Các nghệ nhân Câu lạc bộ bảo tồn, phát huy di sản văn hóa trên địa bàn huyện Lạc Sơn giao lưu, thực hành hát dân ca Mường để bà con cùng thưởng thức.
Ra mắt từ năm 2019, CLB mo Mường huyện Lạc Sơn hiện có 44 hội viên là các nghệ nhân thực hành nghề mo và thực hiện các nghi thức diễn xướng. Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Minh ở xóm Mận Bùi, xã Văn Sơn, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: Các nghệ nhân trong CLB luôn chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phấn đấu là điểm tựa trấn an tinh thần cho các gia đình, động viên nhau bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa của dân tộc, truyền dạy nghề mo đến những người có đam mê tìm hiểu về tính nhân văn của mo Mường. Đặc biệt, các nghệ nhân trong CLB tích cực tuyên truyền về những nét đẹp, giá trị văn hóa mo Mường đến người dân, vận động hội viên tiếp tục sưu tầm những bài mo cổ để làm phong phú thêm văn hóa mo Mường. Niềm động viên, khích lệ lớn đối với CLB trong thời gian qua là 4 nghệ nhân được Sở VH-TT&DL tặng giấy khen đã có thành tích trong việc phát huy giá trị di sản văn hóa mo Mường năm 2023.
Nói đến dân ca Mường, thường rang, bộ mẹng không thể không nhắc đến Nghệ nhân Ưu tú Bùi Huy Vọng ở xóm Bưng Cọi, xã Hương Nhượng, hay ông Bùi Văn Nỏm - Hội trưởng nhóm sưu tầm là những người có công lớn trong việc khơi lại và lan tỏa những làn điệu dân ca Mường. Theo ông Bùi Văn Hành, Chủ nhiệm CLB hát Mường Mường Khụ, với sự dẫn dắt, hỗ trợ của những nghệ nhân tâm huyết như Nghệ nhân Ưu tú Bùi Huy Vọng, CLB hát Mường Mường Khụ được hình thành, duy trì sinh hoạt định kỳ 1 - 2 lần/tháng, có nhiều hoạt động giao lưu với các CLB trong, ngoài huyện và các CLB ở tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình. Bên cạnh đó, CLB còn duy trì kênh youtube nhằm quảng bá, lưu giữ những giá trị tốt đẹp của làn điệu dân ca trên phương tiện truyền thông cộng đồng.
Trên địa bàn huyện có 10 CLB bảo tồn di sản văn hóa, gồm 1 CLB mo Mường cấp huyện, 9 CLB hát thường rang, bộ mẹng, hát đúm giao duyên dân tộc Mường tại các xã: Định Cư, Chí Đạo, Ngọc Sơn, Ngọc Lâu, Tự Do, Vũ Bình, Bình Hẻm, Ân Nghĩa, Tân Mỹ, thu hút hơn 400 hội viên tham gia. Bên cạnh tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ ở cộng đồng xóm, xã, sinh hoạt CLB định kỳ, hội viên các CLB duy trì hát giao lưu khi tiếp khách gia đình, dòng họ nhân có việc vui. Một số nghệ nhân còn được mời đi hát tại các đám cưới, lễ mừng thọ, hát phục vụ khách du lịch, mừng nhà mới. Một số nghệ nhân tiên phong xây dựng kênh youtube để truyền tải, lan tỏa tình yêu với dân ca Mường thu hút hàng triệu lượt xem và hàng nghìn lượt theo dõi.
Cùng với sự phát triển các CLB, lớp nghệ nhân tiêu biểu như: Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Minh, xã Văn Sơn, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Hải – xã Xuất Hóa, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Dớt - xã Định Cư đã truyền dạy cho con cháu nhiều bài trong áng mo Mường. Toàn huyện có 8 nghệ nhân được phong tặng Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, trong đó có 7 nghệ nhân mo Mường, 1 nghệ nhân hát dân ca Mường.
Đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng VH-TT huyện Lạc Sơn cho biết: Mô hình CLB bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được cấp ủy, chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở quan tâm, khích lệ. Từ năm 2021 đến nay, UBND huyện đã mở 1 lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể mo Mường cho 50 học viên tham gia; hàng năm, phối hợp với các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nhạc sỹ mở lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể hát dân ca Mường, thường rang, bộ mẹng. Ngoài hoạt động giao lưu biểu diễn, các CLB cũng là nòng cốt tham gia các hội thi trình diễn di sản văn hóa do huyện tổ chức. Sự phát triển của các CLB bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong cộng đồng dân cư tạo điểm nhấn phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở, góp phần làm cho đời sống tinh thần của người dân ngày càng vui tươi, lành mạnh.
Bùi Minh