(HBĐT) - 2022 là một năm rực rỡ và sôi động với liên tiếp sự kiện tôn vinh các giá trị văn hóa của mảnh đất Hòa Bình. Sau 2 năm tạm lắng bởi dịch Covid-19, các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch được tưng bừng tổ chức, trong đó điểm nhấn là bản sắc văn hóa dân tộc của xứ 4 Mường Bi - Vang - Thàng - Động. "Hòa nhập chứ không hòa tan”, đó là cách hữu hiệu để lưu giữ và phát triển mạnh mẽ hơn các giá trị văn hóa truyền thống trong cuộc sống đương đại.


Tiết mục trình tấu chiêng Mường tạo ấn tượng đặc biệt trong sự kiện "Hòa Bình - Thanh âm xứ Mường" năm 2022.

Sức hút của những thanh âm văn hóa

Năm qua, hòa chung quyết tâm kích cầu du lịch của cả nước, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh hoạt động phục hồi và phát triển du lịch, tập trung xây dựng điểm đến an toàn, làm mới sản phẩm du lịch, kết nối tour du lịch để nâng cao hiệu quả, đồng thời, tăng cường tổ chức các sự kiện về du lịch, văn hoá, thể thao với thông điệp "Hòa Bình, điểm đến du lịch an toàn - trải nghiệm trọn vẹn”.

Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch Hoà Bình đã vượt qua những "nốt trầm” ngay từ những tháng đầu năm 2022. Đáng ghi nhận, trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, lượng khách đến thăm quan, du lịch tại tỉnh tăng mạnh. Hầu hết các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh quá tải lưu trú. Đó là diễn biến đáng ghi nhận, cho thấy nỗ lực kích cầu du lịch của ngành VH-TT&DL đã phát huy tác dụng, tạo sức hút để du khách tìm đến Hòa Bình.

Anh Trịnh Văn Huân - một du khách từ tỉnh An Giang đã quyết định đến thành phố Hòa Bình để tham gia chương trình trải nghiệm bay dù lượn có chủ đề "Trời mây xứ Mường”. Anh Huân cho biết: Tôi thấy ấn tượng với những trải nghiệm tại Hòa Bình, đặc biệt là cách người dân nơi đây giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Sau khi tham gia chương trình dù lượn, chúng tôi còn lưu trú tại Hòa Bình để tiếp tục khám phá các bản làng du lịch cộng đồng như xóm Ngòi ở huyện Tân Lạc, bản Lác ở huyện Mai Châu… Những nơi này đang làm du lịch rất tốt vì họ biết cách giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, khiến du khách ấn tượng và muốn quay trở lại để tiếp tục khám phá”.

Giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc cũng là "chìa khóa” để Hòa Bình tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch trong năm 2022. Có thể nói, đây là năm của các sự kiện tôn vinh văn hóa Hòa Bình. Trong bức tranh đa màu sắc của năm 2022 có các tông màu nổi bật và ấn tượng của văn hóa dân tộc. Những thanh âm văn hóa đặc sắc xứ 4 Mường: Bi - Vang - Thàng - Động đã tạo sức hút đặc biệt cho hàng triệu du khách tìm đến Hòa Bình trong năm 2022.

Giữ văn hóa "hòa nhập chứ không hòa tan”

Điểm nhấn nổi bật trong năm 2022 chính là sự kiện mang tầm quốc tế: SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam, trong đó tỉnh Hòa Bình vinh dự được đăng cai tổ chức môn xe đạp. Đón bắt cơ hội quảng bá tuyệt vời này, Hòa Bình đã có sự chuẩn bị chu đáo. Ngay từ tháng 4/2022, ngành VH-TT&DL đã đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch bên lề SEA Games 31, coi đây là thời cơ để lan tỏa thông điệp "Hòa Bình, điểm đến an toàn – trải nghiệm trọn vẹn”, góp phần giới thiệu thiên nhiên, văn hóa, con người Hòa Bình đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Huấn luyện viên Donny Ardy Kusuma đến từ đội tuyển xe đạp quốc gia Indonesia có ấn tượng tốt đẹp ngay khi đặt chân đến thành phố Hòa Bình. Bên cạnh sự hài lòng với các điều kiện vật chất mà Ban Tổ chức địa phương đã chuẩn bị cho đoàn, huấn luyện viên Donny Ardy Kusuma thấy con người Hòa Bình rất thân thiện, mến khách. "Đặc biệt, họ đã chào đón chúng tôi trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc Mường. Trong các ngày thi đấu, nhiều người già mặc trang phục dân tộc đã đi bộ đến cổ vũ rất nhiệt tình. Còn có cả dàn chiêng Mường cổ vũ tinh thần thi đấu cho các vận động viên. Tôi rất ấn tượng với những hình ảnh văn hóa đặc sắc của các bạn” - Huấn luyện viên Donny Ardy Kusuma chia sẻ.

Những người phụ nữ dân tộc Mường tươi cười trong bộ trang phục truyền thống, say sưa trình tấu những bài chiêng giàu bản sắc, âm vang khắp sân vận động tỉnh hoặc không gian rộng lớn của quảng trường Hòa Bình. Đó là hình ảnh đặc biệt ấn tượng trong các sự kiện lớn mà tỉnh đã đăng cai tổ chức trong năm 2022, điển hình như Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ VII, hay như chuỗi chương trình nghệ thuật "Hòa Bình – Thanh âm xứ Mường” và Carnival năm 2022 được tổ chức lần đầu tiên tại tỉnh. Đây là các sự kiện được tổ chức hoành tráng, dàn dựng công phu, có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố văn hóa truyền thống và hiện đại, thể hiện sâu sắc tinh thần tự hào đối với các giá trị văn hóa dân tộc đồng thời mang tính hội nhập cao, góp phần đắc lực quảng bá hình ảnh con người và mảnh đất Hòa Bình đến đông đảo người dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế.


Du khách nước ngoài có ấn tượng đặc biệt đối với các sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào người Thái, huyện Mai Châu.

Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Lựng ở xã Phong Phú (Tân Lạc) đại diện cho hàng trăm nghệ nhân của tỉnh đang nắm giữ và thực hành di sản văn hóa Mo Mường được mời tham dự chương trình nghệ thuật "Hoà Bình - Thanh âm xứ Mường”. Ông chia sẻ, tham gia trình diễn tại các sự kiện mang tầm cỡ lớn như thế này là niềm vinh dự đối với các nghệ nhân dân gian như ông. Sự kiện được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam, thu hút sự quan tâm theo dõi của nhân dân cả nước, đồng thời, thu hút hàng vạn du khách tìm đến Hòa Bình trong dịp này. Đúng với tên của sự kiện, "thanh âm xứ Mường” chính là tổng hòa những thanh âm đầy sức hút được tạo nên bởi các giá trị đặc sắc của nền văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình, một nền văn hóa rực rỡ được tạo nên bởi các di sản văn hóa có giá trị độc đáo như Chiêng Mường, Mo Mường, như lễ hội truyền thống Khai hạ của dân tộc Mường, tri thức dân gian lịch tre (lịch Đoi/Roi)… Đó là những giá trị truyền thống cần được gìn giữ và phát huy để trở thành những sợi dây văn hóa – tinh thần bền vững, giúp gắn kết cộng đồng các dân tộc trong tỉnh.

Trên thực tế, những giá trị văn hóa đặc sắc chính là những sợi dây cố kết cộng đồng, là cội nguồn sức mạnh được gìn giữ, bồi đắp, trao truyền từ đời này qua đời khác, giúp nhân dân các dân tộc trong tỉnh nêu cao tinh thần đoàn kết, phấn đấu vươn lên xây dựng quê hương. Vốn là vùng đất cổ được mệnh danh là "miền đất sử thi”, Hòa Bình tự hào là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, với gần 800 di sản văn hóa phi vật thể và trên 18 nghìn hiện vật có giá trị. Trong đó, tiêu biểu nhất là dân tộc Mường với các di sản văn hóa nổi tiếng như Mo Mường, Chiêng Mường, sử thi "Đẻ đất, đẻ nước”, những lễ hội truyền thống… Đặc biệt, những giá trị khảo cổ đặc sắc của nền Văn hóa Hòa Bình sẽ mãi là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đầy tự hào đó theo hướng "hòa nhập chứ không hòa tan”, chính là cách để chúng ta tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, tạo sức mạnh nội sinh để xây dựng tỉnh nhà ngày càng văn minh, giàu đẹp.


Khánh An


Các tin khác


Thắng cố - độc đáo món ăn Tây Bắc

(HBĐT) - Về với vùng Tây Bắc, du khách không chỉ được đắm chìm vào cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, mà còn được thưởng thức những món ăn đặc sản, hấp dẫn. Thắng cố là một trong những món ăn truyền thống vào các dịp lễ, Tết của người dân tộc. Tiết trời xuân se lạnh, nhâm nhi chén rượu ngô bên nồi thắng cố với bạn bè thì không gì sánh bằng.

Hương vị bánh chưng xưa trên mâm cơm ngày Tết

(HBĐT) - Ngày Tết, trong mâm cơm của mỗi gia đình không thể thiếu chiếc bánh chưng xanh. Những nồi bánh chưng đêm giao thừa trở thành nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền Việt Nam.

Tản mạn về văn hoá ẩm thực

(HBĐT) - Chị không nhớ đã bao lần về Hoà Bình để rong ruổi khắp các bản làng chụp những bức ảnh đẹp và tìm hiểu về văn hoá, cuộc sống của người Mường Hoà Bình. Đã có nhiều bài viết, bức ảnh chứa đựng những cảm xúc đặc biệt về vùng đất, con người nơi đây. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất đối với chị - người đồng nghiệp của tôi từ Hà Nội về lại là văn hoá ẩm thực của người Mường Hoà Bình. Và đó là lý do để chị em tôi lại tiếp tục hành trình du xuân đất Mường với văn hoá ẩm thực trong những ngày xuân...

Lễ hội Khai hạ của người Mường - Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

(HBĐT) - Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường hay còn gọi là lễ hội Khuống mùa, Thuống tồông là lễ hội truyền thống đã có từ rất lâu đời và là lễ hội dân gian lớn nhất của người Mường, đặc biệt ở bốn vùng Mường lớn của tỉnh là Bi, Vang, Thàng, Động. Lễ hội Khai hạ của người Mường Hoà Bình đã được Bộ VH-TT&DL công bố quyết định là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Cao nguyên đá Đồng Văn - điểm hẹn nơi cực bắc

(HBĐT) - Hà Giang là tỉnh vùng biên giới cực Bắc của Việt Nam. Đây là vùng đất quá nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ. Người dân các dân tộc nơi đây mộc mạc, hiếu khách. Vẻ đẹp bốn mùa lúc nào cũng làm say đắm bất kỳ ai từng đặt chân đến.

Dịu dàng Luang Prabang

(HBĐT) - Tôi trở lại Luang Prabang sau gần 20 năm chạm mặt. Những đổi thay là không đáng kể, dù dấu vết thời gian in hằn, hiển hiện khắp vùng đất cố đô của Lào. Du khách nước ngoài, nhiều nhất là Thái Lan đã đặt chân đến đây để chiêm bái những di sản về kiến trúc, tôn giáo, văn hóa độc đáo ở vùng đất cổ yên bình, nhẹ nhàng, dịu dàng này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục