(HBĐT) - Hoa đào được xem như biểu tượng của mùa xuân. Dịp Tết Nguyên đán, miền Nam có những cành mai vàng nở rộ thì ở miền Bắc lại có những cành đào rực rỡ sắc xuân. Đã trở thành nét đẹp truyền thống, mỗi dịp Tết đến, xuân về, mọi gia đình người Việt, nhất là các gia đình ở miền Bắc đều sắm cành đào để trưng. Bởi vậy mà những ngày giáp Tết, không khó để gặp hình ảnh, không khí nhộn nhịp tại các chợ hoa. Lạc giữa "rừng" hoa đào tràn ngập sắc đỏ, sắc hồng tại Quảng trường Hòa Bình, thích thú ngắm nhìn những thế đào, chị Nguyễn Thị Vân (phường Thịnh Lang) hào hứng: "Hàng năm, trước Tết Nguyên đán khoảng 10 ngày, gia đình tôi đều sắp xếp thời gian để đi chợ Tết, đặc biệt là sắm cho ngôi nhà của mình cành đào thật đẹp và phù hợp.


Hoa đào, câu đối, trang phục rực rỡ là biểu tượng và nét đẹp của Tết Việt.

Tôi quan niệm rằng, nếu không có hoa đào thì ngày Tết cổ truyền không trọn vẹn. Hoa đào vừa tô điểm cho không gian ngày Tết thêm ấm cúng, vừa mang không khí vui tươi, rộn ràng đến cho ngôi nhà. Hai con của tôi đều rất thích được trang trí cây đào với những câu đối, đèn lồng nhỏ, đèn nháy… Cả gia đình quây quần bên nhau, cùng trang trí cây đào tạo thêm sự gắn kết, yêu thương mỗi dịp Tết đến xuân về”.

Tùy vào sở thích riêng và phong thủy của từng ngôi nhà mà gia chủ lựa chọn các loại đào chơi Tết khác nhau. Trong đó phải kể đến một số loại đào phổ biến và được yêu thích hơn cả là đào phai với sắc hồng phớt nhẹ nhàng - loại hoa đào chơi Tết được ưa chuộng nhất hiện nay; bích đào có màu hồng đậm rực rỡ, ấn tượng, sang trọng hay đào Thất Thốn (đào tiến vua) quý hiếm; đào thế đã xuất hiện trên thị trường từ nhiều năm nay với nhiều dáng phong thủy; đào mini phù hợp với không gian nhỏ... Tuy có nhiều loại nhưng hoa đào đều có chung ý nghĩa là tinh hoa ngũ hành mang lại một năm mới an yên, hạnh phúc; là biểu tượng của sinh sôi, nảy nở; biểu tượng cho sự hòa thuận, gắn kết và thịnh vượng.

Để có được những cây, cành đào chất lượng, ra hoa đúng thềm năm mới, đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm, một quá trình chăm sóc công phu, tỉ mỉ. Tết là thời điểm quan trọng nhất trong năm để những người trồng đào gặt hái thành quả sau một năm lao động cần cù, vất vả. Là người đã có hơn 10 năm kinh nghiệm gắn bó với nghề trồng đào, trồng và tạo dáng bonsai, để phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, gia đình anh Nguyễn Quang Tuấn, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) trồng gần 200 gốc đào. Trước đây, anh phải cất công đến nhiều địa phương để "săn” các giống đào rồi lai ghép và tạo thế. Theo anh Tuấn, nghề này đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người trồng, không ngừng học hỏi, nghiên cứu. Từng công đoạn trong việc chăm sóc đào đều rất quan trọng. Để tạo được dáng, thế cho cây, người trồng phải uốn nắn, chỉnh sửa, nương theo cây để có bố cục cân đối, đẹp và ý nghĩa. Thế càng phức tạp, tốn nhiều thời gian, công phu sẽ có giá trị càng cao khi bán ra thị trường. Cùng với đó là phải biết phòng trừ sâu bệnh cho cây, dựa vào kinh nghiệm của bản thân mà dự đoán thời tiết để "hãm” cho cây đào nở hoa đúng dịp Tết. Năm nay, nhiều thế đào bắt mắt, độc đáo đã được gia đình anh kỳ công uốn nắn để đưa ra thị trường phục vụ nhu cầu chơi đào ngày Tết của người dân.

Mặc dù quen thuộc và gần gũi với người dân Việt Nam, thế nhưng vẻ đẹp tự nhiên, rực rỡ làm say đắm lòng người của hoa đào vẫn khiến bao người phải trầm trồ, ngợi khen. Những năm gần đây, không ít người dân, nhất là giới trẻ rất thích chụp ảnh với khung cảnh rực rỡ của hàng trăm bông hoa đào đua nhau khoe sắc. Chị em xúng xính trong những tà áo dài truyền thống, nét mặt rạng ngời đọ sắc cùng hoa góp phần làm cho không khí Tết thêm rộn ràng.

Không khí Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tràn ngập khắp mọi nơi. Thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh, câu đối đỏ, hoa đào, mứt Tết, mâm ngũ quả, cây nêu… đều là những biểu tượng quen thuộc, nét đẹp của Tết Việt. Đây còn là dịp để các thành viên trong gia đình sum vầy, quây quần trong sự hòa thuận, ấm áp, yêu thương, dành cho nhau những lời chúc năm mới may mắn, bình an, và hạnh phúc.


Linh Nhật


Các tin khác


Người dân huyện Mai Châu dựng cây nêu đón Tết

(HBĐT) - Việc dựng cây nêu mỗi dịp Tết đến, xuân về là nét văn hóa truyền thống. Trong không khí hân hoan đón Tết cổ truyền tại huyện Mai Châu, phong trào dựng cây nêu được người dân tích cực hưởng ứng, làm cho cảnh quan ngày Tết càng thêm tươi đẹp.

Đau đáu phong vị Tết xưa!

(HBĐT) - Tết đến xuân về là dịp để mọi người tạm gác lại công việc, những bộn bề lo toan trong cuộc sống, để những người con xa quê trở về đoàn tụ… nên dẫu ở tuổi nào mỗi người con đất Việt cũng đều trông mong Tết. Nhưng sự háo hức, trông mong Tết đến, xuân về ở mỗi lứa tuổi khác nhau. Trong khi thế hệ con cháu mong Tết để được nghỉ học, nghỉ làm để ở nhà lướt web, xem phim hay đi du lịch… thì thế hệ ông bà, cha mẹ lại luôn đau đáu với hương vị Tết xưa!

Tổng kết công tác Văn học nghệ thuật năm 2022

(HBĐT) - Ngày 12/1, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác VHNT năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 và kết nạp hội viên mới.

Chuẩn bị Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình năm 2023

(HBĐT) - Ngày 11/1, tại huyện Tân Lạc, UBND tỉnh tổ chức họp, nghe báo cáo tiến độ công tác chuẩn bị tổ chức Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình năm 2023, diễn ra tại xóm Luỹ Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc). Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức (BTC) lễ hội chủ trì hội nghị.

Nguồn gốc của lễ hội Khai hạ ở Mường Bi

(HBĐT) - Ở Mường Bi, lễ hội Khai hạ còn gọi là lễ xuống đồng, lễ mở cửa rừng, là lễ hội dân gian được tổ chức vào ngày mồng 8 tháng giêng (tức ngày mồng 7 tháng tư lịch Mường Bi) tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục