"Cơm Mường Vó, lọ Mường Vang, thường rang Mường Búm Khói”, câu ví như dẫn dắt mọi người tìm về cái nôi của những làn điệu dân ca ngọt ngào, thắm đượm văn hoá truyền thống của đồng bào Mường.



Thành viên các câu lạc bộ hát Mường và những người yêu thích làn điệu dân ca thưởng thức câu hát bộ mẹng của nghệ nhân đến từ Câu lạc bộ Bai Chim, xã Định Cư (Lạc Sơn).

Về vùng Búm Khói xưa

Mường Búm Khói xưa nay thuộc 2 xã Ân Nghĩa, Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, nơi đây nổi tiếng là vùng đất của những làn điệu dân ca Mường. Trong một cuộc giao lưu hát dân ca Mường tổ chức tại xã Tân Mỹ, chúng tôi có dịp gặp gỡ bà Quách Thị Lịch, nghệ nhân hát dân ca Mường ở xóm Tưa, xã Ân Nghĩa. Bà Lịch chia sẻ: Từ thuở nhỏ tôi đã được mẹ, được bà truyền dạy rồi thuộc lòng những câu ca. Xã hội ngày nay phát triển nhưng những làn điệu dân ca xưa vẫn được gìn giữ, đó là món ăn tinh thần không thể thiếu và là điều mà thế hệ truyền dạy, phát huy như chúng tôi hết sức trân quý, tự hào.

Với thế hệ lớn tuổi hơn như bà Bùi Thị Khịt, 69 tuổi, ở xóm Song Khảnh, xã Tân Mỹ, mỗi lần được nghe hát đúm giao duyên hay thường rang, bộ mẹng, bà thấy tinh thần phấn chấn. Bà càng vui hơn bởi ở khắp làng trên, xóm dưới, mỗi khi gia đình có đám cưới hay dịp lễ, Tết, hội hè đều diễn ra hoạt động văn hóa, văn nghệ, hát đúm giao duyên, thường rang, bộ mẹng rộn ràng, thu hút nhiều người tham gia diễn xướng và đông đảo người theo dõi, thưởng thức.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng, xóm Bưng Cọi, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) trao đổi: Trong hát dân ca Mường, nhất là hát đúm giao duyên, hát thường rang, bộ mẹng không đơn thuần hát cho người nghe mà còn phục vụ cho giao tiếp, tìm hiểu nhau qua tiếng hát đối đáp... Trong khi hát, hai bên thăm hỏi nhà cửa, cha mẹ, anh em, mùa màng, quê hương bản quán... Cũng thông qua việc hát bộc lộ tích cách, tư chất, sự hiểu biết của mỗi người. Có những bài hát, như hát ru con của người Mường mang tính răn dạy, giáo dục sâu sắc.

Lan tỏa những làn điệu dân ca Mường

Để những câu hát đúm giao duyên, thường rang, bộ mẹng được bảo tồn, không thể không nhắc tới những người tâm huyết, như ông Bùi Văn Nỏm, nguyên Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn; Nghệ nhân Ưu tú Bùi Huy Vọng và một số thành viên khác trong nhóm sưu tầm tư liệu bảo tồn di sản nghệ thuật hát thường rang, bộ mẹng, hát đúm dân tộc Mường huyện Lạc Sơn. Suốt 8 năm thực hiện (2013 - 2020), nhóm đã triển khai sưu tầm trên 30 cuộc, tập hợp và thống kê được gần 300 nghệ nhân hát dân ca trên địa bàn huyện, lưu giữ được gần 1.000 gigabyte hình ảnh, thu âm, video.

Trong dịp gần đây, Câu lạc bộ (CLB) bốn Mường, xã Thượng Cốc tổ chức chương trình phục dựng ý nghĩa với chủ đề "Sắc bùa chúc Tết đầu xuân”. Chương trình quy tụ nhiều CLB đến từ các vùng Mường trong và ngoài huyện. Bên cạnh nghi lễ dấy chiêng (thức chiêng), sắc bùa quanh làng ra cánh đồng, trò chơi dân gian thì màn giao lưu hát dân ca cổ thường rang, bộ mẹng, hát đúm giao duyên là nội dung có thời lượng "dài hơi” nhất, tạo không khí giao lưu sôi nổi nhất. Anh Bùi Bảo Du, Chủ nhiệm CLB bốn Mường cho biết: Với mô hình thanh niên lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, CLB bốn Mường mong muốn hoạt động không chỉ gói gọn trong biểu diễn nghệ thuật, giao lưu với các địa phương mà còn đóng góp được nhiều hơn nữa cho sự lan tỏa các giá trị văn hóa phi vật thể. Từ đó, chiêng và các nhạc cụ dân tộc Mường, hát dân ca Mường sẽ không mai một.

Hiện nay, cùng với sự ra đời của các nền tảng mạng xã hội zalo, facebook, youtube..., hát đúm giao duyên, thường rang, bộ mẹng dân tộc Mường ở Hòa Bình được quảng bá rộng rãi, trở thành sản phẩm văn hóa, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của đồng bào Mường và những người yêu mến văn hóa dân gian dân tộc Mường. Tại huyện Lạc Sơn có một số kênh youtube thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ, hàng triệu người theo dõi sau mỗi video clip đăng tải, như: Hát tiếng Mường Hòa Bình, Vong Bui, Quach Lon, Lệ Thơ, Miền Tây Bắc... Hầu hết các xã, thị trấn đều thành lập, duy trì hoạt động các CLB bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Toàn huyện hiện có 7 CLB hát thường rang, bộ mẹng cấp xã, tiêu biểu là CLB Mường Khụ - xã Ngọc Sơn; CLB Bai Chim - xã Định Cư; CLB Bình Hẻm - xã Bình Hẻm; CLB Vũ Bình - xã Vũ Bình... Các CLB tập hợp, thu hút trên 300 nghệ nhân tích cực tham gia bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản hát đúm giao duyên, thường rang, bộ mẹng dân tộc Mường.


Bùi Minh

Các tin khác


Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2024 -nơi hội tụ bản sắc văn hóa dân tộc

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường năm 2024 được tổ chức quy mô cấp tỉnh tại xã Phong Phú (Tân Lạc) trong 3 ngày, từ ngày 15 - 17/2/2024 (tức từ ngày 6 - 8 tháng Giêng, năm Giáp Thìn) với sự tham gia của 4 Mường: Bi, Vang, Thàng, Động (huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong, Kim Bôi). 

Bánh chưng - chiếc bánh mang hồn Tết Việt

Bánh chưng có lịch sử lâu đời và vị trí đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Bánh chưng không đơn thuần là một món ăn, mà là nguồn cội, là văn hóa, là sự tổng hòa của trời, đất với những tinh túy mà thiên nhiên ban tặng người Việt. Có lẽ vì thế mà người ta nhớ bánh chưng như nhớ Tết và nhớ Tết là nhớ về món bánh của Tổ tiên.

Thông tin thêm về Dự án xây dựng trụ sở và các công trình văn hóa tâm linh bị “treo” nhiều năm ở thành phố Hòa Bình

Bài 3 - Lãnh đạo tỉnh sẽ đồng hành với người dân đi đến cùng sự việc Trước những vấn đề tồn tại của dự án gây ảnh hưởng đến người dân, tại buổi làm việc với đại diện 170 hộ dân ở tổ 8, phường Tân Thịnh (TP Hoà Bình), đại diện lãnh đạo tỉnh đã nhận trách nhiệm về mình, đồng thời cam kết sẽ đồng hành với người dân đi đến cùng sự việc...

Thổi hồn thư pháp hình rồng cách điệu

Một năm mới bình an, hạnh phúc và thành công lại về qua các bức thư pháp độc đáo, ấn tượng hình rồng của nhà thư pháp Lê Thiên Lý, viết theo thể "vật điều thư” và "nhân diện thư”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục