Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Minh, xã Văn Sơn (Lạc Sơn) tái hiện nghi thức mo trong Lễ hội xuống đồng.
Năm 2022, tỉnh ta có 27 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân”, "Nghệ nhân Ưu tú” ở các loại hình: tập quán xã hội và tín ngưỡng, trình diễn nghệ thuật dân gian, trong đó có 1 "Nghệ nhân Nhân dân” và 26 "Nghệ nhân Ưu tú”. Qua 3 kỳ xét tặng, Hòa Bình đã có 1 "Nghệ nhân Nhân dân” và 44 "Nghệ nhân Ưu tú” được Chủ tịch nước ký quyết định công nhận. Đây là những nghệ nhân có nhiều cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy văn hoá phi vật thể của dân tộc. Như vậy, tất cả những di sản văn hoá phi vật thể đã được đưa vào di sản phi vật thể của quốc gia, đến nay, tỉnh Hoà Bình đã quan tâm chỉ đạo và tổ chức bảo tồn các di sản này thông qua các hoạt động văn hoá ở cơ sở. Đặc biệt, các nghệ nhân đang nắm giữ những di sản này cũng là nòng cốt trong xây dựng phong trào văn hoá ở cơ sở, truyền dạy cho thế hệ trẻ và góp phần bảo tồn văn hoá các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Là người duy nhất của tỉnh được công nhận "Nghệ nhân Nhân dân”, ông Bùi Văn Minh, xã Văn Sơn (Lạc Sơn) xúc động chia sẻ: Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nhiều đời làm nghề thầy Mo, được truyền nghề từ những người nắm giữ và thực hành loại hình di sản văn hóa phi vật thể tập quán và tín ngưỡng Mo Mường. Ngay từ nhỏ, tôi đã được nghe và xem những người cao tuổi nắm giữ, thực hành các nghi lễ, bài mo trong Mo Mường. Năm 14 tuổi, tôi bắt đầu theo học và được truyền dạy về các nghi lễ, bài mo trong Mo Mường và từ năm 1989 bắt đầu thực hiện các nghi lễ, bài mo giúp người dân trong vùng.
Theo Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Minh, ông đã phối hợp nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng nhiều nghi lễ trong các lễ hội dân gian mang đậm bản văn hóa dân tộc Mường; được mời tham gia các chương trình giới thiệu bản sắc văn hóa trong các lễ hội truyền thống của người Mường tỉnh Hòa Bình tại các sự kiện của tỉnh và khu vực, tiêu biểu như: thực hiện nghi lễ Mo "Giớ Chiêng” trong chương trình nghệ thuật chào mừng 130 năm thành lập tỉnh Hòa Bình; thực hiện nghi lễ Mo trong phần giới thiệu lễ hội Đình Khênh... Năm 2019, ông đã chủ trì phối hợp thành lập Câu lạc bộ Mo Mường huyện Lạc Sơn, thu hút 31 nghệ nhân Mo Mường trên địa bàn huyện tham gia.
Cũng như Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Minh, cầm trên tay quyết định của Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, Nghệ nhân Ưu tú Đinh Thị Thảo, phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) chia sẻ: Đây là vinh dự và cũng là động lực để tôi tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm và truyền dạy, khơi dậy niềm đam mê với các làn điệu chiêng, dân ca, dân vũ của dân tộc Mường cho thế hệ trẻ, góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy di sản văn hoá phi vật thể của dân tộc.
Nghệ nhân Ưu tú Đinh Thị Thảo, phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) bên bộ chiêng của gia đình.
Theo bà Thảo, dân ca Mường là loại hình nghệ thuật đặc sắc trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của các dân tộc tỉnh Hòa Bình, phản ánh đời sống tinh thần từ bao đời nay của người Mường. Hát dân ca Mường phải có trình tự như: hát mở đầu, hát nối, hát chào, xin phép, khen ngợi quê hương… Người hát cũng phải vận dụng giai điệu ứng tác đặt lời mới khi đối đáp với bạn hát. Bà Thảo thường xuyên tham gia biểu diễn, sinh hoạt câu lạc bộ văn nghệ dân gian, truyền dạy những làn điệu dân ca Mường cho thế hệ trẻ. Hiện bà còn lưu giữ các làn điệu dân ca tiêu biểu như: Hát Thường rang, Bộ mẹng; hát ru con (dân ca Mường Bi); hát ra ruổi (dân ca Mường Vang); hát bông chanh (dân ca Mường Thàng); hát trò chơi đêm Trăng (dân ca Mường Động). Am hiểu và thực hành nhuần nhuyễn các điệu chiêng, bài dân ca dân vũ của dân tộc, bà nhiều lần được chọn đi biểu diễn và đạt nhiều huy chương vàng tại các hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng và hát dân ca Mường.
Nghệ nhân Ưu tú Hà Thị Bích, xã Nà Phòn (Mai Châu), người đang nắm giữ nghệ thuật dân ca dân tộc Thái. Là người đam mê ca hát, bà đã tìm tòi, sưu tầm, học hỏi kỹ năng của thế hệ trước để sáng tác những lời ca mang đậm bản sắc văn hóa Thái, phù hợp với từng thời điểm, từng lễ hội mang đặc sắc riêng. Tự học để trang bị kiến thức, kỹ năng và nâng tầm tư duy của mình. Bên cạnh đó, bà còn truyền đạt những kiến thức, phong tục, tập quán dân tộc Thái qua lời ca, tiếng hát cho thế hệ trẻ. Nghệ nhân Hà Thị Bích chia sẻ: Hiện nay, tôi trình diễn nhuần nhuyễn các thể loại dân ca Thái như: Hát Đúp (đối) giao duyên, khắp Thái, hát ru... và một số thể loại hát dân ca khác của người Thái. Những lời hát dân ca Thái cần tư duy trừu tượng và vốn ngôn ngữ phong phú của người hát phù hợp thời điểm và không gian. Khi hát khắp Thái cần phải có vốn ngôn ngữ theo thời gian, không gian để có những lời ca đối đáp và ứng phó với người đáp lại, đòi hỏi người hát phải am hiểu có tri thức về ngôn ngữ Thái. Trong cuộc hát không thể cứ hát mãi các lời có sẵn, mà người hát phải vận dụng giai điệu ứng tác đặt lời mới khi đối đáp với bạn hát. Cái hay của dân ca Thái chính là phải hiểu và thuần thục kỹ năng hoán dụ trong ca từ, kỹ năng sáng tạo lời hát. Vì trong quá trình thực hành hát dân ca Thái, muốn hát hay thì phải biết dùng những câu hát của mình bằng các phương pháp hoán dụ sử dụng hình ảnh tượng trưng, ứng phó nhanh nhạy. Ngoài ra, lời hát trong dân ca Thái, nhất là khi hát đối giao duyên, chỉ có làn điệu phần đa không có lời sẵn, khi người hát tức khắc phải sáng tác trực tiếp để đối đáp với bạn hát. Đây là kỹ năng quan trọng nhất trong khi hát, đòi hỏi sự thông minh, vốn từ phong phú về ngôn ngữ, nhất là tiếng Thái cổ. Trong việc đặt lời hát, quan trọng nhất là đặt lời và gieo vần câu trên xuống câu dưới sao cho hợp lý, có thế lời hát mới nhuần nhuyễn, không lạc điệu, không bị ngắt quãng, thuyết phục người nghe. Bản thân tôi có thể hát đối đáp giao duyên liên tục trong hơn 10 tiếng đồng hồ mà không cạn lời, không cạn khả năng sáng tạo lời hát.
Đỗ Hà