(HBĐT) - Trong khuôn khổ Đại hội Thi đua yêu nước Hội Nhà báo Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025 tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua, các đại biểu đã đến thăm Bảo tàng Báo chí Việt Nam, nơi trưng bày trên 700 hiện vật, tài liệu quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam từ buổi sơ khai tới nay. Không gian trưng bày sinh động, khoa học, thuyết minh viên trình bày hấp dẫn, lôi cuốn… đã tạo ấn tượng khó phai cho các nhà báo trên khắp mọi miền của Tổ quốc.
Các nhà báo thăm quan gian trưng bày của Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Trên đường dẫn đoàn di chuyển đi thăm quan, nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia sẻ: Bảo tàng mở cửa đón khách thăm quan vào dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2020. Qua thời gian hơn 1.000 ngày chuẩn bị, Bảo tàng đã sưu tầm được trên 20.000 hiện vật, tài liệu, hình ảnh, bản thảo, trong đó có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm, phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam được nghiên cứu, lập hồ sơ, thẩm duyệt phục vụ trưng bày. Đây là một quá trình nỗ lực không ngừng trong suốt 6 năm liền, bởi vậy, không gian, cách thức trưng bày khá đặc biệt, mới, lạ, tiệm cận với xu hướng xây dựng bảo tàng hiện đại. Bảo tàng Báo chí Việt Nam được triển khai theo hướng trưng bày kỹ thuật số. Các hệ thống màn hình từ gian đầu tiên đến gian đương đại đều được tích hợp những thông tin, tư liệu, tác phẩm, hình ảnh liên quan đến đời sống báo chí, các hoạt động báo chí, sự cống hiến của báo chí trong các thời kỳ lịch sử của đất nước. Bên cạnh việc trưng bày tài liệu, hiện vật, hình ảnh, bảo tàng còn có hệ thống màn hình công chiếu 26 bộ phim giới thiệu về lịch sử báo chí và các nhà báo tiêu biểu của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Đến với bảo tàng, thuyết minh viên Nguyễn Minh Châu giới thiệu nội dung chi tiết các tài liệu, hiện vật, bản thảo được trưng bày tại bảo tàng. Các gian trưng bày có lớp lang, theo từng thời kỳ, trong đó: Phần 1 là báo chí Việt Nam giai đoạn 1865 - 1925; phần 2 là báo chí Việt Nam giai đoạn 1925 - 1945; phần 3 là báo chí Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954; phần 4 là báo chí Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975; phần 5 là báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay. Các gian trưng bày được bố trí trên diện tích gần 1.500 m2, được khai thác triệt để trên các diện trưng bày khác nhau: Trưng bày bằng giải pháp đồ họa trên đai vách, bằng hiện vật, tư liệu gốc và phục chế trong tủ, bục, giá, kệ, trục quay…; thông qua các giải pháp công nghệ phát thanh - truyền hình - số hóa để phục vụ tối đa nhu cầu công chúng đến với bảo tàng. Một số điểm nhấn trong các không gian trưng bày: bút sen ở gian khánh tiết, bục kim cương ở gian báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925; khu vực trải nghiệm các loại hình báo điện tử, báo in, báo nói, báo hình; khu vực tưởng niệm các nhà báo đã ngã xuống vì Tổ quốc và Nhân dân, vì sự nghiệp báo chí Việt Nam…
Mỗi tài liệu, hiện vật đều mang trong mình một câu chuyện đặc biệt gắn với các thời kỳ làm báo sôi nổi, gian khó, hiểm nguy. Đó là những chiếc khăn dù, võng dù, những bức thư gửi cho gia đình hẹn ngày trở về, những bản thảo, sổ ghi chép đang viết dở của các nhà báo liệt sỹ Phạm Đình Côn, Hồ Tương Phùng, Nguyễn Mai, Hoàng Thành Tùng...; là chiếc xe đạp Thống Nhất bạc màu sơn của nhà báo Đặng Loan - Tổng Biên tập đã lao mình vào cứu người ở bệnh viện Tây Hiếu, xưởng cơ khí và hy sinh khi trở về toà soạn giữa mưa bom bão đạn. Hay giấy báo tử "nhầm" của nhà báo Kim Toàn, hộp đèn dầu tự chế để viết báo của nhà báo Đặng Minh Phương...
Kết thúc chuyến thăm quan, nhiều nhà báo nhận xét: Bảo tàng Báo chí Việt Nam giống như một thực thể sống, phong phú và sinh động, một trung tâm nghiệp vụ, truyền thông, giáo dục truyền thống báo chí cách mạng, chứ không đơn giản là tủ kính trưng bày theo nguyên nghĩa của bảo tàng. Nhiều nhà báo bày tỏ: Sẽ trở lại bảo tàng trong nhiều lần nữa để tìm hiểu, cảm nhận những giá trị vô giá ở "kho sử” của báo chí Việt Nam.
Thúy Hằng
Bộ phim truyền hình "Hồ sơ Cá sấu” của đạo diễn Mai Hiền sẽ lên sóng VTV3 vào ngày 13/11 tới đây. Bộ phim tâm lý hình sự quy tụ dàn diễn viên truyền hình đình đám: Việt Anh, Mạnh Trường, Kiều Anh,...
(HBĐT) - Ngày 28/10, Hội đồng cơ sở cấp tỉnh đã họp xét tặng "Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật tỉnh Hòa Bình năm 2021. Sau khi xem xét hồ sơ, thành tích đạt được của các tác giả, đối chiếu điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định số 90/2014/NĐ-CP và Nghị định số 133/2018/NĐ-CP, Hội đồng đã bỏ phiếu kín đối với 4 tác phẩm, cụm tác phẩm của 3 tác giả, nhóm tác giả.
(HBĐT) - Trên đỉnh Đồng Tân (Mai Châu) sương mù bao phủ quanh năm là những ngôi nhà nhỏ của bà con người dân tộc Dao nằm rải rác ven quốc lộ 6, giáp với huyện Vân Hồ (Sơn La). Khu vực này trước sắp xếp đơn vị hành chính là xã Tân Sơn có 29 hộ, 128 nhân khẩu là đồng bào người Dao sinh sống. Tuy chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong cộng đồng dân cư của Đồng Tân cũng như huyện Mai Châu, nhưng điều đáng quý là người Dao nơi đây vẫn giữ được khá nguyên vẹn bản sắc văn hóa dân tộc.
(HBĐT) - Những năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa được các cấp, ngành trên địa bàn huyện Lạc Thủy quan tâm triển khai rộng khắp và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân.
(HBĐT) - Ngày 29/10, Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Lương Sơn tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, giai đoạn 2016 - 2020.