(HBĐT) - Bảo tàng là nơi lưu giữ, bảo tồn những hiện vật lịch sử, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Với gần 18.000 hiện vật được lưu giữ, trưng bày theo chuyên đề, sự kiện, Bảo tàng tỉnh là điểm đến với những ai muốn tìm hiểu cội nguồn, lịch sử thông qua di vật, hiện vật.


Cô trò trường PTDTNT THPT tỉnh thăm quan hiện vật trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Với chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người, môi trường sống của con người trên địa bàn tỉnh, ngoài việc trưng bày thường xuyên tại phòng trưng bày của bảo tàng, trong các dịp lễ, kỷ niệm của tỉnh, của đất nước, Bảo tàng tỉnh còn tổ chức các đợt trưng bày theo chuyên đề, tiêu đề   phong phú, hấp dẫn nhằm thu hút người xem như: trưng bày chuyên đề "Tỉnh Hòa Bình 135 năm xây dựng và phát triển”; "Sưu tập tranh thờ cổ và hiện vật văn hóa do nhóm Nhân sĩ Hà Đông trao tặng tỉnh Hòa Bình”; trưng bày lưu động tại xã Tân Mỹ (Lạc Sơn) chủ đề "Di sản văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình”... Đặc biệt, tại Bảo tảng tỉnh hiện đang tổ chức đợt trưng bày triển lãm với chủ đề "Văn hoá Hoà Bình (VHHB) trên đất Hoà Bình" kỷ niệm 90 năm thế giới công nhận nền VHHB nhằm tôn vinh, quảng bá về văn hoá thời tiền, sơ sử trên đất Hoà Bình, giúp Nhân dân trong, ngoài tỉnh và bạn bè quốc tế nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về một nền văn hóa khảo cổ có ý nghĩa đặc biệt trong tiến trình phát triển của loài người. Đồng thời tôn vinh, tri ân những đóng góp lớn lao của nhà khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani - người đầu tiên phát hiện và đặt tên cho nền văn hóa nổi tiếng này. Thông qua trưng bày chuyên đề giới thiệu những bằng chứng khoa học khẳng định VHHB chính là một trong những cái nôi nguồn gốc của người Việt cổ, đóng góp vào việc tạo dựng sắc thái văn hoá Đông Nam Á. Đến thăm quan các hiện vật trưng bày tại bảo tàng, em Bùi Thị Châu Sa, trường PTDTNT THPT tỉnh chia sẻ: Thăm quan những di vật, hiện vật trưng bày tại bảo tàng em thấy như mình được đến gần hơn với lịch sử, những kiến thức lịch sử trên lớp trở nên gần gũi, sinh động hơn, những miêu tả của thầy, cô trong các tiết học khi được tận mắt nhìn thấy giúp em hình dung chính xác hơn về cuộc sống cổ đại trước kia. Là một người con đất Mường, được biết thêm về VHHB em thấy rất vui và tự hào vì quê hương Hoà Bình là một trong những cái nôi của nền VHHB.

Theo cô giáo Đinh Thị Khánh Nhi, giáo viên dạy môn Lịch sử trường PTDTNT THPT tỉnh, chương trình giáo dục phổ thông mới có một phần nội dung chuyên đề nói về giáo dục địa phương được đưa vào chứ không tích hợp trong các bộ môn như trước đây. Giáo dục địa phương hết sức quan trọng, đặc biệt với tỉnh Hoà Bình, vì tỉnh ta có bề dày lịch sử văn hoá từ thời kỳ cổ với nền văn hoá đồ đá đến ngày nay với nhiều giá trị lịch sử quan trọng. Ngoài việc học trên lớp, các em trực tiếp khám phá lịch sử và Bảo tàng tỉnh là nơi lưu giữ nhiều di tích, cổ vật, hiện vật lịch sử, sử liệu gốc hết sức quan trọng, xác thực, giúp các em rút ra được nhiều bài học, giáo dục các em giá trị về lòng yêu nước, ý thức bảo vệ nền văn hoá của dân tộc.

Với gần 18.000 tài liệu, tư liệu, hiện vật được lưu giữ tại bảo tàng, trong đó có 8.862 hiện vật đá, 75 hiện vật trống đồng, 5.830 hiện vật đồ đồng khác, 965 hiện vật kháng chiến, 43 hiện vật xương… Trong đó có nhiều tư liệu, hiện vật quý hiếm có niên đại hàng nghìn năm, những tri thức bản địa đã tồn tại, song hành cùng dân tộc, những công cụ trong sinh hoạt, lao động, hiện vật chiến tranh đã trở thành những giá trị văn hóa, lịch sử. 

Thuyết minh viên Đinh Thị Thẳm cho biết: Hàng năm, Bảo tàng tỉnh đón nhiều lượt khách đến thăm quan, không chỉ khách trong nước mà còn cả khách nước ngoài, từ học sinh, sinh viên, người cao tuổi… Tôi thường xuyên cập nhật thêm kiến thức, nghiên cứu của các nhà khoa học, trang bị lượng kiến thức vững chắc để truyền tải hết được những nội dung Bảo tàng tỉnh đang trưng bày. 

Thông qua các tư liệu, hiện vật gốc được trưng bày là dịp để người dân địa phương và du khách thăm quan, tìm hiểu về nền VHHB, những mốc lịch sử quan trọng của tỉnh Hoà Bình. 

Đỗ Hà

Các tin khác


Hoa mai vàng - nét Xuân phương Nam

Ở các tỉnh, thành phố phía Nam, những ngày giáp Tết Nguyên đán, khung cảnh dễ nhận thấy là hoa mai vàng đã bừng nở, khoe sắc thắm trong nắng Xuân rực rỡ, báo hiệu một mùa Xuân, năm mới sắp tới với những niềm vui và ước vọng mới.

Duyệt chương trình khai mạc Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2023

(HBĐT) - Ngày 17/1, Ban tổ chức Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình tổ chức duyệt chương trình khai mạc Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2023. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức lễ hội dự và chỉ đạo.

Nghi thức tín ngưỡng trong lễ hội Khai hạ Mường Bi

(HBĐT) - Tại huyện Tân Lạc, lễ hội Khai hạ đã được khôi phục và phát triển từ năm 2002, trở thành ngày hội lớn của nhân dân trong vùng, được tổ chức vào ngày mồng 7, mồng 8 tháng Giêng (tức ngày 6 và 7 tháng 4 theo lịch Mường Bi).

Tôn vinh trang phục truyền thống dân tộc Mường

(HBĐT) - Hòa Bình có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Mường chiếm 63% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đã bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường như: các làn điệu dân ca, ngôn ngữ, ẩm thực, nhà sàn, trò chơi dân gian, trang phục truyền thống. Trong đó, trang phục của dân tộc Mường mang đặc trưng, nét đẹp riêng. Trong cuộc sống hiện đại, trang phục truyền thống dân tộc Mường vẫn luôn được nâng niu, tôn vinh.

Xuân về bản Mông

(HBĐT) - Mỗi dịp cuối năm, xã Hang Kia (Mai Châu) được tô điểm bởi những vườn hoa mận trắng, khoác lên mình tấm áo mới duyên dáng, báo hiệu xuân về. Với cảnh quan đặc sắc, hoang sơ vốn có, nơi đây đang dần được biết đến như một điểm du lịch thú vị đối với khách du lịch gần xa đến trải nghiệm, khám phá. Du lịch ngày càng phát triển, những căn nhà mới khang trang, đường bê tông chạy quanh xóm, đời sống người dân ngày càng no ấm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục