Nghệ sĩ Thanh Ngoan đang biểu diễn.
Tưởng chừng như một điều thật đơn giản với một nhà hát tầm cỡ quốc gia khi có một cơ ngơi, không gian diễn xướng ở một vị trí đẹp, song để rạp Kim Mã luôn sáng đèn cũng chẳng phải là điều đơn giản nhưng nó lại đang là quyết tâm lớn của tập thể Nhà hát Chèo VN.
Và giờ này, ước mơ đang dần thành hiện thực khi tại rạp Kim Mã, sân khấu lớn và sân khấu nhỏ luôn sẵn sàng đón đợi khách đến để phục vụ. Nhân dịp đầu xuân mới, chúng tôi có cuộc trò chuyện với NSƯT Thanh Ngoan, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo VN.
- Sáng đèn thường xuyên, lẽ ra Nhà hát phải làm việc này từ lâu mới phải chứ?
Thực ra đây là mong muốn của Nhà hát từ lâu rồi, nhưng chưa thực hiện được vì Nhà hát luôn trong tình trạng tu sửa. Cho tới cuối năm 2009, khi rạp đã xong tương đối, chúng tôi đã quyết định đưa rạp vào hoạt động. Tại đây sẽ thường xuyên đỏ đèn ở một trong hai sân khấu lớn và sân khấu nhỏ tuỳ thuộc vào số lượng và yêu cầu của khán giả. Mục đích của sân khấu là để bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống, bên cạnh đó muốn tạo một điểm đến cho người Việt cũng như khách nước ngoài muốn tìm hiểu về nghệ thuật dân gian truyền thống VN. Đến Hà Nội hiện nay, nhiều người nghĩ ngay tới rối nước, chúng tôi muốn tạo thêm một địa chỉ như thế, bên cạnh rối nước cho du khách khi đến với Hà Nội.
- Nhà hát định giới thiệu những đặc sản gì tới khán giả, thưa chị?
Tất nhiên trọng tâm sẽ là chèo, chủ yếu là các trích đoạn chèo cổ truyền thống đặc sắc. Vì là chương trình mang tính chất bảo tồn, giới thiệu những đặc sắc nên chúng tôi giữ nguyên phong cách cổ, chỉ nâng tầm nghệ thuật của các tiết mục lên một bước để dễ tiếp cận hơn với khán giả. Chúng tôi đã chuẩn bị kịch mục đặc sắc với các trích đoạn kinh điển như Thị Màu lên chùa, Tuần Ty Đào Huế, Suý Vân giả dại... bên cạnh những trích đoạn hài chèo như Theo thầy, Thầy đồ dạy học và cả những trích hài chèo mang hơi thở mới. Rộng hơn, chúng tôi còn giới thiệu những đặc sản âm nhạc truyền thống VN với chầu văn, hát xẩm, ca trù, những làn điệu dân ca đồng bằng Bắc Bộ... Riêng về hát văn, lần đầu giới thiệu trên sân khấu thêm 3 giá đặc sắc nữa là Chúa Thác Bờ, Ông Hoàng Mười và Chầu Bé...
- Một chương trình với kịch mục thật đa dạng, chị có tự tin với dàn diễn viên của mình?
Nhà hát chèo VN có dàn diễn viên, nhạc công đủ mạnh để có thể giới thiệu tới khán giả nghệ thuật truyền thống một cách tốt nhất. Ở sân khấu này, chúng tôi lấy dàn diễn viên của Nhà hát làm nòng cốt... Bên cạnh đó, Nhà hát cũng mời những nghệ sĩ xuất sắc ở các lĩnh vực âm nhạc khác nhau như ca trù, hát xẩm để cùng tham gia biểu diễn.
- Vẫn biết để ra đời một chiếu chèo, lại quyết tâm đỏ đèn thường xuyên là một cố gắng lớn, nhưng làm sao để hút khán giả tới cũng là một vấn đề?
Trước Tết Nguyên đán Canh Dần 2010, chúng tôi tạm chọn 2 ngày diễn 5 và 6/2. Sau Tết thì bắt đầu sáng đèn vào đêm mồng 6 - 7 - 8 Tết. Khi đã đi vào quy củ, chúng tôi sẽ có lịch diễn cố định hàng tuần. Nhà hát đang gấp rút quá trình hoàn thành một trang web riêng, bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ của các công ty truyền thông. Họ vừa góp phần quảng bá đồng thời kết hợp cùng chúng tôi trong việc bán vé.
- Bán vé! Chị có nghĩ để thu hút được người tới mua vé vẫn còn là một điều nan giải hiện nay không?
Chắc chắn giai đoạn đầu sẽ khó khăn. Bởi, nghệ thuật truyền thống từ trước đã quen với việc mang vé đi mời mà còn không đến rạp đông huống chi giờ còn bán vé. Thế nhưng chúng tôi nghĩ rồi khán giả cũng sẽ quen với việc đi xem chèo bỏ tiền ra mua vé.
- Có thể cảm nhận từ cách nói của chị một tinh thần đầy tự tin, có vẻ như nghệ thuật chèo đã sắp qua cơn lao đao đi tìm khán giả?
Tôi thấy rất tự tin. Tôi có thể khẳng định chèo đang hồi sinh. Cứ thử nhìn vào lịch diễn của đoàn tôi, ra Giêng, cả hai đoàn nghệ thuật của Nhà hát đã kín lịch mời diễn của các làng xã, mà giờ đây họ đều yêu cầu những vở chèo cổ hay những giá đồng với lối hát múa cổ..., thế thì mong muốn sân khấu này sẽ có những khởi sắc cũng không phải là cái gì hão huyền cả.
- Cảm ơn chị và chúc cho chiếu chèo đỏ đèn thường xuyên!
Theo Báo SKĐS
Đây là lần đầu tiên một triển lãm toàn cảnh báo chí Việt Nam được tổ chức ở nước ngoài, đánh dấu một bước tiến mới trong sự hội nhập và phát triển của truyền thông Việt Nam trên trường quốc tế.
Một loạt phim Việt nhiều hứa hẹn sẽ ra mắt trong mùa hè năm nay.
Nếu tình trạng bán sách tại các nhà sách chậm chạp bao nhiêu thì tại Ngày thơ VN vừa diễn ra tại Văn Miếu (Hà Nội) sách bán chạy bấy nhiêu. Loại “sách” bán chạy nhất phải kể đến là Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ.
Quế Trân lớn lên theo từng bước dìu dắt, nâng đỡ của cha - NSND Thanh Tòng - và chưa bao giờ cô làm buồn lòng cha, dù chỉ là một chuyện nhỏ
Lần đầu tiên ở Tây Nguyên có một lễ hội văn hoá dân gian Việt Bắc, do huyện Krông Năng (Đắc Lắc) tổ chức vào ngày rằm tháng giêng năm Canh Dần (28.2). Có thể nói: Đây là một cách làm mới mẻ, đặc sắc, mang lại nhiều ý nghĩa trong đời sống cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.
(HBĐT) - Nhân kỷ niệm ngày Thơ Việt Nam (15/1 âm lịch), ngày 28/2, Hội VHNT Tỉnh đã tổ chức đêm thơ "Hoà Bình hướng về đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội". Tham gia đêm thơ ngoài các hội viên Hội VHNT tỉnh còn có câu lạc bộ thơ Chăm Mát, CLB thơ Sông Đà, CLB thơ phường Đồng Tiến, CLB văn nghệ huyện Đà Bắc...