(HBĐT) - Ngày Tết, trong mâm cơm của mỗi gia đình không thể thiếu chiếc bánh chưng xanh. Những nồi bánh chưng đêm giao thừa trở thành nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thành, xóm Mỵ, xã Yên Mông (TP Hoà Bình) chia sẻ cùng con, cháu về ý nghĩa chiếc bánh chưng ngày Tết.
Đã từng đồng hành với biết bao thế hệ người Việt Nam mỗi độ xuân về là câu: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Vào những ngày cuối cùng của năm, nhiều gia đình vẫn giữ truyền thống gói bánh và trông nồi bánh chưng đến tận giao thừa. Không khí gói bánh ngày Tết, người già dạy trẻ nhỏ, người biết dạy người mới tập gói, tạo nên sự ấm cúng, sum vầy của mỗi gia đình. Việt Nam là văn hóa lúa nước, phụ thuộc vào yếu tố thiên nhiên rất nhiều. Chính vì vậy, bánh chưng tết đã xuất hiện ở mâm cỗ thờ từ lâu đời, thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận, gió hòa để mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống ấm no cho con người. Bên cạnh đó, làm bánh chưng cũng thể hiện được chữ hiếu của người con với cha mẹ, phong tục dùng bánh chưng làm quà biếu cha mẹ cũng từ đây mà có.
Bánh chưng được gói không quá cầu kỳ, phức tạp nhưng cần ở người gói sự khéo léo. Nguyên liệu để làm ra chiếc bánh được lấy từ gạo nếp, thịt và đỗ xanh, vỏ ngoài là lá dong. Ngày nay, bánh chưng không chỉ được gói theo hình vuông truyền thống mà nhiều nơi gói cả loại bánh có hình trụ. Có hai cách để gói, một là dùng khuôn, gói bằng tay. Dù dùng cách nào thì công đoạn đầu tiên của gói bánh cũng là trải lá ra một khoảng rộng, đổ gạo vào, sau đó cho một nắm đỗ chín hoặc nửa bát đỗ sống lên, gắp một, hai miếng thịt đặt lên giữa đỗ, tiếp tục cho số lượng đỗ giống như ban đầu lên miếng thịt, cuối cùng là đổ gạo nếp lên và gói lá vào. Để hạn chế việc bánh khi luộc bị phèo gạo ra ngoài, người gói phải thật chắc tay trong lúc uốn lá để tạo thành hình. Số bánh gói xong sẽ được xếp vào nồi lớn, bắc lên bếp đun. Thời gian nấu bánh thường từ 10 -12 giờ, tùy vào từng loại gạo và kích cỡ bánh.
Không chỉ đơn giản là gói một chiếc bánh để ăn, mà học gói bánh cũng là một trải nghiệm về kỹ năng sống mà trẻ nhỏ được học người lớn mỗi dịp Tết đến. Ông Nguyễn Văn Thi, xóm Mỵ, xã Yên Mông (TP Hòa Bình) chia sẻ: "Tết Nguyên đán năm nào cũng vậy, cứ thành lệ các con, các cháu lại tập trung đông đủ để gói bánh chưng. Vẫn là công việc đó nhưng mỗi mùa xuân mới lại cho tôi niềm vui mới, đó là chứng kiến các con trưởng thành; các cháu lớn hơn và gói bánh giỏi hơn, không khí gia đình vui vẻ, đầm ấm. Các cháu nhỏ chăm chú nhìn từng động tác của ông bà, cha mẹ rồi tập làm theo. Tuy cái được, cái không nhưng ít nhiều, các cháu cũng biết được việc bảo tồn giá trị của văn hóa, nét đẹp của chiếc bánh chưng ngày Tết và học hỏi cách gói những người đi trước sau đó thưởng thức thành quả từ chính tay mình làm ra. Từ những chiếc bánh được gói trong không khí sum vầy, con cháu còn học được ý nghĩa về sự đùm bọc, che chở lẫn nhau trong cuộc sống và hương vị của tình thân trong gia đình”.
Là sinh viên đi học tại Hà Nội, bạn Nguyễn Minh Hương, tổ 22, phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) cho biết: "Đây là năm đầu tiên em đi học xa nhà. Trước đây, khi còn học THPT, Tết năm nào em cũng được về quê để tự tay gói những chiếc bánh chưng cùng ông bà. Năm nay cũng như vậy, nhưng những chiếc bánh gói được em sẽ dành một vài chiếc để mang về Hà Nội cùng các bạn học thưởng thức thành quả do mình làm”.
Nhịp sống hiện đại ngày nay tuy bận rộn nhưng truyền thống văn hoá ẩn sâu trong chiếc bánh chưng ngày Tết vẫn luôn được ông bà, cha mẹ truyền lại cho con cháu. Không khí những ngày giáp Tết bây giờ, đặc biệt là vùng nông thôn vẫn hiển hiện cảnh các bà, các chị tất bật, nào rửa lá dong, ngâm gạo hay đãi đỗ; cảnh trẻ con háo hức ngồi xem bố mẹ gói bánh; cảnh già trẻ, lớn bé ngồi quây quần bên nồi bánh chưng qua đêm dù ngoài trời sương lạnh nhưng vẫn không át được không khí ấm nồng trong dịp Tết sum vầy của gia đình Việt.
Gia Khánh
Hàng năm, vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Bộ Thông tin và Truyền thông đều phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam phát hành tem Tết.
(HBĐT) - Ban tổ chức Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, năm 2023 vừa ban hành Quyết định số 16/QĐ-BTC, ngày 19/1/2023 phê duyệt kịch bản tổ chức Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình, năm 2023.
(HBĐT) - Tối 19/1, Sở VH,TT&DL tổ chức Chương trình nghệ thuật chào xuân Quý Mão năm 2023. Tới dự có lãnh đạo Sở VH,TT&DL; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh; cùng đông đảo bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn thành phố Hoà Bình.
(HBĐT) - Bảo tàng là nơi lưu giữ, bảo tồn những hiện vật lịch sử, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Với gần 18.000 hiện vật được lưu giữ, trưng bày theo chuyên đề, sự kiện, Bảo tàng tỉnh là điểm đến với những ai muốn tìm hiểu cội nguồn, lịch sử thông qua di vật, hiện vật.
(HBĐT) - Bất cứ ai, từ nông thôn đến thành thị cũng có thể cảm nhận sâu sắc được quê hương đang thay đổi tích cực, mọi việc đang tốt lên. Diện mạo hạ tầng tiếp tục đầu tư, chất lượng hưởng thụ của người dân không ngừng được cải thiện. Cán bộ và nhân dân thành phố Hòa Bình đón xuân mới với bao dự cảm tốt đẹp.