Lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tặng sách cho thư viện trại tạm giam Công an tỉnh.
Mặc dù điều kiện Trại nhiều khó khăn, phòng ở, phòng làm việc của cán bộ, chiến sỹ còn thiếu thốn, cán bộ, chiến sỹ có chuyên môn làm thư viện không có, vốn sách của Trại ít… nhưng với quyết tâm cao đưa sách đến nơi này, cả hai bên cùng cố gắng vượt qua những khó khăn ban đầu. Phòng thư viện của Trại nhanh chóng được hình thành, giá sắt được hàn ngay ngắn, tận dụng bàn ghế làm việc cũ. Không theo quy định khô cứng là chỉ cho mượn tối đa 500 đầu sách, Thư viện tỉnh luân chuyển 1.500 đầu sách cho thư viện Trại để làm "vốn”, cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn nghiệp vụ ban đầu, cơ bản của hoạt động thư viện như cách sắp xếp sách theo hướng dẫn nghiệp vụ mới, theo dõi sách ra, sách vào, tra từ loại… Thủ thư Bùi Thị Lệ Minh chia sẻ: Từ khi đi vào hoạt động, hầu như ngày nào cũng có người đến mượn, đổi sách, trung bình 3 - 4 ngày đổi sách 1 lần. Từ 3 - 6 tháng, thư viện Trại ra Thư viện tỉnh đổi sách mới, chủ yếu là sách văn học, khoa học kỹ thuật, phương pháp sống, những tấm gương tiêu biểu vươn lên trong cuộc sống, danh nhân Việt Nam và thế giới… Mỗi lần đổi từ 500 - 700 cuốn được lựa chọn cẩn thận.
Sau hơn 3 năm thành lập, thư viện Trại giờ khang trang hơn, bàn ghế được trang bị tốt hơn để phạm nhân có điều kiện đọc sách tại chỗ, giá sách được sắp xếp khoa học dễ tìm, dễ đọc. Lãnh đạo Trại cho biết, mô hình thư viện Trại tạm giam rất hiệu quả, phạm nhân đọc nhiều, chất lượng cải tạo được nâng lên rõ rệt. Mô hình này thực sự nhân văn, nên nhân rộng, nếu có điều kiện Trại cũng muốn mở thêm tủ sách hoặc thư viện cho phạm nhân tại phân trại Bắc Phong.
Thủ thư Bùi Thị Lệ Minh chia sẻ thêm: Lãnh đạo Trại rất quan tâm đến công tác thư viện, thường xuyên nhắc nhở thư viện tạo điều kiện tốt nhất cho phạm nhân đọc sách. Số lượng phạm nhân đọc thường xuyên nhiều, hầu hết ai cũng đọc sách, ban đầu họ tìm đến với sách như phương thuốc để vơi đi nỗi nhớ nhà, sau thành ham đọc, nhiều người nhờ đọc sách kết hợp với sự giáo dục bài bản của Trại mà ra tù trở thành người lương thiện, có tương lai. Như phạm nhân Bùi Văn C. (SN 1995) ở huyện Lạc Sơn, được tha tù có điều kiện tháng 9/2020. Thời gian cải tạo C. được giao nhiệm vụ chăm sóc ao nuôi cá chép. Do ham đọc sách kỹ thuật chăn nuôi nên cá nhanh lớn, năng suất cao. Khi mãn hạn, gia đình cũng làm nghề buôn cá cảnh, phát huy kiến thức đã học được khi ở Trại, anh C. phát triển thành nghề nuôi cá Koi, mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế gia đình và tương lai bản thân. Phạm nhân Nguyễn Duy Đ. (SN 1988), trú tại huyện Lương Sơn được Trại giao chăm sóc đàn lợn đã rất chăm đọc sách, chịu khó nghiên cứu sách về chăn nuôi nên đàn lợn phát triển tốt. Sau khi ra tù, anh Đức bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình, mở rộng mô hình nuôi lợn tại nhà. Có một tình tiết thú vị là anh Đ. quay lại phân trại xin mua toàn bộ đàn lợn do mình chăm sóc về để tiếp tục nuôi. Hay nhiều gương phạm nhân khác ham đọc sách mà thay đổi tư duy, cách nghĩ, cải tạo tốt hơn, tầm hồn trai sạn dần trở lại hiền hòa, biết hối lỗi và sửa sai, được tha tù trước thời hạn trở về cuộc sống lương thiện, phát triển kinh tế gia đình ổn định như: Bùi Văn T. (Lạc Sơn) phát triển tốt nghề trồng cây ăn quả; Trần Duy T. (Lạc Thủy) phát triển tốt mô hình trang trại; Bùi Văn T. (Lạc Sơn) chăn nuôi gà và trồng cây ăn quả…
Thư viện Trại tạm giam Công an tỉnh thực sự là mô hình nhân văn, ý nghĩa, tạo điều kiện cho những phạm nhân được tiếp xúc với những cuốn sách bổ ích, mang lại sự an ủi, niềm tin, hỗ trợ tinh thần, tâm lý, mở ra cho họ những suy nghĩ tích cực về cuộc đời. Sức cảm hóa mạnh mẽ từ sách làm cho con đường hoàn lương của họ trở nên gần hơn. Hơn nữa, đọc sách còn là kênh thông tin quý giá giúp họ hiểu thêm về chế độ, quyền lợi của mình được thụ hưởng, qua đó có có thêm động lực, chí hướng để phấn đấu. Sách còn là cánh cửa góp phần mở lối tương lai, định hướng nghề nghiệp cho họ ngay khi mãn hạn tù, trở về tái hòa nhập cộng đồng để không tái phạm.
Quốc Khánh
(Hội Văn học nghệ thuật tỉnh)