Tiếp theo chương trình "Ngày Việt Nam" tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Italy, trong dịp đầu Xuân Canh Dần 2010, "Những ngày Việt Nam" đã được tổ chức tại New Delhi, Thủ đô nước Cộng hòa Ấn Ðộ, trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng tại nước bạn theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Ấn Ðộ.
Tuy cách xa nước ta gần 4.000 km, nhưng Ấn Ðộ lại có những nét tương đồng về văn hóa, phong tục, tập quán. Với số dân trên 1,2 tỷ người, đây là một thị trường đầy tiềm năng, hứa hẹn thu hút đầu tư vào nước ta những ngành nghề mà Ấn Ðộ có kinh nghiệm như: Sản xuất thép, đóng tàu, đường sắt, công nghệ thông tin và là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam như: da giày, dệt may, chế biến lương thực, thực phẩm vào thị trường các nước Tây Bắc Á.
Là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành T.Ư tổ chức chương trình "Ngày Việt Nam" ra nước ngoài, đồng chí Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: "Những Ngày Việt Nam tại Ấn Ðộ" là một chương trình tổng thể giới thiệu đất nước con người Việt Nam, tiềm năng đầu tư phát triển và trực tiếp đưa đến bạn bè Ấn Ðộ những giá trị nghệ thuật thông qua triển lãm ảnh "Việt Nam quê hương tôi" cùng chương trình ca múa nhạc đặc sắc, giúp cho bạn bè Ấn Ðộ hiểu rõ hơn về nét đẹp truyền thống, về lịch sử, tiềm năng của đất nước con người Việt Nam.
Trong đại sảnh của khách sạn Le Ma Ri Dien tại Thủ đô New Delhi, hơn 200 quan khách, bạn bè Ấn Ðộ đã nồng nhiệt vỗ tay chào mừng các tiết mục nghệ thuật của Ðoàn Ca múa nhạc Trung ương. Ðặc biệt khi nghệ sĩ Trần Thị Huyền Trang trình diễn độc tấu đàn bầu bài dân ca Cánh đồng quê của Ấn Ðộ thì bạn bè Ấn Ðộ trong khán phòng đứng cả lên vỗ tay hoan hô. Ông Gia-ăng-ti Gô-ê-la, Giám đốc điều hành Công ty SS Foundry Chemical Industries nói với chúng tôi: "Âm hưởng của tiếng đàn bầu quá gần gũi với quang cảnh đồng quê của chúng tôi, tiếng réo rắt, sâu lắng của loại nhạc cụ đặc sắc này của các bạn Việt Nam đã thể hiện giá trị nghệ thuật của bài dân ca Ấn Ðộ".
Ðể đưa đoàn nghệ thuật tổng hợp với gần 30 ca sĩ, diễn viên, nhạc công sang Ấn Ðộ biểu diễn, Nhà hát Ca múa nhạc T.Ư đã tạo điều kiện tốt nhất để anh, chị, em luyện tập. Khi sang đến Ấn Ðộ, đoàn đã phải đến sớm để làm quen với sân khấu, ánh sáng, tổng duyệt các tiết mục từ 12 giờ trưa ngày 25-2 (ngày diễn ra đêm Galadiner).
Ðồng chí Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết thêm: "Lãnh đạo Bộ rất quan tâm đến chuyến đi này của đoàn. Quan điểm chỉ đạo của Bộ là chương trình phải mang tính tổng hợp, tính đa dạng của nghệ thuật ca múa nhạc Việt Nam, phải thể hiện được những giá trị đặc sắc nghệ thuật của các vùng miền trong cả nước, của các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam".
Trong khuôn khổ các chương trình "Ngày Việt Nam" tại Ấn Ðộ, đã diễn ra hai cuộc hội thảo về kinh tế - thương mại giữa hai nước, do VCCI và Liên đoàn Công nghiệp Ấn Ðộ (FICCI) phối hợp tổ chức. Ðây là đoàn doanh nghiệp thứ ba của Việt Nam do VCCI tổ chức nhằm xúc tiến thương mại và đầu tư. Các doanh nghiệp hai nước đều có cảm nhận về tiềm năng hợp tác là rất lớn. Song do những lý do khách quan nên cán cân thương mại giữa hai nước còn nghiêng quá nhiều về phía Ấn Ðộ. Chúng ta chỉ xuất khẩu được trên 400 triệu USD trong khi phải nhập khẩu tương đương hai tỷ USD. Nói như ngài
Mu-a-na, Ðại sứ Ấn Ðộ tại Việt Nam: "Trách nhiệm của chúng ta là làm giảm thâm hụt thương mại của Việt Nam". Theo đồng chí Hồ Thị Kim Thoa, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Ðiện quang: "Ấn Ðộ là một thị trường lớn, tuy nhiên do những lý do khách quan như Hiệp định thương mại tự do giữa Ấn Ðộ với các nước ASEAN đến năm 2012 mới có hiệu lực nên có rất nhiều loại thuế được dựng lên để bảo hộ thị trường trong nước. Ðiện quang xuất khẩu bóng đèn compact bị thuế quan Ấn Ðộ kiện bán phá giá. Do đó nếu hàng hóa Việt Nam muốn vào được thị trường Ấn Ðộ, cần có những văn bản thỏa thuận riêng giữa Chính phủ, các bộ, ngành hai nước".
Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI: "Ðể thực hiện hiệp định hợp tác là đối tác chiến lược giữa hai nước, cần phải thành lập hội đồng hỗn hợp giữa doanh nghiệp hai nước để triển khai và thực hiện chỉ đạo, cam kết của hai Chính phủ". Với trách nhiệm là cầu nối giữa doanh nghiệp hai nước, VCCI sẽ cung cấp thông tin về môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp hai nước nhằm tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp hai nước cùng phát triển, cùng gặt hái được hiệu quả và thành công, TS Lộc nhấn mạnh.
Bốn ngày tham gia chương trình "Ngày Việt Nam" tại Ấn Ðộ đã khép lại, nhưng phía trước là thực hiện những thỏa thuận, cam kết của lãnh đạo Quốc hội, Nhà nước Ấn Ðộ quyết tâm xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, vì sự phồn thịnh của nhân dân hai nước. Qua các cuộc tiếp xúc, phía Ấn Ðộ đánh giá cao đường lối đổi mới hơn 20 năm qua của nước ta. Cộng đồng doanh nghiệp nước ta cần kiên trì và có những bước đi mạnh mẽ để xuất khẩu sang Ấn Ðộ những loại hàng hóa mà Việt Nam có thế mạnh như: giày dép, dệt may, nông sản thực phẩm, đồ điện gia dụng. Nhưng lớn hơn là nhanh chóng tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghệ cao, phát triển nguồn nhân lực mà Ấn Ðộ là một đất nước có nhiều kinh nghiệm.
Theo Báo Nhandan
(HBĐT) - Cái tên rượu cần có lẽ xuất phát từ cách uống vô cùng độc đáo của người dân miền núi. Bà con người dân tộc dùng loại cây trúc đã được thông ruột, dài khoảng 1m cắm vào đáy vò để uống.
Trong các lễ hội xuân đầu năm, người Mông tại Mộc Châu, Sơn La thường tổ chức những cuộc thi đánh yến.
Cho tới thời điểm này, dù các rạp phim vẫn chưa đóng cửa hoàn toàn với các phim chiếu Tết nhưng xem như số phận các bộ phim đều đã an bài.
Đây là lần đầu tiên một triển lãm toàn cảnh báo chí Việt Nam được tổ chức ở nước ngoài, đánh dấu một bước tiến mới trong sự hội nhập và phát triển của truyền thông Việt Nam trên trường quốc tế.
Một loạt phim Việt nhiều hứa hẹn sẽ ra mắt trong mùa hè năm nay.
Nếu tình trạng bán sách tại các nhà sách chậm chạp bao nhiêu thì tại Ngày thơ VN vừa diễn ra tại Văn Miếu (Hà Nội) sách bán chạy bấy nhiêu. Loại “sách” bán chạy nhất phải kể đến là Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ.