- LTS - Nhà thơ Hữu Loan - tác giả bài thơ Màu tím hoa sim nổi tiếng, tên thật là Nguyễn Hữu Loan, sinh năm 1916, vừa tạ thế ngày 18-3-2010 tại quê nhà ở thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh (Nga Sơn, Thanh Hóa). Ðể tưởng nhớ một nhà thơ đã để lại dấu ấn văn chương sâu đậm trong nhiều thế hệ người đọc, chúng tôi xin giới thiệu bài viết có tính hồi ức của nhà lý luận - phê bình TS Chu Văn Sơn kể về một lần gặp Hữu Loan.
Ðúng là nhìn cảnh sống của ông, xem phong thái của ông thấy có một cái gì đã bị hư hoại đi. Nhưng, nghe ông nói, vẫn thấy có một Hữu Loan không dễ gì hư hoại. Sau khi cô con dâu giúp ông pha nước đãi khách, ông hỏi lý do chúng tôi đến chơi. Ðược biết chúng tôi đều là dân văn chương, chỉ vì ngưỡng mộ tác giả Màu tím hoa sim, Ðèo Cả mà tìm đến chứ không phải để phỏng vấn phỏng viếc gì, ông rất mừng và tỉnh hẳn. Ông kể cho chúng tôi nghe những chuyện đời mình. Kỷ niệm vô cùng lãng mạn với cô Lê Ðỗ Thị Ninh, khi ông "yêu nàng như yêu em gái" và hình ảnh chú rể độc đáo dận "đôi giày đinh bết bùn đất hành quân". Kỷ niệm kinh hoàng khi được tin người vợ "bé bỏng chiều quê" chết trên sông. Những ngày cùng Văn Cao thức trắng ba đêm đi quanh hồ Hà Nội để rồi dứt bỏ tất cả vinh hoa lẫn phù hoa trở về Vân Hoàn thồ đá. Ông kể chuyện Phạm Duy đến chơi rồi đánh giá rất thẳng thắn hai ca khúc của Phạm Duy và của Dũng Chinh cùng phổ bài Màu tím hoa sim của ông. Chỗ nào cần rõ ý, bà vợ ông ngồi cạnh lại phụ họa thêm. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên vì thấy ông có một trí nhớ rành rọt đến vậy. Và quan trọng hơn là vỡ lẽ này: hóa ra vẫn thế. Vẫn là con người khảng khái cứng cỏi, yêu ghét phân minh. Vẫn là con người chính trực không nề hà an nguy. Vẫn là một người dám sống với sự thật và những niềm tin lớn... Nghe ông nói, cứ thấy sống lại cái không khí Ðèo Cả. Cứ thấy đằng sau cái vóc dạng đang hao mòn đi kia vẫn còn nguyên hình ảnh anh vệ quốc quân ngày nào Nam tiến, kiêu hùng trên Ðèo Cả:
Những người đi Nam Tiến
Dừng lại đây giữa đèo núi quê hương
Tóc tai trùm vai rộng
Không nhận ra người làng
Rau khe cơm vắt áo pha màu sa trường
Ngày thâu vượn hót Ðêm canh gặp hùm lang thang
Gian nan lòng không nhợt
Căm hờn trăm năm xa
Máu thiêng trôi dào dạt
Từ nguồn thiêng ông cha
Sau mỗi trận thắng
Ngồi bên suối đánh cờ
Kẻ hái cam rừng ăn nheo mắt
Người vá áo thiếu kim mài sắt
Người đập mảnh chai vểnh cằm cạo râu
Thì ra, cuộc sống có thể bào mòn lớp vỏ, có thể làm hư nát lớp xơ. Còn cái lõi, cái cốt thì không dễ gì hủy hoại. Hữu Loan có thể là một anh thồ đá, có thể là một lão nông. Nhưng Hữu Loan vẫn là Hữu Loan. Chất người Hữu Loan chính là văn hóa. Cái chất người ấy, cái văn hóa ấy đã giúp ông có được những trang báo chính trực, những trang truyện sắc sảo, những trang thơ Ðèo Cả, Yên Mô, Hoa Lúa, Những làng đi qua, Màu tím hoa sim... Cái chất người Sau mỗi trận thắng - Ngồi bên suối đánh cờ - Kẻ hái cam rừng ăn nheo mắt - Người vá áo thiếu kim mài sắt - Người đập mảnh chai vểnh cằm cạo râu đã giúp ông bền bỉ thồ đá suốt hơn nửa thế kỷ ở Vân Hoàn. Không có cái chất người ấy, chắc ông không thể sống trọn cuộc đời một ẩn sĩ hiện đại của mình.
Sau khi tặng ông chút quà và xin ông được chụp vài kiểu ảnh làm kỷ niệm, chúng tôi ra về lòng vừa ngậm ngùi, vừa kính nể. Tôi nhớ đến Nguyên Hồng, vì thấy cả khuôn mặt, thân phận lẫn tinh thần, hai vị ấy có gì đó thật giống nhau. Họ đều là những nghệ sĩ tài danh, những ẩn sĩ của thời hiện đại này, đều là những "viên kim cương". Tôi chợt nghĩ đến hình ảnh kim cương bởi đã là kim cương thì không dễ gì hư hoại. Và tôi hiểu hơn về khái niệm văn hóa.
Bây giờ, sau 95 năm sống một cuộc đời đầy cực nhọc với trần gian này, ông đã đi xa. Số phận đã làm xong phần việc cuối cùng của nó là làm hư hoại hoàn toàn một sinh mệnh. Nhưng "chất kim cương" Hữu Loan thì không dễ gì mất. Chừng nào người ta còn nói đến nhân cách một nghệ sĩ, một kẻ sĩ, thì cái tên Hữu Loan hẳn sẽ còn lấp lánh ánh kim cương.
Theo ND
Đến nơi nhiều người xót xa khi thấy tấm bảng "Mộ Thần thái giám - Di tích cổ truyền" (tỉnh Bình Thuận) nằm chỏng chơ giữa bãi đất nhếch nhác, um tùm cỏ dại, phía trước là dòng nước hôi hám vương đầy bọc nilông, phân bò và đủ thứ hầm bà lằng. Không thể bước vào di tích bằng cổng chính, khách phải đi đường vòng, qua nhà cửa lố nhố.
Hữu Loan là nhà thơ cách mạng và là nhà cách mạng thơ. Hữu Loan cũng là nhà thơ táo bạo, cùng với Phùng Quán làm những bài thơ chống tiêu cực, mở ra một quan niệm mới cho thơ tiếp cận đời sống xã hội cần lao
(HBĐT) - Trong hai tháng đầu năm 2010, Thư viện tỉnh đã duy trì nề nếp mở cửa, phục vụ trên 6.000 lượt bạn đọc với 10.000 lượt sách báo luân chuyển. Hàng tháng, thư viện đều thực hiện lược thuật báo, tạp chí Trung ương viết về Hoà Bình (100 bản) để phục vụ lãnh đạo tỉnh.
Trong niềm vui gặp gỡ đồng nghiệp và sự chia sẻ của khán giả, họ đã cùng sống lại ký ức của những năm tháng "bom đạn, dầm mưa, dãi nắng, thức trắng đêm" để diễn và hoàn thành những bộ phim, những thước phim để đời...
Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch vừa có công văn gửi các Sở VH-TT-DL các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu không tiến hành gắn biển “Gia đình văn hóa” tại mỗi nhà dân.
Cuộc đời và sự nghiệp của NSND Đặng Thái Sơn gắn liền với Frederic Chopin nên năm 2010 kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà soạn nhạc thiên tài Ba Lan này, anh sẽ về Việt Nam nhiều hơn, chơi nhiều bản nhạc của Chopin hơn và ngày 1/10/2010, anh vinh dự là nghệ sĩ mở màn cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng anh về tình yêu lớn với âm nhạc Chopin cùng những kỷ niệm vui buồn, ước mơ... của anh.