(HBĐT) - Chưa được tổng hợp, biên soạn và lưu trữ một cách đầy đủ dẫn đến nhiều giá trị tốt đẹp của mo Mường dần bị mai một; chỉ còn số lượng không nhiều các thầy mo nắm giữ kiến thức, kinh nghiệm, giá trị nhân văn của mo Mường; việc đào tạo, truyền dạy gặp khó khăn do chưa có môi trường, yêu cầu cao về tố chất, năng khiếu... Trước thực trạng này, huyện Tân Lạc đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa mo Mường. Đặc biệt, BTV Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/HU, ngày 19/10/2016 về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa mo Mường trên địa bàn.


Nghệ nhân mo xã Phong Phú (Tân Lạc) thực hành nghi lễ mo Mường tại lễ hội Khai hạ Mường Bi năm 2020.

Gần đây, những bậc thầy mo Mường như ông Bùi Văn Khẩn, Bùi Văn Lựng, Bùi Văn Nợi ở xã Phong Phú, Đinh Công Tỉnh ở xã Mỹ Hòa được quan tâm, khích lệ, động viên nhiều hơn. Nhờ đó, lớp nghệ nhân này đã, đang chủ động truyền miệng, thực hành, diễn xướng các bài mo, các phong tục tập quán tốt đẹp liên quan đến mo Mường qua các thế hệ trong gia đình, dòng họ và cộng đồng để lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của mo Mường. Các thầy mo còn thường xuyên trao đổi thông tin, giới thiệu, truyền dạy các bài mo, dòng mo, thực hiện các nghi lễ của mo Mường trong nghi lễ mo ma theo quy ước của các khu dân cư, không trái với quy định pháp luật.

Giá trị văn hóa mo Mường được tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, học sinh và Nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân về việc coi trọng, có ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát triển. Huyện cũng chủ động phối hợp Sở VH-TT&DL tổng hợp kết quả kiểm kê, lập hồ sơ di sản văn hóa trình Bộ VH-TT&DL quyết định công nhận mo Mường, chiêng Mường là di sản văn hóa cấp quốc gia, tham gia xây dựng lộ trình lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Phối hợp các xã, thị trấn, nhà nghiên cứu tiến hành rà soát, điều tra, thống kê các thầy mo, dòng mo, bài mo, đồ dùng của thầy mo.

Tính đến thời điểm này, toàn huyện có 180 thầy mo chính đang hành nghề. Trong đó, 41 thầy mo trên 70 tuổi nắm giữ nhiều kiến thức, kinh nghiệm và giá trị nhân văn của mo Mường, còn lại là số thầy mo mới vào nghề, chỉ thực hành được nghi thức mo đơn giản. Có 5 CLB "Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa mo Mường" được thành lập. Các CLB xây dựng quy chế hoạt động, thường xuyên sinh hoạt và phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, huyện tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai công tác lập hồ sơ đề nghị công nhận nghệ nhân ưu tú. Đến nay, các cấp thẩm quyền đã công nhận nghệ nhân ưu tú mo Mường, chi trả chế độ theo quy định cho 3 thầy mo có thành tích trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa mo Mường, 1 nghệ nhân mo Mường được tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp VH-TT&DL. Ngoài ra, đã đề nghị công nhận 6 nghệ nhân mo là nghệ nhân ưu tú. Xây dựng 23 chương trình, phóng sự về bảo tồn, phát huy giá trị mo Mường phát trên sóng phát thanh, truyền hình. Tăng cường công tác sưu tầm, xây dựng thành sách, phát hành đĩa CD bộ "Mo Mường Tân Lạc" để phục vụ tuyên truyền, lưu trữ, quảng bá về những giá trị của mo Mường.

Theo đồng chí Lê Chí Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện, nhận thức của các cấp, ngành về giá trị mo Mường đã có sự thay đổi, nhất là sau khi mo Mường được công nhận là di sản văn hóa. Để khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa mo Mường hơn nữa, huyện tiếp tục đưa di sản này trở thành sản phẩm du lịch tiêu biểu, đặc sắc, gắn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa mo Mường với phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Đưa việc truyền dạy mo Mường vào các buổi học ngoại khóa của học sinh trường THCS, THPT. Duy trì có hiệu quả hoạt động của các CLB Mo Mường; đảm bảo 100% người có công bảo tồn, giữ gìn và truyền dạy mo Mường được tôn vinh, hưởng chế độ đãi ngộ theo quy định. Tổ chức hội nghị, tọa đàm, gặp mặt trao đổi kinh nghiệm giữa các thầy mo đang hoạt động để phát huy, đánh giá, tôn vinh những người trực tiếp giữ gìn kho tàng văn hóa mo Mường, động viên họ quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ nghệ nhân kế cận.


Bùi Minh


Các tin khác


Tổng kết và trao giải Đại sứ Văn hóa đọc 2020

Ngày 23-10, tại trụ sở 51 Ngô Quyền, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020.

Huyện Đà Bắc: Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống

(HBĐT) - Thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, những năm qua, huyện Đà Bắc đã có nhiều giải pháp, cách làm cụ thể nhằm bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống.

Miền Trung

(HBĐT) - Miền Trung mảnh đất anh hùng 

Núi cao mây thấp uốn cong gió Lào 
Thương lắm bão năm nào cũng ghé! 
Khách không mời chẳng dễ xua đi.

Bộ sách Lục tỉnh cầm ca giới thiệu 4 loại hình nghệ thuật đặc trưng của Việt Nam

Bộ sách Lục tỉnh cầm ca bao gồm 4 cuốn: Đường vào Hát bội, Đường vào Diễn xướng dân gian Nam bộ, Đường vào Đờn ca tài tử và Đường vào Cải lương.

Tiết giảm nhiều trò chơi dân gian, hoạt động giải trí tại Lễ hội chùa Keo Thái Bình

Chỉ còn ba ngày nữa, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) chính thức khai hội mùa Thu. Đây là lễ hội truyền thống, tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng. Tuy nhiên, năm nay Ban tổ chức lễ hội có những điều chỉnh kịp thời để phù hợp với tình hình.

Sức sống của một phong trào

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh miền núi, nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc, dân số hơn 85 vạn người. Có 6 dân tộc chủ yếu là Mường, Thái, Kinh, Dao, Tày, Mông (các dân tộc thiểu số chiếm gần 73%, trong đó, dân tộc Mường trên 63%). Giai đoạn 2000 - 2020, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được duy trì, phát triển, trở thành phong trào xã hội rộng lớn, có sức sống mạnh mẽ, góp phần xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, đảm bảo ANTT, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục