Thầy mo Xa Văn Xôm truyền lại cho con cháu những ghi chép bằng chữ Tày về nghi lễ cúng “Cơm mới” truyền thống
(HBĐT) - Trong cái lạnh se sắt của vùng cao Đà Bắc cuối tháng chạp, chúng tôi đã men theo những quanh co dốc núi giữa sương núi mịt mù để lên vùng cao Mường Chiềng cùng bà con dân tộc Tày đón tết “Cơm mới”.
Nghi lễ của tấm lòng thành kính và mong ước ấm no, hạnh phúc.
Ở vùng cao, mùa xuân dường như đến sớm hơn bởi bông hoa mơ, hoa mận đã vội vã bung nở khi cái lạnh cuối năm ùa về. Các phiên chợ tháng chạp rực rỡ sắc màu trong màu khăn, sắc áo và lá dong xanh. Cuối năm, khi ngô lúa đã chất đầy bồ, nước suối cạn trong vắt có thể nhìn thấy những con cá chui vội vào khe đá, đó là khi bà con người Tày Đà Bắc bước vào mùa tết “Cơm mới”. Với ý nghĩa tổng kết một năm sản xuất, dâng thành quả lao động cúng đất trời cầu mưa thuận gió hoà và bày tỏ sự tôn kính lên ông bà tổ tiên đã khuất, tết “Cơm mới” được tổ chức vào tháng 11,12 âm hàng năm đã trở thành một nét đẹp văn hoá độc đáo, cần được bảo tồn của bà con người dân tộc Tày. Tết “Cơm mới” là phong tục truyền thống đã được lưu truyền tự nhiên và tự nguyện từ thế hệ cha ông sang thế hệ con cháu. Cứ theo phong tục truyền thống của người Tày thì gia đình nào có “ma nhà”, có cối hương thờ cúng cha mẹ, ông bà thì hàng năm đều phải tổ chức lễ cúng “Cơm mới”.
Là lễ cúng truyền thống và quan trọng nhất trong mỗi gia đình người Tày nên tết “Cơm mới” được bà con chuẩn bị rất chu đáo, kĩ lưỡng. Anh Xa Văn Xiết (xóm Nà Mười, xã Mường Chường) vui vẻ cho biết: “Để chuẩn bị cho tết “Cơm mới”, gia đình tôi đã chuẩn bị trước từ háng tháng trời. Cầu kì nhất là đặt bẫy chuột rừng và sóc rừng để sấy khô rồi đồ lên làm lễ vật cúng. Sau đó phải đan mâm, làm đũa hoa, chuẩn bị “chỉnh rượu”.... Trong gia đình, mỗi người được phân công làm một việc, cũng là để dạy cho con cháu, sau này biết cách mà làm”. Theo cụ Xa Văn Xôm (xóm Nà Mười, xã Mường Chiềng), người đã thâm niên hơn 20 năm đi mo cho lễ cúng “Cơm mới” thì mâm cỗ cúng trong tết “Cơm mới” có những nét đặc trưng riêng cần phải thực hiện đúng. Trước tiên, mâm hình tròn phải được đan bằng nứa, mỗi lễ cúng cần từ 4 - 5 mâm. Mỗi mâm cần có 8 - 10 đôi đũa hoa vằn từng đoạn. Và mỗi mâm không thể thiếu một “chỉnh rượu” ngon mới cất cắm sẵn 8 - 10 cần trúc cùng một chiếc sừng trâu. Đồ lễ cúng trong mâm là những sản vật do bà con tự săn bắt, trồng cây được chế biến theo nguyên tắc riêng, độc đáo. Cốm được đồ từ thóc nếp non mang phơi, luộc, giã ra sau đó đem đồ. Cá suối nướng khô, đồ chín. Thịt lợn hoặc gà vịt làm chín bày trên cỗ lá. Hoa chuối băm nhỏ trộn với ruột cá (hoặc ruột chuột rừng, sóc rừng) gói thành từng gói nhỏ đem đồ. Ngoài ra, mâm cỗ cúng cần có đầy đủ khoai lang, khoai sọ, mía và quả cọ. Lễ cúng “Cơm mới” của bà con người Tày thường được tổ chức vào cuối buổi chiều và vai trò của thầy mo là rất quan trọng. Bài mo “Cơm mới” có nội dung, tuần tự, ý nghĩa riêng. Các bài mo thường kéo dài nhiều giờ đồng hồ trước sự chứng kiến của cả gia đình và hàng xóm láng giềng. Thầy mo mặc quần áo truyền thống của người dân tộc Tày và sử dụng một chiếc quạt khi mo.
Điểm độc đáo trong tết “Cơm mới” của người Tày còn cần phải kể tới những điệu múa truyền thống cần có trong nghi lễ. Bài múa trong tết “Cơm mới” gồm có hai phần: múa gõ máng (keng - loóng) và múa hoa. “Keng - loóng” là tên điệu múa gồm có 8 người thiếu nữ mặc áo đỏ, váy hoa sử dụng chày giã gạo gõ vào máng giã gạo của mỗi gia đình dưới gậm sàn tạo thành những nhịp điệu vui tai, rộn rã. Múa hoa thì lại nhộn nhịp, vui mắt bởi trang phục rực rỡ, nhiều hoạ tiết, phụ kiện cầu kỳ của các cô gái trong đội múa. Cùng với mâm cỗ dâng lên cúng đất trời, ông bà tổ tiên thì những điệu múa truyền thống độc đáo đã thể hiện niềm vui, mong ước về một năm mới tốt lành, gặp nhiều may mắn, thóc lúa đầy bồ của bà con người Tày trong lễ hội “Cơm mới”. Sau khi điệu múa kết thúc, thầy mo hoàn thành phần mo mời trầu, tiễn ông bà tổ tiên “đi ngủ” thì mâm cỗ được dọn ra. Gia chủ cùng họ hàng, làng xóm nâng cao chén rượu tổng kết một năm thành công và rộn rã những lời chúc tụng bước sang năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu.
Giữ nét văn hoá trong mỗi nếp nhà
Mang theo sự háo hức, chúng tôi đã ngược lên Mường Chiềng để được cùng bà con nơi đây đón tết “Cơm mới”. Nhưng có lẽ là một chút hụt hẫng và một chút chạnh buồn khi chúng tôi nhận ra rằng tết “Cơm mới” đã không chống đỡ lại dòng cuốn của thời gian và sự xô bồ của xã hội. Bởi phần hồn của nghi lễ truyền thống này e rằng đã mất đi đến quá nửa. Vì tuy có đến hơn 90% số hộ gia đình người Tày ở xã Mường Chiềng vẫn còn duy trì việc tổ chức tết “Cơm mới” nhưng nghi lễ này đã được giản lược đi rất nhiều. Có chăng sự khác biệt với các lễ cúng khác chỉ là ở việc có mặt của thầy mo và sự tươm tất của mâm cỗ cúng. Mang những trăn trở, ngậm ngùi và cả nuối tiếc trao đổi cùng đồng chí Nguyễn Thị Đinh - Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Đà Bắc, chúng tôi được chị cho biết thêm: “Người Tày ở Đà Bắc chủ yếu là người Tày di cư ở nơi khác đến, tuy nhiên bà con vẫn giữ được những phong tục tập quán của dân tộc, trong đó có tết “Cơm mới”. Nhưng hiện nay, chỉ có bà con ở khu vực Mường Chiềng và xã Tu Lý là còn duy trì được nghi lễ này tương đối đầy đủ. Một phần do kinh tế cũng còn nhiều khó khăn, không thể sắm sang đầy đủ mâm lễ cúng, phần khác vì nhận thức của bà con, nhất là giới trẻ về việc giữ gìn văn hoá truyền thống cũng còn nhiều hạn chế.
Mặt khác, số các thầy mo - những người hiểu rõ về tết “Cơm mới” của Đà Bắc hiện nay chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay và các cụ đều đã cao tuổi, thế hệ thầy mo trẻ kế tục thì vô cùng hiếm hoi. Không có thầy mo cầm trịch thì sẽ không thể có một lễ cúng “Cơm mới” theo đúng ý nghĩa văn hoá tâm linh của bà con dân tộc Tày. Trong câu chuyện của những già làng Mường Chiềng kể lại thì từ những năm 53, 54 khi giặc Pháp xâm chiếm đã đốt cháy làng. Và trang phục của các thầy mo, những bộ váy sặc sỡ trong các điệu múa, cùng rất nhiều chỉnh rượu, đồ nghi lễ...được truyền từ đời nọ sang đời kia đã bị đốt sạch. Sau đó, thầy mo đi mo phải mặc quần áo bình thường, các điệu múa trong nghi lễ dần mai một vì thiếu phục trang nhạc cụ và bây giờ thì đã hoàn toàn biến mất.
Ngày nay, Tết “Cơm mới” trong các gia đình người Tày huyện Đà Bắc chỉ còn được giữ lại được chút phần hồn trong mâm cỗ cúng truyền thống với những sản vật của núi rừng, nương lúa. Từng năm trôi qua, số hộ gia đình tổ chức cúng tết “Cơm mới” lại ngày càng giảm đi. Nuối tiếc cho một nét văn hoá đẹp đang bị mai một, đồng chí Quách Văn Ạch, Phó giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch ngậm ngùi: Tết “Cơm mới” là một nghi lễ nông nghiệp truyền thống, thể hiện nét đẹp văn hoá độc đáo của bà con dân tộc Tày. Trước đây, nghi lễ này được tổ chức ở qui mô lớn, rầm rộ trong mọi gia đình người Tày nhưng giờ đây, do nhiều tác động khách quan cũng như chủ quan của xã hội, tết “Cơm mới” chỉ còn được duy trì trong một số gia đình và có nguy cơ mai một ở thế hệ trẻ. Để giữ lại tết “Cơm mới”, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương nên tích cực tuyên truyền, tạo điều kiện cho bà con tổ chức nghi lễ. Nhưng trước tiên, muốn giữ lại nét văn hoá này, mỗi bà con người dân tộc Tày cần nâng cao ý thức và niềm tự tôn dân tộc. Là một nghi lễ diễn ra trong từng gia đình nên chính gia đình mỗi bà con sẽ quyết định sự tồn vong của nghi lễ. Văn hoá dân tộc Tày nói riêng cũng như văn hoá của các dân tộc khác nói chung cần được bảo tồn và gìn giữ ngay từ trong mỗi nếp nhà, bắt đầu trong ý thức mỗi người dân.”
Dương Liễu
(HBĐT) - Xuân về trăm hoa đua nhau khoe sắc. Khắp mọi nẻo đường từ TP Hoà Bình đến các huyện bừng nở sắc hoa xuân. Hoa xuân gõ cửa làm tăng thêm vẻ đẹp, sự đầm ấm, hạnh phúc của mỗi gia đình và từ lâu chơi hoa đã trở thành một thú chơi tao nhã.
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã làm tôi thật sự ngưỡng vọng khi nghe trọn an-bum ca nhạc Lúng Liếng Trang Nhung được Viết Tân Studio phát hành dịp Tết Canh Dần năm nay. Những miền quê đáng yêu, đáng nhớ dọc dài đất nước đã lay gọi niềm cảm hứng của người nhạc sĩ tài hoa. 12 ca khúc trong an-bum đưa người yêu nhạc du xuân ngắm cảnh quan đất nước trong rạo rực hương sắc năm mới.
Tất cả những bi kịch đều bắt đầu từ lòng thù hận. Người ta có thể tự mở cho mình một lối thoát nếu như biết tha thứ cho nhau. Đó chính là thông điệp mà vở kịch này muốn chuyển đến người xem
Giáp Tết Canh Dần, tôi có dịp về quê với bộn bề công việc của gia đình, họ tộc. Song tôi cũng tranh thủ ít thời gian ngắn ngủi gặp gỡ trò chuyện cùng Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Lan Hương (ảnh), để được nghe cảm xúc của một liền chị đã có nhiều tâm huyết gắn bó với dân ca quan họ, nhân dịp quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận: Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Hoa hậu châu Á tại Mỹ 2006 diện đầm trắng nền nã, đến dự tiệc tất niên cùng các chân dài của công ty Venus.
(HBĐT) - Bao đời nay, người Mường ngoài sử dụng lịch thông thường còn sử dụng lịch Đoi. Lịch Đoi giúp tránh nhưng ngày xấu trong năm và chọn được những ngày đẹp để làm việc lớn như dựng vợ, gả chồng... Đây là bộ lịch của người Mường sử dụng được đúc kết từ nhiều đời.