TT có Văn bản số 375/STTTT-TTBCXB về việc tăng cường kỷ luật truyền thông phòng, chống dịch Covid-19.
Với sứ mệnh là người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa, những ngày qua, các nghệ sỹ chuyên và không chuyên đã cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật cổ vũ, nâng cao tinh thần, góp phần thiết thực vào công cuộc phòng chống dịch COVID-19.
Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam vừa cho biết, các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tham dự Cuộc thi ảnh quốc tế Contrast 2020 đã giành nhiều giải thưởng với hai Huy chương vàng, một Huy chương bạc và nhiều bằng danh dự.
(HBĐT) - Với mục tiêu phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, Thư viện tỉnh đã triển khai tổ chức các chuyến xe thư viện lưu động đa phương tiện, mang ánh sáng tri thức đến với người dân vùng sâu, xa, các trường học trong tỉnh, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.