Chị Mùa Y Liên, xóm Hang Kia cho biết: Tôi biết thêu từ năm 10 tuổi, do mẹ dạy và tôi nhìn các bà thêu nên học theo. Thêu cần sự khéo léo và tỉ mỉ vì khi làm chỉ sai một mũi là phải dỡ hết để làm lại từ đầu. Giờ có gia đình và cũng có con gái nên tôi đã dạy cho con vì thêu thể hiện sự khéo léo, chịu thương, chịu khó của người con gái Mông.
Hiện nay, xã Hang Kia có 727 hộ với gần 4.000 nhân khẩu, trong đó có 98% là đồng bào dân tộc Mông, người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, mặc dù còn nhiều khó khăn, song đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào rất phong phú, mang nhiều màu sắc riêng, mà trang phục truyền thống là một trong những nét văn hóa đặc sắc. Vào thời điểm nông nhàn hay dịp lễ, Tết, các bà, các chị lại tập trung thành từng nhóm ngồi thêu hoa văn trang phục truyền thống với mong muốn lưu giữ văn hoá đặc sắc của dân tộc mình.
Chị Giàng Y Dúa, xóm Thung Mài chia sẻ: Khi 8 tuổi tôi đã được mẹ truyền dạy thêu thùa, may vá, đến lúc lấy chồng mình đã thêu được 10 bộ quần áo. Đến nay, con gái được 10 tuổi mình cũng đang dạy con thêu, vì mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, để sau này không mất gốc.
Việc thêu thùa gắn liền với cuộc sống của đồng bào, đặc biệt là phụ nữ Mông, được coi là hồn cốt góp phần tạo nên bản sắc đặc trưng của dân tộc Mông. Tuy nhiên, theo thời gian, cùng với sự phát triển của xã hội, việc thêu thùa, sử dụng trang phục truyền thống ít dần đi. Để nét đẹp văn hóa của dân tộc không bị mai một trước nhịp sống hiện đại, những năm gần đây, cấp uỷ, chính quyền, các ngành, đoàn thể xã, xóm ở Hang Kia đã vận động, tuyên truyền người dân gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tích cực truyền dạy kỹ thuật thêu quần áo truyền thống cho con cháu cũng như thường xuyên mặc trang phục truyền thống dân tộc trong những ngày hội, lễ, Tết…
Đồng chí Vàng A Váu, Bí thư Đảng uỷ xã Hang Kia cho biết: Thêu được coi là nghề truyền thống của đồng bào Mông. Người phụ nữ trong mỗi gia đình thường xuyên thêu những chân váy, tấm áo để đi làm dâu, phục vụ nhu cầu của gia đình là một nét đặc trưng và là cách thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ. Tôi hy vọng rằng, nghề thêu ngày càng phát triển để lưu giữ cho các thế hệ sau và sẽ là sản phẩm đặc trưng thu hút khách du lịch tại địa phương.
Có thể nói, với tiềm năng phát triển du lịch ở Hang Kia hiện nay, nghề thêu truyền thống của người Mông nơi đây sẽ có cơ hội phát triển, vượt khỏi phạm vi gia đình, trở thành sản phẩm mang tính hàng hóa. Qua đó, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hoàng Anh
(Thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu)