(HBĐT) - Khi những nụ hoa đào ở vùng Mường Lầm, xã Phong Phú (Tân Lạc) bắt đầu chúm chím thì nghệ nhân mo Bùi Văn Lựng lại bận rộn chuẩn bị mũ, áo đi khắp làng trên, xóm dưới để làm lễ tại các gia đình. Trong ngôi nhà sàn truyền thống, ông giới thiệu đồ nghề hành lễ được để nơi trang trọng gần cửa voóng. Ngày Tết, các gia đình trong vùng thường mời thầy mo đến khấn lễ báo cáo với tổ tiên về một năm đã qua, cũng như mong một năm mới tốt đẹp. Với thầy mo Bùi Văn Lựng, khấn lễ ngày Tết thực tế là khấn bàn thờ tổ tiên, thổ địa, bắt đầu từ khoảng 25 tháng chạp đến mùng 5 Tết.
Thầy mo Bùi Văn Lựng, xóm Lầm, xã Phong Phú (Tân Lạc) giới thiệu về mo Mường và túi khót.
"Hôm nay ngày ba mươi Tết/Hết năm cũ ra mùa năm mới/Mọi sự qua/Ba sự khỏi/Dễ bề làm giàu sang/Làm nên làm có/Cho hợp lòng bố/Cho đến lòng con/Cháu con chút chít/Sắm sửa đẹp lành…” (bản dịch tiếng Việt). Những câu thơ mo trong khấn lễ Tết được ông mo xướng lên bằng tiếng Mường cổ trong không gian gia đình ngày Tết ấm cúng tỏ rõ đạo hiếu của người Mường với tổ tiên và thể hiện mong ước, phấn đấu để có một năm mới sung túc, an lành.
Đam mê những roóng mo từ khi còn nhỏ nên ông Lựng thường đi theo các ông mo làm lễ và đến năm 27 tuổi đã thuộc các bài mo, rồi được người trong vùng tôn kính gọi là thầy, đánh dấu sự tiếp nối truyền thống của cha ông. Cùng với việc khấn lễ tại các gia đình, thầy mo Lựng còn chuẩn bị sẵn sàng, tươm tất cho trọng trách được giao gần 20 năm qua là thực hiện nghi lễ tại Lễ hội Khai hạ Mường Bi - lễ hội lớn nhất của cả vùng Mường cổ Tân Lạc. Thầy mo Lựng kể: Từ khi Lễ hội Khai hạ Mường Bi được phục dựng năm 2002, đồng bào vô cùng phấn khởi. Hàng năm, tôi được giao thực hiện phần nghi lễ. Lễ hội xuống đồng, mở cửa rừng này có ý nghĩ văn hóa, tâm linh sâu sắc, thể hiện lòng tôn kính, biết ơn thành Hoàng làng và cầu cho cả vùng một năm mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, quê hương giàu đẹp. Rất mừng là cấp ủy, chính quyền và người dân nhìn nhận đúng giá trị đặc biệt, tiêu biểu của mo Mường, không bị coi là mê tín dị đoan như những năm 1980 - 1990. Năm 2015, tôi vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng tỉnh Hòa Bình) vì có những cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.
Không chỉ ở vùng Mường cổ, mo Mường chứng tỏ sức sống bền bỉ qua bao giai đoạn lịch sử khi vẫn hiện diện ở thành phố Hòa Bình. Thầy mo Nguyễn Văn Tiện ở tổ 1, phường Dân Chủ năm nay đã ngoại bát tuần vẫn đi mo khắp vùng Dân Chủ, Sủ Ngòi, từ lễ mát nhà, khấn Tết, đến đám giỗ, lễ tang… Đồ nghề ông mang theo là mũ, áo, quạt, túi khót gồm xương nanh mãnh thú, đá nhỏ, chuông đồng… "Lắng nghe, hiểu sâu mới thấy hết đạo lý và giá trị nhân văn sâu sắc trong các áng mo. Không hề mê tín dị đoan, mà trong mo nổi bật là các bài học, lời răn dạy làm người, về lao động sản xuất, đối nhân xử thế… Đặc biệt, khi người Mường gặp những biến cố, khó khăn, gian khổ thì mo giá trị như sự nâng đỡ tinh thần để vượt qua bão táp, phong ba. Vì vậy, mo là nghề làm phúc, truyền nét đẹp văn hóa Mường cho đời” - thầy mo Nguyễn Văn Tiện chia sẻ.
Thầy mo Nguyễn Văn Tiện ở tổ 1, phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) thực hiện nghi lễ mo.
Bên cốc nước cây rừng nghi ngút, thầy mo Tiện nói vui, nếu kể tường tận về mo Mường thì cả ngày nghe cũng không hết. Ngẫm cũng đúng bởi mo Mường theo kiểm kê của Sở VH-TT&DL có 23 nghi lễ sử dụng mo như lễ tang, lễ hội dân gian, lễ cầu phúc lộc, mạnh khỏe, bình an… Về hình thức thể hiện, mo Mường là những áng mo kể chuyện, còn gọi là mo sử thi như "Đẻ đất, đẻ nước”; mo nghi lễ gắn với các nghi lễ tín ngưỡng; mo nhòm là hình thức tả cảnh như các bài "Mo nhìn Mường”, "Nhòm Mường Bi”, "Nhòm Mường Thàng”… Với dung lượng khổng lồ lên đến vài chục nghìn câu thơ, văn vần được chia thành các roóng mo, cát mo, các thầy mo xưa còn được coi là các trí thức dân gian. Giờ đây, gần 200 nghệ nhân mo trong tỉnh vẫn là những người có uy tín trong cộng đồng, am hiểu phong tục, tập quán, văn hóa dân tộc và được người dân kính trọng. Không gian diễn xướng của mo Mường có thể tại gia đình hay cộng đồng tùy theo từng nghi lễ. Khi diễn xướng, thầy mo với các roóng mo được xem như sợi dây kết nối để thể hiện lòng kính trọng đối với các lực lượng siêu nhiên, tổ tiên và truyền đạt những đạo lý nhân văn Mường. Mo Mường khẳng định giá trị đặc sắc bởi chứa đựng kho từ vựng tiếng Mường cổ và các loại hình văn hóa dân gian như văn học, diễn xướng, âm nhạc, múa, tín ngưỡng, tri thức dân gian.
Nhiều năm tâm huyết nghiên cứu về văn hóa Mường nói chung và mo Mường nói riêng, người con quê Mường Vang (Lạc Sơn) Bùi Huy Vọng đúc rút: "Mo Mường là hiện tượng văn hóa nổi trội, di sản văn hóa tiêu biểu, đặc biệt, quý giá, có giá trị nhân văn sâu sắc và thật đáng trân trọng của dân tộc Mường, xứng đáng là di sản văn hóa thế giới. Hãy lắng nghe, cảm nhận và khi nhận thấu sẽ thấy lòng trở nên sâu lắng hơn, muốn sống nên người hơn, hướng đến chân - thiện - mỹ, tránh xa những thói hư tật xấu”. Đáng mừng là trong dòng chảy của thời gian, đến cuộc sống hiện đại, mo Mường đã được nhìn nhận đúng giá trị. Bản thân nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng cũng tích cực tham gia vào Câu lạc bộ Mo Mường của huyện với 36 thành viên với vai trò là Phó Chủ tịch. Cứ nửa năm, cuối năm, câu lạc bộ lại sơ, tổng kết để đánh giá hoạt động và đề ra phương hướng cho năm mới. Ai cũng cố gắng để làm nghề nhân nghĩa sao cho tốt.
Ở vùng Mường Bi (Tân Lạc), một câu lạc bộ mo Mường cũng đã được thành lập năm 2017 với 20 nghệ nhân mo. Những áng mo đầy ý nghĩa sâu sắc vẫn được các nghệ nhân diễn xướng trong các nghi lễ. Ví như những câu thơ mo trong "Mo Táy”, "Mo Lìa”, lời người quá cố dặn con cháu trong đêm cuối của tang lễ thật đáng khắc tâm, tạc dạ: "Thấy con nhà người vác bừa, vác cày/Con ta cũng phải vác bừa, vác cày/Con ta phải mải miết làm cơm với làm lúa thì mới có/Phải mải miết với ruộng với nương mới giàu, mới sang/ Đừng có làm những trò ham chơi lười nhác/Lười nhác sẽ tới cảnh đói kém...”.
Vùng đất giàu truyền thống văn hóa Hòa Bình nơi có 63,3% người Mường, trước đây còn được gọi là "tỉnh Mường”, đồng bào Mường đã chắt lọc, sáng tạo nên di sản văn hóa mo độc đáo, hàm chứa nhiều giá trị văn hóa - lịch sử. Không quá khi một số nhà nghiên cứu văn hóa cả trong và ngoài nước nhận xét, mo Mường là "Bộ bách khoa thư dân gian” về người Mường và chứa đựng trong đó gần như toàn bộ những giá trị hợp thành văn hoá Mường. Trong mo là sự kết tinh những hiểu biết của người Mường về vũ trụ, lịch sử, kinh nghiệm từ lao động sản xuất, đến văn hóa ứng xử, triết lý nhân sinh, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước cũng như tính cách, tâm hồn và đạo lý nhân văn Mường. Trải qua tiến trình lịch sử, đồng bào Mường đã lưu giữ, truyền miệng và phát huy những giá trị của mo, góp phần tạo nên cốt cách của người Mường trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Với những giá trị đặc biệt, quý giá, năm 2015, Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam đã bảo trợ cho di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình. Năm 2016, mo Mường được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đang hướng đến di sản văn hóa thế giới. Niềm vui chớm nở đối với đồng bào Mường khi Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý Bộ VH-TT&DL chủ trì, phối hợp lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường tỉnh Hòa Bình trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Cẩm Lệ
Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định đã có công văn đồng ý dừng tổ chức lễ hội khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) theo đề nghị của Ủy ban Nhân dân thành phố Nam Định, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Y tế để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội Xuân năm 2021.
(HBĐT) - Chùa Đồng là địa điểm nổi tiếng nhất trong quần thể di tích danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh), là đích đến của mọi tăng ni, phật tử, du khách thập phương khi hành hương về đất thiêng Yên Tử. Theo quan niệm của các tăng ni, phật tử, chùa Đồng là nơi con người có thể cầu viện được "sinh lực vũ trụ” cho mọi mặt cuộc đời.
(HBĐT) - Xã Phú Minh và Hợp Thịnh (huyện Kỳ Sơn cũ) đã "về chung một nhà” với tên gọi mới là xã Thịnh Minh (TP Hòa Bình). Nhưng chợ trung tâm xã mọi người vẫn quen gọi là chợ Hợp Thịnh. Cứ thứ Ba và thứ Bảy hàng tuần, chợ họp rôm rả. Đây cũng chính là chợ trung tâm của khu vực xã Thịnh Minh, Hợp Thành, hay còn gọi là cụm xã Phú Cường. Phiên ngày thứ Bảy đông hơn phiên ngày thứ Ba. Vì chợ bán nhiều nông sản quê ngon và sạch, giá cả hợp lý nên phiên ngày thứ Bảy có đông người dân từ các xã lân cận như Quang Tiến, Mông Hóa, phường Kỳ Sơn, thậm chí cả ở Phương Lâm, Đồng Tiến - các phường trung tâm TP Hòa Bình tìm đến mua rau, củ, quả, quà bánh.
(HBĐT) - Thực hiện hướng dẫn của Hội Nhà báo Việt Nam; chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tổ chức Hội Báo xuân Tân Sửu-2021, Hội Nhà báo tỉnh đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Hội Báo xuân Tân Sửu – Hòa Bình 2021.
(HBĐT) - Chỉ còn khoảng gần 2 tuần nữa đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Cấp ủy, chính quyền TP Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai kế hoạch chỉnh trang đô thị, quét dọn, thu gom rác thải, trang trí các truyến đường, khu vực quan trọng, bảo đảm mỹ quan đô thị văn minh, phục vụ cán bộ, Nhân dân đón Tết hạnh phúc, vui tươi.