"Đến Lam Sơn mùa nào cũng đẹp, nhưng đẹp nhất là mùa thu được tận hưởng sự trong lành, thơ mộng của vùng đất non xanh nước biếc. Hơn cả là sẽ được sống dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc với hào khí Lam Sơn vang danh trang sử Việt được khắc họa qua Lễ hội Lam Kinh tổ chức hàng năm vào tháng 8 âm lịch”. Sau nhiều lần lỗi hẹn với lời mời về thăm quê hương của cô bạn thời sinh viên, mùa thu này chúng tôi đã có hành trình về nguồn thật ý nghĩa.
Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh luôn đón nhiều du khách tới tham quan, chiêm bái.
Là con dân đất Việt có lẽ ai cũng mong muốn được một lần đến với những vùng đất, địa danh lịch sử. Hay đến miền quê đã sinh ra những người con hào kiệt dựng xây cơ đồ, rạng danh đất nước. Lam Sơn là vùng đất như vậy. Nơi đây có cố đô Lam Kinh là đất tổ nhà Lê, nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi và là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh ở thế kỷ XV (1418-1427).
Khu di tích lịch sử Lam Kinh nằm trên địa bàn thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đây là nơi yên nghỉ, thờ cúng các vị vua và hoàng hậu triều Lê. Lam Kinh được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1962. Ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận Di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh là Di tích quốc gia đặc biệt.
Bạn tôi chia sẻ, do thiên tai, bão lũ gây hậu quả nặng nề cho nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Thanh Hoá nên năm nay, Lễ hội Lam Kinh không tổ chức phần hội, chỉ tổ chức dâng hương theo nghi thức truyền thống. Song dịp này khu di tích vẫn đón rất đông du khách từ mọi miền Tổ quốc về tham quan, chiêm bái.
Giở lại trang sử dân tộc được biết, sau 10 năm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi giặc Minh, cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi khởi xướng đã toàn thắng. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ở Đông Đô (Thăng Long), đặt tên nước là Đại Việt. Đồng thời, nhà Vua cho xây dựng ở đất tổ Lam Sơn một kinh thành gọi là Lam Kinh (hay Tây Kinh để phân biệt với Đông Kinh).
Sử sách ghi lại, nhà sử học Phan Huy Chú từng miêu tả: "Điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên non xanh nước biếc, rừng rậm um tùm. Vĩnh Lăng của Lê Thái Tổ, Thiệu Lăng của Lê Thái Tông và lăng của các vua nhà Lê đều ở đấy cả…”.
Qua tìm hiểu được biết, Khu di tích Lam Kinh có nhiều công trình mang giá trị cao về kiến trúc, trong đó tiêu biểu là tòa Chính điện. Chính điện được dựng ngay sau khi vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) băng hà (năm 1433). Sau nhiều lần tôn tạo, Chính điện hiện có diện tích trên 1.700 m2. Chính điện mang đậm lối phong cách kiến trúc thời Lê; là công trình điêu khắc gỗ tỉ mỉ, công phu và được xem là công trình bằng gỗ lim lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Đến Lam Kinh du khách không khỏi bất ngờ khi được nghe về câu chuyện cây gỗ lim "hiến thân”. Đưa du khách tham quan khuôn viên khu di tích, hướng dẫn viên Trịnh Thị Phương giới thiệu: Khi khởi công dự án phỏng dựng Chính điện Lam Kinh, cây lim cổ thụ cao nhất nhì rừng Lam Kinh, khoảng 600 năm tuổi đang xanh tốt bất ngờ trút hết lá rồi khô cành. Nửa năm sau, khi cây chết cũng là lúc thiết kế thi công Chính điện vừa hoàn thành. Sau khi báo cáo sự việc với chính quyền địa phương, cây lim đã được chặt hạ và phát hiện ra điều kỳ lạ hơn. Đó là những cây lim cổ thụ khi chết thường bị rỗng ruột, nhưng riêng cây lim này ruột vẫn đặc nguyên một khối. Điều trùng khớp, ngẫu nhiên nữa là khi róc bỏ hết vỏ thì lõi cây còn lại có số đo đường kính thân gốc trùng khít với chân đế đá cột cái Chính điện xưa để lại. Ngọn cây vừa với chân tảng cột quân, hai nhánh cây đủ làm một cột con và một thượng lương.
"Công trình được xây dựng theo kiến trúc hình chữ "công”, gồm 3 tòa điện chính: Quang Đức, Sùng Hiếu và Diên Khánh. Một toà nhà có 4 vị trí quan trọng nhất là cột cái, cột quân, cột con và thượng lương thì cây gỗ lim đã "hiến thân” vào cả 4 vị trí quan trọng. Trong đó cột cái được đặt cạnh long sàng của Vua với ý nghĩa canh giữ giấc ngủ cho người” - hướng dẫn viên Trịnh Thị Phương cho biết thêm.
Trong khuôn viên Lam Kinh, sau Chính điện đến Thái miếu, là nơi thờ cúng tổ tiên, các vị vua và hoàng thái hậu nhà Lê. Tiếp sau Thái miếu là Vĩnh Lăng (mộ vua Lê Thái Tổ) được xây dựng trên dải đất bằng phẳng, ở phía Nam chân núi Dầu. Cũng theo chia sẻ của hướng dân viên khu di tích, Đức Vua sinh ngày 6/8/1385 tại quê ngoại làng Chủ Sơn, huyện Lôi Dương (nay là xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa); mất ngày 22/8/1433 âm lịch, thọ 49 tuổi, ở ngôi vua được 6 năm. Đức Vua mất ở Thăng Long, sau đó được triều thần hoàng tộc đưa về quê hương an táng, xây lăng mộ. Lăng mộ tựa lưng vào "dãy Lam Sơn dấy nghĩa chốn hoang dã nương mình”. Hai bên là hai dãy núi thanh long bạch hổ tạo thế tay ngai long chầu hổ phục. Phía trước là sông Chu uốn khúc bao bọc, chảy từ trái qua thành thế tụ thuỷ. Những người am hiểu phong thuỷ cho rằng lăng mộ của Vua là điểm huyệt của toàn bộ khu vực Lam Sơn. Trước lăng có các tượng quan, bên trái quan văn, bên phải quan võ. Sau tượng quan là tượng nghê, tê giác, hổ, ngựa mang phong cách dân gian cách điệu, đứng trông coi lăng mộ bình an. Ngựa không thắng yên cương, hổ ngồi hiền từ, chạm khắc đơn giản. Nhìn toàn cảnh lăng mộ vua Lê Thái Tổ gần gũi nhưng tôn nghiêm, trang trọng.
Trong khuôn viên của di tích Lam Kinh còn có 5 khu lăng mộ của các vua Lê Thái Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông và lăng Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao với kiến trúc tương tự.
Tham quan Khu di tích Lam Kinh không thể bỏ qua bia Vĩnh Lăng, được dựng năm 1433, sau khi vua Lê Thái Tổ qua đời. Bia ghi lại thân thế, sự nghiệp, công trạng của Đức Vua. Bia Vĩnh Lăng là một trong những bia đá cổ to và đẹp nhất Việt Nam cả về mỹ thuật và kỹ thuật, là một công trình điêu khắc đá nghệ thuật quý giá về nhiều lĩnh vực, có giá trị to lớn trong kho tàng di sản văn hoá Việt Nam. Bia Vĩnh Lăng đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Thu Hiền
Tối 19/9, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Lễ trao tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2023.
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 185/KH-UBND về tổ chức Tuần Văn hoá - Du lịch (VH-DL) tỉnh Hòa Bình năm 2024. Theo đó, các hoạt động chính thức của Tuần lễ VH-DL dự kiến diễn ra từ ngày 24/10 đến hết ngày 4/11, bao gồm Tuần VH-DL quy mô cấp tỉnh; Lễ hội cá tôm sông Đà quy mô cấp tỉnh; Lễ hội Ruộng bậc thang Miền Đồi quy mô cấp huyện.
Tối 16/9, Lễ khai mạc Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ năm 2024 với chủ đề "Âm vang miền duyên hải” đã diễn ra tại thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh). Sự kiện do Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong 2 ngày 14-15/9, hai đơn vị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là "Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm” và "Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp” đã phối hợp tổ chức hoạt động "Quảng bá, tuyên truyền thương hiệu sơn mài Việt Nam và khai mạc Triển lãm tranh, sản phẩm sơn mài Việt Nam” tại đây.
Tối 14/9, Chung kết Miss Universe Vietnam 2024 đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh. Vượt qua 28 cô gái khác, Nguyễn Cao Kỳ Duyên đã xuất sắc giành vương miện Miss Universe Vietnam 2024.
Ngày 19/9/1964, huyện Kim Bôi vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Những lời chỉ dạy ân cần của Người là nguồn động viên lớn lao, là "kim chỉ nam" để Đảng bộ, nhân dân trong huyện phấn đấu có được thành quả ngày hôm nay. Tại lần thăm và làm việc với huyện, sau khi nghe lãnh đạo huyện báo cáo tình hình sản xuất, đời sống của nhân dân, Bác nhắc: Năng suất cây lương thực còn thấp, diện tích bỏ hoang nhiều, cố gắng đi vào thâm canh. Cần làm tốt việc trồng cây công nghiệp. Mọi người phải nêu cao ý thức tiết kiệm, tích cực học tập để nâng cao trình độ văn hóa. Huyện ủy cần mạnh dạn chỉ đạo mọi mặt tốt hơn nữa.