(HBĐT) - Tết Nguyên đán là dịp được nghỉ lễ dài nhất trong năm, cũng là thời điểm được đoàn tụ với gia đình sau 1 năm. Đặc biệt là giới trẻ luôn mong Tết vì được gặp gỡ bạn bè, đi chơi thoải mái sau những ngày tháng đi học, đi làm. Mới mẻ, hiện đại và gọn nhẹ nhưng vẫn ngập tràn niềm vui, đó là xu hướng đón Tết của giới trẻ hiện nay ở Hòa Bình.
Bạn Nguyễn Hà Huyền Lê (bên trái), phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) cùng gia đình gói bánh chưng mỗi dịp Tết.
Muôn vàn kiểu đón Tết hiện đại
Trở về quê hương sau những năm tháng du học tại Nga, bạn Lê Tuấn Anh, phường Phương Lâm (TP Hoà Bình) bày tỏ: "Hành trình học tập tại Nga đã kết thúc cách đây gần nửa năm và em đã được về với gia đình. Hạnh phúc nhất là năm nay không phải đón Tết qua mạng xã hội, qua những cuộc gọi video call nữa. Do đặc thù công việc chiếm nhiều thời gian nên em chọn đón Tết theo kiểu "công nghiệp hóa”. Ưu tiên chọn những mặt hàng bánh, mứt, thực phẩm, đồ ăn có sẵn được bày bán ở các chợ và siêu thị, có thời gian sơ chế, chế biến nhanh để thết đãi người thân, bạn bè trong Tết. Thời gian còn lại, em muốn ở nhà quây quần với người thân trong gia đình, cùng ăn cơm và ôn lại kỷ niệm, chia sẻ những điều mới mẻ, khám phá được trong thời gian du học. Em nghĩ, cùng với sự phát triển của xã hội, sự hiện đại của khoa học công nghệ, việc chuẩn bị cho những ngày Tết nên đơn giản hơn nhưng vẫn đảm bảo giữ được nét đẹp truyền thống Tết của người Việt”.
Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, trào lưu chụp ảnh trước, trong và sau Tết cũng là một trong những cách mà giới trẻ lại sáng tạo thêm để đón "nàng xuân”. Bạn Lò Thị Ly, Khu 4, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) chia sẻ: "Theo học tại trường Đại học Kinh doanh và công nghệ đến nay đã là năm thứ 3, năm nào về nghỉ Tết em và bạn bè cũng rủ nhau đi chụp một bộ ảnh làm kỷ niệm. Có năm, em chụp ở Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam, có năm lại ra chụp ở khu trưng bày, bán hoa Tết ở Quảng trường Hòa Bình. Năm nay, em dự định sẽ chụp ảnh tại vườn cam của gia đình để quảng bá cam và các điểm du lịch ở Cao Phong với các bạn trong lớp”.
Để ghi lại khoảnh khắc đẹp trong những ngày đầu năm mới, nhiều bạn trẻ không ngần ngại đầu tư cho mình và người thân một bộ ảnh đậm sắc xuân trong những bộ áo dài truyền thống. Theo các bạn, việc chụp ảnh không chỉ đơn thuần làm kỷ niệm, đón xuân mới, mà còn để nhớ về cái Tết đã qua. Hơn nữa, trên quê hương Hòa Bình có vô vàn cảnh đẹp đặc trưng của vùng núi Tây Bắc, là những địa điểm lý tưởng để các bạn trẻ thể hiện sự sáng tạo của mình. Chụp những bức ảnh Tết với cảnh sắc thiên nhiên khi trời vào xuân, núi non hùng vĩ và đăng lên trang cá nhân Facebook cũng là một trong những hình thức quảng bá địa điểm du lịch, thăm quan lý tưởng của Hòa Bình tới bạn bè trong nước và cả quốc tế...
Giữ gìn những giá trị truyền thống ngày Tết
Theo nhịp sống thời công nghệ, nhiều hình thức tiện lợi và hiện đại đã được đưa vào những ngày Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người trẻ quyết tâm "giữ lửa” cho Tết truyền thống, để Tết không bị mất đi giá trị trong nhịp sống hối hả ngày nay.
Với nhiều bạn trẻ Hòa Bình, giá trị văn hóa Tết ngày nay vẫn luôn được bảo tồn và phát huy qua các phong tục truyền thống như: Thăm mộ tổ tiên, gói bánh chưng, cúng giao thừa… Đối với Nguyễn Hà Huyền Lê, phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) cũng vậy. Được về quê theo mẹ đi chợ sắm Tết, cùng bố mẹ rửa lá dong để gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa để đón Tết đã trở thành những công việc mà Lê thích thú. Lê chia sẻ: "Với em, cảm giác đại gia đình quây quần bên nồi bánh chưng, kể những chuyện vui buồn của một năm là niềm hạnh phúc mà những đứa trẻ thành phố rất khó có được. Cả năm mới có một lần được gói bánh chưng nên em rất trân trọng, nâng niu những ký ức đẹp, đáng quý như thế”.
Dù rất bận rộn mỗi dịp Tết đến nhưng gia đình bạn Đỗ Mỹ Hạnh, xã Tử Nê (Tân Lạc) vẫn giáo dục giá trị Tết truyền thống cho các con trong nhà. Năm nào Hạnh cũng sắp xếp thời gian, mua nguyên liệu và cho các bạn nhỏ trong gia đình cùng làm mứt và một số loại bánh. Vừa làm các bạn nhỏ vừa được nghe Hạnh kể về sự tích gắn liền với Tết. Hạnh chia sẻ: "Việc được giúp bố mẹ, gia đình chuẩn bị Tết là cách để con trẻ có thể hiểu sâu sắc những giá trị truyền thống của Tết Việt. Khi người lớn cùng trải nghiệm với các con, chúng sẽ hiểu thêm tấm lòng, tình cảm trong gia đình vì thế mà thêm đong đầy, bọn trẻ sau này cũng sẽ biết trân trọng ông bà, tổ tiên, biết nhớ về cội nguồn”.
Tết mang những giá trị truyền thống, những nét riêng tạo bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam mà bất kỳ một ngày lễ nào có thể thay thế được. Linh hồn của Tết nằm ở sự đoàn tụ ấm áp, cả gia đình cùng chuẩn bị đón xuân mới. Cách đón Tết qua mỗi thời có thể thay đổi nhưng phong tục Tết Việt không thay đổi. Bởi vậy, giới trẻ Hòa Bình dù chọn cho mình những cách đón Tết khác nhau nhưng vẫn kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại để tạo nên không khí Tết ấm áp, vui vẻ bên gia đình, bạn bè. "Hòa nhập nhưng không hòa tan”, giới trẻ vẫn từng ngày nỗ lực "đánh thức” giá trị Tết cổ truyền của cả dân tộc theo cách của riêng mình.
Thu Hằng
( HBĐT) - Những ngày sau Tết, nhu cầu tham quan, vãn cảnh, thực hành tín ngưỡng của Nhân dân rất lớn, vì vậy huyện Cao Phong đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường công tác quản lý và phòng, chống dịch COVID-19 tại các điểm di tích, danh thắng.
(HBĐT) - Đi Quảng Ninh nhiều đến nỗi không nhớ hết số lần, thế nhưng cuối năm rồi mới là lần đầu tiên tôi đặt chân đến Bình Liêu - huyện miền núi xa xôi của "đất mỏ”. Về đã lâu nhưng vẫn tiếc hùi hụi là sao không đến mảnh đất này sớm hơn, để có được nhiều cung bậc cảm xúc phiêu lãng cùng Bình Liêu, cùng những con người phiêu lưu đến đây lập nghiệp và thành công.
(HBĐT) - Đến "xứ trầm hương” khi vừa kết thúc một đợt mưa bão. Đầu giờ chiều, mưa dứt hẳn, men theo dòng sông Cái, tôi tìm đến khu tháp cổ linh thiêng, nơi mà tôi luôn nghĩ sẽ đặt chân đến đầu tiên khi tới đây. Nắng đã lên và nhuộm vàng dòng sông Cái. Hình ảnh núi Cù Lao và tháp Bà Ponagar in bóng trên sóng nước lung linh.
(HBĐT) - Trâu - con vật gắn liền với đời sống người nông dân Việt Nam, từ lúc gà chưa gáy sáng, con trâu đã cùng nông dân ra đồng, nào cày, nào bừa… con trâu đảm nhận phần lớn công việc nặng nhọc của nhà nông... Chưa hết, hình ảnh trâu còn gắn liền với bao sự kiện trong cuộc đấu tranh của dân tộc ta.
(HBĐT) - Phong tục đón Tết của người Việt xưa diễn ra bình dị, vui vẻ, hòa đồng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Tết của người Việt là sự giao hòa giữa ước mơ và hiện thực.