Theo giới thiệu của người bạn đồng niên, anh Bùi Văn Cường (thị trấn Bo, huyện Kim Bôi) lần đầu tiên đặt chân đến Làng Chài thuộc xã Võng La (huyện Đông Anh, Hà Nội) - nơi cách đây 81 năm, tức tháng 2/1943, Tổng Bí thư Trường Chinh đã soạn thảo Đề cương về văn hóa Việt Nam. Vốn là người yêu thích tìm hiểu về văn hóa Việt Nam nên đối với anh Cường, "Di tích truyền thống an toàn khu Trung ương (T.Ư) Đảng thời kỳ 1941 - 1945" là địa chỉ đỏ không thể không đến.


Tại Bảo tàng tỉnh, góc trưng bày các giá trị nổi bật của nền Văn hóa Hòa Bình
luôn thu hút sự quan tâm của khách tham quan.

Nơi ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam

Làng Chài, xã Võng La, huyện Đông Anh (Hà Nội) được biết đến là nơi Tổng Bí thư Trường Chinh đã soạn thảo bản Đề cương về văn hóa Việt Nam - văn kiện được coi như bản cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng. Trong khuôn viên khu di tích truyền thống an toàn khu T.Ư Đảng thời kỳ 1941 - 1945 có một tấm bia đá lớn ghi rõ: Đây là nơi Ban Thường vụ T.Ư Đảng họp bàn việc mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất và xúc tiến khởi nghĩa vũ trang, thông qua đề cương văn hóa cứu quốc.

"Qua tìm hiểu các cứ liệu lịch sử, tôi được biết, năm 1943, giữa bộn bề khó khăn của cách mạng, Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đảng ở Võng La đã thông qua Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo. Văn kiện được coi là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, mang sứ mệnh khơi thông những mạch nguồn của văn hóa dân tộc trong bối cảnh đẩy mạnh cao trào phản đế, phản phong, tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Văn kiện cũng thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng ta về tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng; đồng thời góp phần hình thành, phát triển nền văn hóa Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, với nhận thức đúng đắn rằng: Sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa vừa là một tất yếu chính trị, vừa là một tất yếu khách quan…” - anh Bùi Văn Cường chia sẻ. Chính vì lý do đó nên người con Mường Động -  Hòa Bình quyết tâm tìm về nơi ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam để hiểu rõ hơn văn kiện mang tính lịch sử đặc biệt này.

Góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Đề cương về văn hóa Việt Nam khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa, chỉ rõ mặt trận văn hóa sẽ tiếp tục phát huy vai trò then chốt thông qua cuộc cách mạng văn hóa với ba nguyên tắc cơ bản là: Dân tộc, đại chúng, khoa học. Thực tế, ba  nguyên tắc của Đề cương về văn hóa Việt Nam đã trở thành đường lối phát triển văn hóa Việt Nam suốt những năm qua và sẽ tiếp tục là "kim chỉ nam” đúng đắn cho văn hóa phát triển trong giai đoạn mới.

Tinh thần của Đề cương về văn hóa Việt Nam tiếp tục đi vào Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa VIII và Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI. Đây là những văn kiện quan trọng của Đảng về phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, kế tục những nguyên tắc căn bản của Đề cương về văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, từ sau Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị toàn quốc về văn hóa năm 2021 với những định hướng quan trọng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra, các cấp ủy Đảng, chính quyền càng quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ phát triển văn hóa, thấm nhuần tư tưởng sáng suốt của Đề cương về văn hóa Việt Nam: Cần bảo tồn, phát huy, lan tỏa, chuyển hóa các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc thành sức mạnh mềm, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Hòa chung mạch nguồn văn hóa Việt Nam, xứ Mường Hòa Bình cũng có dòng chảy văn hóa truyền thống bắt đầu từ cội nguồn lịch sử và trở thành sức mạnh nội sinh trong đời sống hiện đại. Nếu như lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc đã hình thành một nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc với tinh hoa hội tụ của 54 dân tộc anh em thì trong đó, nền văn hóa tỉnh Hòa Bình đóng góp những giá trị độc đáo và nổi bật, góp phần tích cực xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.  

Nhìn lại công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của tỉnh những năm gần đây có thể thấy những nỗ lực đồng bộ gắn với quyết tâm chính trị cao, thấm nhuần tư tưởng của Đảng trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943. Trong các nhóm giải pháp đã thực hiện, tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về di sản văn hóa. Đồng thời, vận động đồng bào các dân tộc trong tỉnh nói chung, đồng bào dân tộc Mường nói riêng gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, những hiện tượng không phù hợp làm ảnh hưởng đến các giá trị văn hoá truyền thống. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo đã có những chuyển biến tích cực. Kết quả là ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, lễ hội tín ngưỡng được nâng lên, người dân có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc tham gia bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, góp phần tích cực bảo tồn  bản sắc văn hóa dân tộc. 

Theo Sở VH-TT&DL, trong nỗ lực gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, nổi bật là việc ưu tiên thực hiện các công trình sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật Mo Mường; lập hồ sơ khoa học về Mo Mường; ghi danh các di sản văn hóa nổi bật của địa phương như cồng chiêng, lễ hội Khai hạ… Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị của di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, một thành quả mang tính đột phá là hoàn thành xây dựng Bộ chữ viết dân tộc Mường và từng bước đưa bộ chữ Mường vào cuộc sống. Theo đó, UBND tỉnh ban hành quyết định về việc phê chuẩn Bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình; ban hành kế hoạch triển khai ứng dụng Bộ chữ dân tộc Mường tại tỉnh Hoà Bình; phê duyệt Đề án dạy và học tiếng dân tộc Mường giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh... Đó là những hành động tích cực cho thấy tỉnh quyết tâm gìn giữ bản sắc dân tộc, tạo nền tảng vững chắc để phát huy sức mạnh của văn hóa trong giai đoạn phát triển mới, đúng với tinh thần của Đề cương về văn hóa Việt Nam.


Khánh An

Các tin khác


Công đoàn Trường THPT Công Nghiệp: Điểm sáng phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao

Công đoàn Trường THPT Công Nghiệp (TP Hòa Bình) là một trong những công đoàn cơ sở tiêu biểu trong phong trào văn hóa, văn nghệ (VHVN), thể dục thể thao (TDTT) tại cơ sở. Với việc đổi mới nội dung, hình thức hoạt động đã thu hút đông đảo cán bộ, giáo viên (CBGV), người lao động và học sinh tích cực tham gia.

Phố Hữu Nghị: Điển hình xây dựng nếp sống văn hóa, khu dân cư văn hoá

So với các khu dân cư (KDC) trên địa bàn thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn), phố Hữu Nghị có thành tích nổi trội hơn trong thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá (TDĐKXDĐSVH). Quá trình phấn đấu, phố có nhiều năm liên tục đạt danh hiệu KDC văn hoá, tỷ lệ gia đình văn hoá hàng năm đạt 99% trở lên, năm 2023 đạt 99,4%.

Thắp sáng phong trào văn hoá văn nghệ ở trung tâm thành phố Hoà Bình

Xem một chương trình văn nghệ cấp phường được Ủy ban MTTQ và các đoàn thể phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình tổ chức trên tuyến phố đi bộ - đường đê Đà Giang nhiều người ngỡ đó là sự kiện văn hóa cấp thành phố. Bởi chương trình biểu diễn được chuẩn bị công phu, đảm bảo yếu tố nghệ thuật, thời lượng… và thu hút đông đảo người xem, cổ vũ.

Đặc sắc Liên hoan Nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang tỉnh

Vừa qua, Liên hoan Nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024 được tổ chức thành công. Các đoàn nghệ thuật quần chúng đã thể hiện những chương trình nghệ thuật đặc sắc, để lại ấn tượng mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của công chúng.

Khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên lần thứ 10 năm 2024-khu vực 2

Tối 20/5, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng phối hợp Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Công An, Bộ Giáo dục và Đào tạo và tỉnh Gia Lai tổ chức Khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên lần thứ 10 năm 2024-khu vực 2.

Tôn vinh nhiều tác phẩm âm nhạc ''Bài ca Điện Biên''

Tối 19/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ tổng kết, trao giải thưởng tháng âm nhạc "Bài ca Điện Biên”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục