(HBĐT) - Chiến dịch Hoà Bình (10/12/1951 - 25/2/1952) đã lùi xa 70 năm nhưng những ký ức về một thời máu lửa vẫn còn sống mãi trong lòng quân và dân tỉnh ta. Quá khứ hào hùng ấy hiện hữu qua những hiện vật lịch sử còn lại. Mỗi hiện vật như một thước phim tài liệu kể câu chuyện về những người anh hùng, những chiến công vang dội cho các thế hệ sau.


Xác xe tăng của quân Pháp bị Anh hùng Cù Chính Lan tiêu diệt ngày 13/12/1951 tại trận Giang Mỗ - Bình Thanh trong Chiến dịch Hòa Bình năm 1951 - 1952.

Trong Chiến dịch Hòa Bình, quân và dân tỉnh ta đã phối hợp bộ đội chủ lực anh dũng chiến đấu, tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực địch, trong đó đã bắn chìm và bắn cháy 17 tàu chiến, xuồng, ca nô quân sự. Hiện, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, bảo quản 2 xác tàu chiến của thực dân Pháp bị quân và dân ta bắn chìm trên sông Đà tháng 12/1951, gồm một chiếc đặt tại khuôn viên Vườn Xanh thuộc phường Phương Lâm, được trục vớt năm 1995, một chiếc đặt tại trung tâm giải trí Sao Mai, được phát hiện và trục vớt giữa năm 2000. Chiếc đặt tại Vườn Xanh đã tham gia trận đánh Lạc Song. Tàu này chở lính Pháp trên đường tháo chạy bị trung đội pháo thuộc Trung đoàn 66, Sư đoàn 308 bắn chìm trên sông Đà, đoạn cách trung tâm thị xã Hòa Bình (nay là TP Hòa Bình) hơn 3 km.

Ngày 10/12/1951, Chiến dịch Hòa Bình mở màn với thắng lợi giòn giã của trận đánh đồn Tu Vũ. Bộ đội chủ lực phối hợp bộ đội địa phương, du kích và Nhân dân địa phương triển khai các trận đánh tiếp theo. Sau đó, lực lượng địch ở phân khu Chợ Bến bị tê liệt, các cứ điểm địch ở phân khu sông Đà cơ bản bị đập nát, đường vận chuyển trên sông Đà và đường 6 bị ngưng trệ, địch ở thị xã Hòa Bình liên tục bị tiến công, cô lập. Theo kiểm đếm của quân đội ta, tại mặt trận Hòa Bình, ta đã tiêu diệt 6.012 tên địch, thu 24 khẩu pháo các loại, 788 súng, 78 máy vô tuyến điện, phá hủy 12 khẩu pháo, bắn rơi 9 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 17 ca nô, xuồng, tàu chiến và phá hủy 246 xe quân sự.

Trên đường bộ, sau khi đập nát các cứ điểm địch ở phân khu sông Đà và cắt đứt tuyến cơ động của địch trên sông Đà, quân ta thừa thắng xông lên, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phục kích, chặn đánh quân Pháp. Tiêu biểu cho các trận phục kích này là trận đánh ở dốc Giang Mỗ, địa phận xóm Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong). Ngày 12/12/1951, ta phục kích và đánh chặn đoàn xe của địch, tiêu diệt toàn bộ quân Pháp và 34 chiếc xe trong đoàn. Ngày 13/12/1951, ta tiếp tục phục kích ở xóm Giang Mỗ, đoạn từ thị xã (nay là TP Hòa Bình) đi chợ Bờ. Sau 30 phút chiến đấu, 6 xe cơ giới của địch bị phá hủy, trong đó có 1 chiếc xe tăng; hơn 1 đại đội Âu - Phi bị diệt và bắt sống. Lúc chuẩn bị rút thì xe tăng Pháp tiếp viện bắn phá dữ dội vào đội hình chiến đấu của ta, chặn đường rút lui, khiến nhiều người thương vong.

Nhắc đến đây, không thể không nhớ đến tấm gương Anh hùng Cù Chính Lan dũng cảm diệt xe tăng. Đồng chí Bùi Thị Thẳm, thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh dẫn chuyện: "Trong tình thế căng thẳng đó, Tiểu đội trưởng Cù Chính Lan hô hào các chiến sỹ tập trung lựu đạn cho mình rồi tìm cách tiếp cận nhảy lên xe tăng, giật nắp quăng lựu đạn vào trong xe. Lính xe tăng Pháp nhặt lựu đạn ném ra và lái xe chuyển hướng. Chiến sỹ Cù Chính Lan lại anh dũng mở chốt lựu đạn, chờ cho khói thuốc xì ra được vài giây rồi mới ném vào buồng lái. Lựu đạn nổ tiêu diệt hết lính trong chiếc xe tăng mang số hiệu B2885498USA, chiếc xe dừng tại chỗ, trận đánh kết thúc thắng lợi”.

Hiện nay, xác của chiếc xe tăng này được lưu giữ tại khuôn viên Sở VH-TT&DL, đây là di tích lịch sử được Bộ VH-TT&DL công nhận năm 1993. Đồng thời, Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan được xây dựng năm 2009 tại xóm Giang Mỗ, xã Bình Thanh là sự tưởng nhớ sâu sắc của các thế hệ sau đối với chiến công và những đóng góp to lớn của chiến sỹ Cù Chính Lan, góp phần giúp quân và dân ta giành được toàn thắng.


Thanh Sơn


Các tin khác


Nước Nga trong ta…

(HBĐT) -Vẫn nhớ hồi học cấp 1, đến nhà một bạn cùng lớp. Nhà bạn cơ man nào là sách và họa báo Liên Xô. Thời đó, với lứa tuổi học trò, với số sách báo đó, đúng là chỉ có trong mơ thôi. Hỏi ra mới biết, vì bố bạn ấy là cán bộ một ngành khá quan trọng nên có nhiều mối quan hệ, nên có thể mượn, xin, được cho nhiều sách báo như vậy. 

Xao xuyến cúc hoạ mi

(HBĐT) - Tháng 11, khi những con gió lạnh đầu đông tràn về là lúc sắc trắng tinh khôi, mê hoặc của cúc họa mi bừng sáng. Tưởng chừng chỉ là một loài hoa mọc dại nhưng lại líu kéo, thu hút lòng người, nhất là chị em phụ nữ. Bên cúc hoạ mi, họ đằm thắm, thánh thiện hòa đồng hơn rất nhiều. Chẳng thế mà chụp ảnh, tận thưởng sắc trắng tinh khôi của loài hoa này đã trở thành trào lưu đối với biết bao chị em từ nông thôn đến phố thị.

Ngày hội đại đoàn kết khu dân cư Trẹo Ngoài 2, xã Nam Phong

(HBĐT) - Ngày 12/11, khu dân cư (KDC) xóm Trẹo Ngoài 2, xã Nam Phong (Cao Phong) tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2021. Dự, chung vui với Nhân dân có đại tá Nguyễn Quốc Toản, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; lãnh đạo UB MTTQ tỉnh, Tỉnh Đoàn, Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong, cùng cấp ủy, chính quyền xã.        

Huyện Cao Phong: Ra mắt Câu lạc bộ mo Mường Thàng

(HBĐT) - Ngày 11/11, tại đền Đông Sơn, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) đã diễn ra lễ ra mắt Câu lạc bộ (CLB) mo Mường Thàng. 

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc

(HBĐT) - Ngày 11/10/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04/NQ-TU về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc (DSVH) tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030. Là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh chú trọng thực hiện công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị DSVH truyền thống trong đời sống hiện đại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục