Các thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng của Tết Nguyên đán trong khuôn khổ Tết Nhảy được tổ chức tại gia đình ông Dương Minh Dũng, xóm Thung Dao Bắc, xã Tú Sơn (Kim Bôi).
Theo anh Triệu Xuân Tình, Trưởng xóm Thung Dao Bắc, xóm hiện có 73 hộ với 345 nhân khẩu, trong đó có gần 80% là người dân tộc Dao.
Trong cuộc sống hiện đại, người Dao ở xóm Thung Dao Bắc vẫn giữ gìn được nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, trong đó có phong tục đón Tết sớm. Mỗi năm, người Dao có 3 Tết lớn, đó là Tết Thanh minh, Tết rằm tháng 7 và Tết Nguyên đán. Trong đó, quan trọng và ý nghĩa hơn cả là Tết Nguyên đán, không chỉ chứa đựng giá trị tâm linh sâu sắc mà còn thể hiện nét độc đáo trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đây là dịp để người dân tộc Dao báo cáo và tạ ơn với tổ tiên, các vị thần linh về thành quả của một năm lao động, cầu mong ông bà, tổ tiên phù hộ, giúp đỡ cho gia đình, dòng họ và bản làng bước sang năm mới mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu, sức khỏe dồi dào, gia đình hạnh phúc, bình an...
Theo phong tục truyền thống, người Dao ăn Tết Nguyên đán từ ngày 10/12 đến khoảng ngày 28/12 âm lịch và phải tổ chức ăn Tết làng đầu tiên. Ngày Tết làng, tất cả các gia đình trong xóm tập trung tại miếu thờ và nhà trưởng bản để tổ chức cúng lễ tổ tiên, Thành Hoàng làng, thổ công, thổ địa, các vị thần linh, tổ tiên. Sau khi tổ chức Tết làng, các gia đình mới được tổ chức Tết tại nhà. Những nhà gốc sẽ làm trước để tụ họp con cháu về đông vui, đầy đủ rồi mới đến các gia đình nhỏ, lần lượt từ gia đình này đến gia đình khác.
Để đón Tết sung túc, đủ đầy, từ trước đó, các gia đình phải chọn những giống lợn, gà tốt, chăn thả, vỗ béo. Tết tại các nhà, ngay từ sáng sớm, cả gia đình tập trung cùng chuẩn bị công việc cho ngày Tết như: thịt lợn, thịt gà, đồ xôi, giã bánh dày... Mọi việc được thực hiện nhanh chóng để chuẩn bị mâm cúng tổ tiên và đón anh em, họ hàng, làng xóm đến chung vui. Tết Nguyên đán của người Dao, nghi lễ quan trọng nhất là cúng tổ tiên. Mâm cỗ cúng thường đơn giản, đều là những nông sản mà các gia đình nuôi, trồng được, gồm thịt lợn, thịt gà, rượu, bánh dày..., tất cả đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo. Bánh dày được làm từ gạo nếp dẻo, giã mềm, nhuyễn, không có nhân, chỉ rắc vừng rang bên ngoài để bánh có mùi thơm và không bị dính. Khi mâm cỗ được sắp xếp xong, các thầy cúng sẽ làm lễ. Việc cúng lễ được thực hiện trang nghiêm theo phong tục từ xưa. Thầy cúng được gia đình mời về, thay mặt gia chủ kính cáo với tổ tiên, gia tiên và các vị thần linh về thành quả của một năm lao động, sản xuất, những công việc mà họ đã làm được trong năm qua; tạ ơn tổ tiên, các vị thần linh đã phù hộ và cầu mong cho năm mới may mắn, bình an, đoàn kết, vui vẻ, hạnh phúc, sức khỏe dồi dào, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Các bài cúng đều thể hiện mong ước của con cháu, hy vọng ông bà, tổ tiên, thần linh sẽ phù hộ cho gia đình sang năm mới mạnh khỏe, may mắn, ăn nên làm ra. Sau khi nghi lễ cúng hoàn tất, lễ vật được hạ xuống để con cháu cùng ăn Tết, thụ lộc.
Ông Dương Minh Dũng, già làng có uy tín của xóm Thung Dao Bắc cho biết: "Tết Nguyên đán là phong tục quan trọng của người dân tộc Dao, diễn ra từ ngày 10/12 đến khoảng ngày 28/12 âm lịch. Vào dịp này, các gia đình người Dao trong xóm sẽ lần lượt tổ chức ăn Tết. Tùy vào điều kiện mà mỗi gia đình tổ chức Tết rồi mời anh em họ hàng, làng xóm đến cùng chung vui. Tết của người Dao quan trọng nhất là nghi lễ cúng mời tổ tiên. Sau khi tổ chức ăn Tết tại nhà tổ thì các gia đình trong dòng họ mới được đón Tết tại nhà mình. Đến ngày 30 Tết Nguyên đán, các gia đình sẽ đặt một đôi hoặc 3 con gà trống thiến lên bàn thờ rồi đón giao thừa. Sau đó gọi tổ tiên về nhận rồi mới hạ đồ lễ và chế biến để gia đình cùng thụ lộc. Sáng mùng 1 Tết, mọi người tập trung để cùng đi chúc Tết các nhà trong xóm...”.
Tết Nguyên đán là phong tục quan trọng trong đời sống của người Dao, mang đến không khí vui tươi, đầm ấm, hạnh phúc tràn đầy. Mọi người ai cũng hân hoan, phấn khởi, hy vọng năm mới may mắn, bình an, ra sức học tập, lao động, sản xuất để đạt được nhiều thành quả mới...
Linh Nhật