Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các đại biểu dự lễ hội.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các đại biểu dự lễ hội.

Ðúng 20 giờ ngày 2-1-2010, tại Quảng trường trung tâm thành phố Ðà Lạt (Lâm Ðồng), Festival (Liên hoan) Hoa Ðà Lạt 2010- Lễ hội văn hóa mở màn cho chuỗi sự kiện chào mừng Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đã chính thức khai mạc trong rực rỡ sắc mầu của muôn nghìn loài hoa.

Tới dự Lễ khai mạc có: nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Phạm Văn Trà, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng; các đồng chí: Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Tòng Thị Phóng, Bí thư T.Ư Ðảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng nhiều đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư... Hơn 20 đoàn khách quốc tế là đại diện các Ðại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế...cũng đến tham dự Lễ khai mạc Festival hoa Ðà Lạt 2010. 


Phát biểu ý kiến tại Lễ khai mạc, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nhiệt liệt chúc mừng Festival hoa Ðà Lạt 2010, chúc mừng những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội mà Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lâm Ðồng và TP Ðà Lạt đạt được trong những năm qua, nhất là năm 2009. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Festival hoa Ðà Lạt lần này không chỉ giới thiệu về tiềm năng của thành phố Festival Hoa đã được Chính phủ công nhận mà còn là dịp để giới thiệu với bạn bè trong nước, quốc tế về một vùng đất anh hùng. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kêu gọi các nhà đầu tư: Các bạn hãy đến với Ðà Lạt - Lâm Ðồng, chắc chắn các bạn sẽ thành công khi đầu tư vào mảnh đất nhiều tiềm năng, đẹp và mộng mơ này!...


Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh đã trao Bằng công nhận danh hiệu: Ðà Lạt- thành phố Festival Hoa Việt Nam.


Trong cái se lạnh của mùa đông cao nguyên, trong rộn rã hồn người và lung linh hương sắc, đêm Lễ khai mạc diễn ra có quy mô hoành tráng với những màn trình diễn đầy ý nghĩa. Dù không xuất hiện và bước lên đài nhận bằng tôn vinh nhưng trong đêm hội, hình ảnh những người trồng hoa, những làng hoa nổi tiếng của thành phố Ðà Lạt như: Hà Ðông, Vạn Thành, Xuân Thọ, Ða Thiện, Thái Phiên, An Sơn... đã tạo nên một hiệu ứng cảm xúc sâu sắc. Từ những lưu dân đến từ nhiều miền quê Việt Nam, những nông dân đầu tiên của các làng hoa có lịch sử lâu đời này đã đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển không ngừng của vùng hoa nổi tiếng trên cao nguyên Lang Bian. Họ chính là những người đã đóng góp nhiều công sức cho xứ Hoa Ðà Lạt, những người đã đổ mồ hôi và nước mắt cho muôn hoa tỏa hương, khoe sắc. Họ chính là những chủ nhân, chủ thể, những nhân vật trung tâm của Festival đầy sắc mầu lãng mạn và ý nghĩa này.


Từ 800 ha vào năm 2004, đến nay vùng hoa thương phẩm Ðà Lạt - Lâm Ðồng đã có 2.400 ha. Festival Hoa Ðà Lạt là dịp để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh của địa phương để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm góp phần xây dựng Ðà Lạt thật sự trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng hấp dẫn; trung tâm sản xuất, giao dịch và xuất khẩu hoa của cả nước trong những năm tới.


Festival Hoa Ðà Lạt 2010 đến ngày 4-1. 


* Trong khuôn khổ những hoạt động hưởng ứng Festival  Hoa Ðà Lạt 2010, tại Trung tâm làng nghề XQ Sử quán Ðà Lạt, TP Ðà Lạt (Lâm Ðồng), chiều 2-1-2010, Công ty XQ Việt Nam đã tổ chức lễ kết thúc mũi chỉ thêu cuối cùng, hoàn thành bức tranh thêu tay lớn nhất Việt Nam Ước nguyện ngàn năm Thăng Long và khai trương triển lãm Tên gọi Ðóa sen ngàn năm. Ðồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành ở trung ương, địa phương, các nghệ nhân thêu và du khách đã đến dự buổi lễ.


Tác phẩm tranh thêu lớn nhất Việt Nam Ước nguyện ngàn năm Thăng Long được khởi dựng ngày 7-10-2006 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội trong lễ hội XQ Sắc thu Hà Nội và được chín nghệ nhân thêu thực hiện trong hơn ba năm qua dưới sự chỉ đạo của nghệ nhân bàn tay vàng Hoàng Lệ Xuân. Bức tranh có chiều dài 4 m, rộng 3m, trọng lượng 167,5 kg và sử dụng khoảng 12 kg chỉ thêu, mô tả những đóa sen hồng tinh khiết hài hòa với nét cổ kính của mái ngói phố cổ và đường cong mềm mại của kiến trúc chùa chiền cùng hình ảnh sống động của đàn chim Lạc đang vỗ cánh tung bay trên nền bình minh ửng hồng và xa xa là dòng sông Hồng uốn lượn, thấp thoáng ẩn hiện khiến bức tranh vừa có vẻ đẹp thơ mộng vừa nêu bật vượng khí của vùng đất rồng bay. Ðồng chí Phạm Quang Nghị dự lễ khai trương Triển lãm Tên gọi Ðóa sen ngàn năm và chứng kiến lễ kết thúc mũi chỉ cuối cùng, hoàn thành bức tranh Ước nguyện ngàn năm Thăng Long. Ðồng chí Phạm Quang Nghị biểu dương và động viên lãnh đạo, các họa sĩ, nghệ nhân Công ty XQ Việt Nam đã lao động miệt mài, sáng tạo nên tác phẩm tranh thêu có giá trị nghệ thuật và mang nhiều ý nghĩa, thể hiện tình cảm hướng về cội nguồn, đúng vào thời điểm cả nước đang chuẩn bị cho Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.


Theo Giám đốc Công ty XQ Việt Nam Võ Văn Quân, trong dịp Ðại lễ kỷ niệm vào tháng 10 năm nay, công ty sẽ tổ chức lễ rước bức tranh từ Ðà Lạt ra tặng TP Hà Nội.


                                                                          Theo ND

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Lam Trường chững chạc, trầm tĩnh hơn

“Tôi đã trải qua nhiều cảm xúc, cả trong thất bại và cả thành công tột đỉnh. Điều mà tôi đúc kết cho mình là khi vượt qua được chính bản thân tức là mình đã thành công rồi” - ca sĩ Lam Trường chia sẻ

Cơ hội xem phim ''Đừng đốt'' dịp đầu năm

Bộ phim vừa đoạt giải Bông sen vàng có hai suất chiếu tại Viện trao đổi văn hóa Idecaf, TP HCM, từ ngày 4/1.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục