Tất cả những bi kịch đều bắt đầu từ lòng thù hận. Người ta có thể tự mở cho mình một lối thoát nếu như biết tha thứ cho nhau. Đó chính là thông điệp mà vở kịch này muốn chuyển đến người xem
Không đi theo xu hướng tiếng cười thường thấy vào mỗi dịp Tết, “bà bầu” Hồng Vân lại chọn vở bi kịch mang hơi hướng kinh dị Giếng lạ cho mùa kịch Tết năm nay (vở do chính NSƯT Hồng Vân đạo diễn, công diễn suất đầu tiên vào đêm 7-2 vừa qua, tại rạp Kim Châu - TPHCM).
Giếng lạ là những nỗi đau hằn sâu trong tâm thức mỗi nhân vật, dồn nén họ trong lòng thù hận bức bối đến cùng cực, tất cả đều lao vào vòng xoáy hận thù bất chấp sự hiện hữu và hạnh phúc của chính mình.
Từ lòng thù hận
Chọn hình ảnh cái giếng làng – nơi bí mật chôn giấu tội ác và cũng chính là nỗi ám ảnh suốt đời của các nhân vật – vở kịch ngay từ đầu đã tạo được tâm điểm chú ý cho khán giả. Cái giếng lặng im và vô tri nhưng lại như một vật hiện hữu có linh hồn khi suốt mười mấy năm trời đi qua bao nhiêu đổi thay của lòng người, chứng kiến những thăng trầm của cuộc sống và cả những toan tính tội ác của con người.
Lòng người cũng như lòng giếng đen tối và thăm thẳm sâu không thể nhìn rõ được sự thật cũng như bản chất thật của chính những con người rất gần bên cạnh mình.
Với Giếng lạ, hai tác giả kịch bản còn rất trẻ Phạm Tân và Tuấn Anh đã rất biết cách tạo ra điểm nhấn thu hút và sự hồi hộp cho người xem xuyên suốt vở: Đó là chiếc giếng vừa như bình thường vừa thâm u bí hiểm vừa lãng mạn trước mối tình thơ ngây vừa đáng sợ khi giữ trong lòng nó tội ác tày trời của con người.
Phân cảnh nào cũng có sự xuất hiện của cái giếng – như một nhân chứng sống. 16 năm trước, gã Lực Điền (Xuân Trang đóng) đã gây tang tóc cho một gia đình hạnh phúc, hắn giết chồng, cướp vợ người ta tàn nhẫn rồi cho người thủ tiêu cả đứa con. 16 năm sau, trong căn nhà, những tưởng là giàu có êm ấm, với kẻ hầu người hạ đó là những cơn sóng ngầm cứ ào ạt từng đợt với sức bung phá dữ dội, phá tan tất cả những hạt mầm hạnh phúc.
Trịnh Kim Chi (trái) và Xuân Trang trong Giếng lạ
Tất cả những bi kịch đều bắt đầu từ lòng thù hận. Người ta có thể tự mở cho mình một lối thoát nếu như biết tha thứ cho nhau. Nhưng nỗi đau hằn sâu đã giết chết những trái tim bao dung, để cho lòng thù hận ngự trị và trở thành tội ác. Ba người phụ nữ - những mảnh vỡ hạnh phúc - làm thành một tam giác định mệnh mà xoay tròn trong vòng số phận nghiệt ngã ấy lại chính là một tâm hồn trẻ thơ non nớt của cô bé Bạch Thủy (Hoàng Thy đóng).
Nỗi đau chung của phụ nữ
Cả 3 người phụ nữ đều mang số phận đắng cay, trái tim bị tước đoạt hạnh phúc, mất niềm tin vào cuộc sống và trong lòng chỉ có nỗi sợ hãi và lòng thù hận. Một Quỳ (Trịnh Kim Chi đóng) vì cái hận giết chồng, giết con mà rắp tâm trả món nợ máu bằng chính cả cuộc đời xuân sắc của mình.
Một Xuyến (Lan Phương đóng) vì sự ruồng rẫy của người chồng sau đêm tân hôn đã lồng lộn điên cuồng trở thành một phụ nữ đầy mưu mô, xảo quyệt. Một Ngọ (Vân Anh đóng) từng sống đời cam phận với sự sắp xếp an bài của số phận bỗng trở thành một người đàn bà đau đớn luôn sống trong nỗi sợ hãi và sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ con mình.
Lan Phương, Trịnh Kim Chi - hai nhân vật mang nỗi đau làm nên tâm bão - đã để lại ấn tượng mạnh với người xem. Quỳ chấp nhận lả lơi với người đã giết chồng, giết con và cưỡng hiếp mình để dần hủy hoại sinh lực sống của hắn bằng những chén thuốc độc hủy hoại tứ chi, đẩy gia đình hắn vào cảnh bi đát và để chính kẻ thù đứng trước lằn ranh sống chết, giữa tình thâm máu mủ mà thú nhận tội ác tày trời của mình.
Còn Xuyến “mua” được chồng nhưng không mua được tình yêu của người đàn ông đã quá kinh sợ khi biết vợ mình thất tiết. Cả Quỳ và Xuyến đều trở nên tàn nhẫn, thâm hiểm vì nỗi đau quá sức chịu đựng – đó là nỗi đau chung cho số phận của người phụ nữ thời đại trước.
* * *
Giếng lạ thật sự là một vở diễn lạ, không gian là hình ảnh của đồng quê Bắc bộ xưa, phục trang của diễn viên cũng ở thời “lý trưởng, chồng chúa vợ tôi” cùng với giai điệu của bài hát Bèo dạt mây trôi xoay nỗi buồn quanh số phận của các nhân vật đã đưa khán giả vào một không gian khác cùng nỗi đau của con người của thời đại trước.
Lòng thù hận sẽ là cánh cửa khép lại mãi mãi con đường hạnh phúc. Trả được hận thù cũng không phải là một phép cộng cho lòng người thanh thản mà chính là một phép trừ vào hạnh phúc vốn dĩ rất mong manh. Người có thể hả hê khi mối thù được trả nhưng gánh nặng cảm xúc không nhẹ nhàng đi mà sẽ lại oằn nặng hơn một nỗi đau khác – đó là sự tê tái đắng đót đến vô cùng của một tâm hồn bị tổn thương, mất mát. Giữ trong lòng những toan tính ân oán trả vay cũng có nghĩa là con người tự để mình bước lạc vào đường về nỗi đau.
Chưa đẩy đến đỉnh điểm Tuy nhiên, điểm yếu của Giếng lạ chính là tiết tấu khá chậm, có nhiều tình tiết buộc khán giả phải chờ đợi không cần thiết. Thêm vào đó, việc sử dụng yếu tố kinh dị như tiếng ếch kêu, khói bay, những tiếng động lạ trong lòng giếng và cả những bóng người trong đêm hoang vắng cũng chưa tạo được hiệu ứng và ý nghĩa triệt để cho yếu tố kinh dị. Bi kịch còn thiếu cao trào. Tội ác chưa thật sự được đẩy đến đỉnh điểm của sự kinh sợ và đớn đau. Và cũng chính vì để cho tất cả các nhân vật phải gánh vác một nỗi riêng mang mà vở kịch vốn gói gọn trong thời gian chưa đến 3 giờ đã không thể lột tả được hết đến tận cùng những nỗi đau đó. |
Theo NLĐ
Trung tâm Thông tin - Triển lãm (Sở VHTTDL Hà Nội) là đơn vị được giao nhiệm vụ tuyên truyền cổ động trực quan, góp phần tạo không khí lễ hội cho thành phố.
Xuân Canh Dần 2010 là bắt đầu cho một thập kỷ mới. “Đổi mới & hội nhập” là tiêu chí mà ngành đã, đang và sẽ tiếp tục hướng tới để có một vị trí xứng đáng trên bản đồ điện ảnh khu vực và thế giới.
Ăn Tết trước khi bước vào mùa diễn, nghệ sĩ không quên san sẻ tình thương với những mảnh đời bất hạnhNăm nào cũng vậy, giới nghệ sĩ thường đón Xuân sớm. Tết của nghệ sĩ bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp, sau khi đưa “ông Táo về trời”. Họ vui Xuân đến 29 tháng chạp để sau đó tất bật với lịch biểu diễn cho đến rằm tháng giêng.
(HBĐT) - Nhớ lại lần đầu tiên cầm tờ báo Hòa Bình trên tay, anh Xa Văn Thánh ở xóm Diều Bồ xã Tân Minh huyện Đà Bắc vẫn còn cảm giác lâng lâng khó tả. Bởi lẽ ngày đó có từ báo đọc là “oai” lắm.
Năm nào cũng vậy, Hãng phim VFC luôn có kế hoạch thực hiện một số phim truyện và chương trình giải trí đặc biệt để phát sóng trong những ngày xuân với mong muốn đem đến cho khán giả những phút giây thực sự thư giãn, vui vẻ. Chúng tôi đã trao đổi với đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Hãng phim VFC về những chương trình này.
Với những gì đang có của điện ảnh Việt Nam, việc thực hiện một dự án phim lịch sử có tầm vóc không hề đơn giản, nếu không muốn nói là sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của cũng như hạn chế về khả năng sáng tạo