Thầy Mo Bùi Văn Minh (bên phải), xóm Mận, xã Văn Sơn (Lạc Sơn) và nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Thanh Bình trao đổi kinh nghiệm bảo quản cổ vật.
Từ ngày mới mười tám, đôi mươi, Bùi Văn Minh đã sớm có ý thức sưu tầm các hiện vật quý, lạ của người Mường. Trên 20 năm sưu tầm cổ vật, đến nay, anh đã sở hữu trên 1.000 hiện vật lớn, nhỏ, được chia thành nhiều loại: đá công cụ (thuộc các nền văn hóa khảo cổ học); hiện vật đồng và các kim loại khác; hiện vật văn vật Mường (đồ dùng sinh hoạt)... trong đó, nhiều cổ vật có giá trị lớn về văn hóa, vật chất.
Về hiện vật đá, có nhiều công cụ do người nguyên thủy mài (cách ngày nay khoảng 7.500 - 2.800 năm), từ mài lưỡi đến mài toàn thân, vòng tay trang sức đến những hiện vật đá dùng cho sinh hoạt ở giai đoạn sau này. Cổ vật đồng có rìu, dao găm, mũi tên, rìu lưỡi séo, mũi giáo, đồ trang sức…, hầu hết thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn có niên đại cách ngày nay gần 3.000 năm. Trong các cổ vật bằng đồng, tiêu biểu và nổi bật là số cổ vật xanh đồng 4 quai, piếng đồng nhà lang, chiêng đồng quý và một số vật dụng đồng có từ thời hậu Lê, anh sưu tầm được trong khu vực Mường Vang và các vùng Mường lớn khác của tỉnh.
Kim loại khác gồm cổ vật bằng bạc trang sức của phụ nữ giàu có thời kỳ phong kiến ở Hòa Bình như vòng đeo cổ, đeo tay, bộ xà tích, hộp đựng trầu cau, hộp đựng các vật dụng phụ nữ bằng bạc… Nhiều hiện vật anh còn nắm rõ lai lịch, xuất xứ của "bà nàng" (vợ lang) trên đất Mường Vang, Mường Vó, Mường Khênh, như chiếc ấm của bà Hà Thị Tẻo - hoa hậu xứ Mường Hòa Bình, là con nuôi, con dâu của Chánh quan lang Quách Vị.
Trong các cổ vật, nhiều đồ có giá trị cao về vật chất và văn hóa như chiếc ninh đồng lớn của nhà lang Mường Vang rộng gần 60 cm; 3 chiếc xanh đồng 4 quai có đường kính miệng gần 80 cm, cân nặng mỗi chiếc gần 30 kg. Trên địa bàn tỉnh loại hiện vật này chỉ còn một vài chiếc. Bộ sưu tập chiêng cổ có vài chục chiếc lớn, nhỏ. Trong đó, 2 chiếc chiêng cổ hiện nay khó có thể tìm thấy ở Hòa Bình. Một chiếc có đường kính 1 m, nặng 26 kg anh sưu tầm ở Mường Vang Hòa Bình. Chiếc thứ 2 anh sưu tầm tại một gia đình dân tộc Mường ở Thanh Hóa rộng 74 cm, nặng hơn 10 kg.
Giới thiệu về 2 chiếc kiếm đồng được treo trang trọng trên cột ban thờ lớn, thầy mo Bùi Văn Minh cho biết: 1 chiếc có từ thời Lê (thế kỷ XVII - XVIII), dài 82 cm, chuôi đồng đúc nguyên khối, 1 chiếc của Vua Khải Định tặng nhà lang Quách Vị (Chánh quan lang Hòa Bình) dài 91 cm, chuôi đồng bọc ngà voi. Ngoài ra, chúng tôi còn được thưởng lãm vô số đồ dùng, đồ trang sức của nhà lang Mường, đồ trang sức, đồ dùng cá nhân của vợ, con gái nhà lang được bọc bạc: dao cau bọc nanh hổ, nanh hổ đeo cổ, trâm cài tóc bằng bạc, ngà voi, xà tích bạc. Cầm trên tay chiếc piếng đồng (vật dụng để đồ xôi của người Mường) có dáng nhỏ, tròn, không có quai, họng piếng thấp hơn so với những chiếc piếng thông thường khác, anh giải thích, nó là chiếc "piếng con côi”, người xưa sản xuất chuyên để dành bán cho người mồ côi cha mẹ, phụ nữ góa chồng, loại này cũng vô cùng hiếm và ít người hiểu về nó. Một vật thiêng bất khả ly thân của mỗi thầy mo Mường là túi Khót. Túi Khót của các thầy mo cơ bản giống nhau, là chiếc túi vải trong đó có chứa nhiều "vật thiêng" như đá thiên thạch, rìu đá mài lưỡi, mài toàn thân, công cụ lấy lửa, rìu đồng Đông Sơn, mũi tên, lưỡi giáo đồng nanh lợn, nanh hổ và vài chục các đồ lạ khác… Túi Khót của thầy mo Minh chứa hàng trăm vật thiêng và nó lớn gấp 3 - 4 túi Khót bình thường.
Chiếm trên 63% dân số của tỉnh, người Mường Hòa Bình có nền văn hóa truyền thống lâu đời, phong phú, đa dạng. Trước thực trạng di sản truyền thống Mường ngày càng hao hụt dần, việc sưu tầm các hiện vật quý, lạ "để cất nó đi kẻo sau này mất không có nữa”, với cái tâm nhằm lưu giữ, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc của thầy mo Bùi Văn Minh thật đáng trân trọng.
Lê Quốc Khánh
(Hội VH-NT tỉnh)