(HBĐT) - Với 91% số hộ là người Mường, 7,3% là người Dao, xã đặc biệt khó khăn Độc Lập (TP Hòa Bình) còn giữ được nhiều nét bản sắc văn hóa dân tộc trong lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời, phát huy những giá trị văn hóa thông qua phong trào thể dục - thể thao, văn nghệ.
Đội cồng chiêng xóm Nội, xã Độc Lập (TP Hòa Bình) thường xuyên tập luyện, biểu diễn phục vụ các sự kiện, lễ hội, góp phần tôn vinh và bảo tồn giá trị văn hóa.
Không chỉ có điều kiện KT-XH phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, xóm Can còn được biết đến là một trong những bản Mường giàu bản sắc. Cùng với tiếng Mường được dùng trong giao tiếp hàng ngày, trang phục của phụ nữ và đàn ông Mường được sử dụng khá thường xuyên vào các ngày trọng đại, hoặc dịp lễ, Tết, hội hè trong năm. Theo ông Đinh Văn Minh, Bí thư chi bộ xóm Can, những năm qua, Nhân dân trong xóm đã đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, thi đua thực hiện các phong trào, cuộc vận động ở địa phương. Tiêu biểu là phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, bà con tích cực xây dựng nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đẩy lùi tai, tệ nạn xã hội. Đồng thời, nâng cao ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Xóm đã thành lập câu lạc bộ văn hóa dân tộc, tập hợp đông đảo tầng lớp Nhân dân cùng tham gia. Vào những buổi sinh hoạt cộng đồng, dịp kỷ niệm ngày lễ lớn trong năm, câu lạc bộ văn hóa dân tộc, đội chiêng của chi hội người cao tuổi, các đội văn nghệ của phụ nữ, thanh niên... có nhiều chương trình, tiết mục biểu diễn đặc sắc, góp phần duy trì nét văn hóa qua chiêng Mường, các lời ca, điệu múa, nhạc cụ dân tộc (cò ke, sáo, nhị)...
Với điều kiện kinh tế khó khăn hơn, xóm Mường Dao có tên gọi được ghép bởi 2 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn. Trong tổng số 170 hộ có 123 hộ dân tộc Mường, 47 hộ dân tộc Dao. Ông Nguyễn Đình Tường, Bí thư chi bộ xóm Mường Dao cho biết: Bà con dân tộc Dao rất có ý thức bảo tồn nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Đơn cử là duy trì hoạt động văn hóa Tết nhảy, lễ cấp sắc... Đối với đồng bào Mường, nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc trưng vẫn được coi trọng và gìn giữ. Tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức vào tháng 11/2020, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao đã để lại những dấu ấn đậm nét về tình đoàn kết các dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn, tạo không khí sôi nổi, vui tươi.
Việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa tại xã vùng cao Độc Lập còn lan tỏa ngày càng rộng khắp ở các xóm còn lại, gồm: Nội, Nưa, Mùi, Sòng. Hiện nay, xóm Nội đã thành lập được 1 đội văn nghệ, 1 đội cồng chiêng do hội viên phụ nữ, người cao tuổi làm nòng cốt. Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Hàng năm, cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, triển khai kế hoạch bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh, thông qua việc tổ chức các hội nghị, cuộc họp ở xã, xóm, lồng ghép các phong trào, cuộc vận động ở khu dân cư. Ngoài ra, trường TH&THCS Độc Lập đã phát huy cũng như có ý thức bảo tồn cao, thông qua việc triển khai các buổi học ngoại khóa về giữ gìn văn hóa của dân tộc Mường, thu hút sự tham gia, hưởng ứng của hàng trăm thầy, cô giáo và học sinh.
Bên cạnh hoạt động văn hóa, văn nghệ, các hoạt động thể dục, thể thao cũng góp phần bồi đắp những giá trị văn hóa các dân tộc. Một số môn thể thao dân tộc tập hợp, thu hút được đông đảo sự tham gia của người dân như đẩy gậy, bắn nỏ, đi cà kheo... Năm nay, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các hoạt động văn hóa dịp lễ, Tết tạm dừng để hạn chế việc tập trung đông người. Trước đó, vào Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc các xóm, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc đã diễn ra, góp phần bảo tồn, đồng thời tôn vinh những giá trị bản sắc văn hóa đã, đang được bà con các dân tộc Mường, Dao trên địa bàn xã phát huy, gìn giữ.
Bùi Minh
(HBĐT) - Hang Đầu Gỗ - hang được coi là đẹp nhất đất nước, được người Pháp tôn là "động của các kỳ quan”, cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy (Quảng Ninh) khoảng 6 km, thời gian di chuyển bằng tàu du lịch đến hang chỉ khoảng mười mấy phút. Nhìn từ xa, hang Đầu Gỗ có màu xanh lam, tựa như con sứa biển khổng lồ.
(HBĐT) - Cách đây hơn 30 năm, ông Vũ Tất Chiến ở thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) bắt đầu sưu tập để rồi tìm thấy niềm đam mê cổ vật. Tại thời điểm này, ông là người sở hữu số lượng hiện vật lên đến hàng nghìn. Các cổ vật được ông cẩn trọng lưu giữ với mong muốn góp phần bảo tồn những giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa đất Mường.
(HBĐT) - Có tuổi đời hơn 400 năm. Trải qua biết bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, thậm chí, ngôi chùa với lối kiến trúc đặc trưng của chốn kinh kỳ xưa giữa vùng đất cổ Mường Thàng bị sập đổ, chỉ còn lại nền móng cũ và 2 cây hoa đại có tuổi đời hơn 400 năm còn hiện hữu. Nhưng với phúc âm nơi chốn linh thiêng vùng đất Mường Thàng, ngôi chùa đã được phục dựng như dáng vẻ ban đầu uy nghi, bề thế...
Nhân chuyến thăm và làm việc tại Thừa Thiên Huế chiều 4-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thành dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.
Ngày 3/3, tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tiếp nhận hình ảnh, tài liệu hiện vật với chủ đề "Ký ức và di sản" do 23 cá nhân là nhà hoạt động ngoại giao, phóng viên ảnh, nữ bác sỹ và các nhà thiết kế thời trang áo dài… trao tặng.