Biểu diễn trống hội Thăng Long
Là điểm nhấn trong các sự kiện chào mừng Ðại hội thi đua yêu nước Thủ đô, 65 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và hướng tới Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, chương trình nghệ thuật Tự hào hai tiếng Việt Nam sẽ diễn ra tại sân khấu Ðền Bà Kiệu bên hồ Hoàn Kiếm vào tối 2-9 tới. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, Tập đoàn Tân Hiệp Phát và Công ty Vision One tổ chức với sự tham gia của các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng cùng hàng trăm diễn viên của nhiều đơn vị nghệ thuật trong cả nước.
Chương trình Tự hào hai tiếng Việt Nam do NSND Lê Hùng làm tổng đạo diễn, sẽ mang đến công chúng những cảm hứng mạnh mẽ, niềm tự hào lớn lao về thành phố nghìn năm văn hiến- Kinh đô Thăng Long và Thủ đô Hà Nội hôm nay. Chương trình có sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên, dàn đồng ca của Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát tuồng Trung ương và Trường Múa Việt Nam cùng các ca sĩ: Ðăng Dương, Việt Hoàn, Hoàng Tùng, Anh Tú, Hồ Quỳnh Hương, Lưu Hương Giang, Quang Hào, Ban nhạc Bức Tường và Nhóm nhạc Pha Lê Xanh,...
Theo Tổng đạo diễn Lê Hùng, chương trình sẽ được dàn dựng công phu và hoành tráng, trong đó sử dụng những công nghệ hiện đại về tổ chức biểu diễn nghệ thuật với màn trình diễn ánh sáng la-de và hỗ trợ, tạo hiệu ứng của kỹ xảo hình ảnh panorama đầy ấn tượng. Không gian biểu diễn sẽ gồm ba sân khấu lớn tạo chiều sâu trong những màn múa sinh động, hoành tráng của hàng chục diễn viên. Trống hội nghìn năm là phần mở đầu với màn múa hào hùng trong âm vang trầm hùng của dàn trống đại, gợi mở lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tiến sĩ Trần Quý Thanh, võ sư thượng đẳng vovinam, đồng thời là Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát sẽ trực tiếp chỉ đạo các võ sinh trình diễn các thế võ điêu luyện, cho thấy hào khí và tinh thần thượng võ của dân tộc. Phấp phới tung bay trên sân khấu trung tâm là lá cờ đỏ sao vàng cùng những hình ảnh hân hoan chào đón của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong ngày lễ trọng đại của đất nước. Phần này nêu bật niềm tự hào về lịch sử dân tộc, truyền thống đoàn kết, yêu nước và nền tảng văn hóa phong phú, là cội rễ của sức mạnh Việt Nam, đưa đất nước vượt qua mọi thử thách, để vững bước tiến lên, hội nhập quốc tế. Âm hưởng đọng lại là hình ảnh thế đứng Việt Nam đang vươn về tương lai tươi sáng với khát vọng hòa bình và phát triển.
Nối tiếp phần mở đầu là trường đoạn ca múa nhạc hợp xướng Âm vang mở nước có màn múa minh họa mang tính sử thi, diễn tả khái quát các giai đoạn lịch sử từ thời phong kiến độc lập tự chủ với việc Vua Lý Thái Tổ dời đô về thành Ðại La, bắt đầu mở ra một thời kỳ thịnh trị, phát triển của đất nước với văn hiến Thăng Long rực rỡ trong lịch sử. Cùng những giai điệu của các ca khúc Tiếng vọng ngàn đời, Dòng máu Lạc Hồng, Hào khí Thăng Long, là các tiết mục khí nhạc dựa trên các ca khúc về cách mạng và liên khúc ca ngợi Ðảng, Bác Hồ và những chiến công của Thủ đô Hà Nội qua các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, trong đó có ca khúc: Biết ơn Cụ Hồ Chí Minh, Người Hà Nội, Ðất nước trọn niềm vui. Trên sân khấu lúc này sẽ tái hiện các hình tượng nghệ thuật biểu trưng: 100 người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ lên đường khẩn hoang, mở mang bờ cõi; Rồng Thăng Long bay lên trên mặt nước sông Hồng, vua Lê Lợi trả kiếm rùa thần, Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ gửi cành đào đại thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, Tổng đốc Hà Nội Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu oai dũng hy sinh cùng thành Hà Nội. Bên cạnh đó, còn có một Hà Nội của những ngày tháng sục sôi của Cách mạng Tháng Tám lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Ðộc lập và một Hà Nội hào hoa bên chiến luỹ "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" trong 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô mùa đông năm 1946, cho đến đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất Tổ quốc. Ðan xen là những hình ảnh di chỉ phát lộ về một thời lộng lẫy của Hoàng thành Thăng Long hiện đã được xếp hạng Di sản văn hóa thế giới và các trích đoạn giới thiệu về cố đô Hoa Lư, thành Ðại La, Văn Miếu Quốc Tử Giám và tượng đài Lý Thái Tổ.
Phần ba Linh thiêng hồn Quốc huy động gần 250 diễn viên và ca sĩ biểu diễn các tiết mục ca múa nhạc chào mừng ngày Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội với phần trình diễn ánh sáng la-de nghệ thuật, tạo hình Rồng bay trên bầu trời Hà Nội, uốn lượn hình chữ S của dáng hình Tổ quốc bên bờ Biển Ðông cùng những cánh chim Lạc như hình bóng Tổ tiên hiện về từ thuở hồng hoang dựng nước. Những cánh chim tụ hội bên Rồng, cùng bay lên cao, để tạo thành hai chữ Việt Nam thân thương. Phối hợp màn trình diễn la-de là những vũ điệu bay bổng của bảy nghệ sĩ múa trên nền ca khúc Rạng rỡ Việt Nam của nhạc sĩ Quang Vinh. Phần bốn Việt Nam- Vượt qua tất cả chủ yếu trình diễn các tác phẩm hòa tấu cùng những bài hát: Việt Nam- non nước tôi, Việt Nam trên đường chúng ta đi, thể hiện những bước phát triển của đất nước dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Lắng đọng những tình cảm của cả nước dành cho Thủ đô là phần nối tiếp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với các ca khúc trữ tình: Việt Nam quê hương tôi, Nồng nàn Hà Nội, Cửa ô nhịp phố, Bài ca sông Hồng, Hà Nội linh thiêng và hào hoa do Ðăng Dương, Hoàng Tùng, Việt Hoàn; Lưu Hương Giang, Trần Lập và ban nhạc Bức Tường cùng tốp hát Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn. Chương trình sẽ khép lại với màn trống hội Thăng Long; trình diễn hợp xướng Trái tim Việt Nam của hơn 200 diễn viên và võ sinh đến từ các môn phái võ cổ truyền ở Hà Nội.
Theo bà Trần Uyên Phương, đại diện Tập đoàn Tân Hiệp Phát, nhà tài trợ tổ chức chương trình Tự hào hai tiếng Việt Nam: "Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang đến gần, cũng như bao người con khác của đất nước, chúng tôi luôn mong ngóng về Hà Nội, trái tim của cả nước! Nơi ấy là trái tim, tâm hồn, là khí phách của dân tộc được đúc kết từ nghìn năm văn hiến. Chương trình nghệ thuật này như một lời tri ân từ mọi miền đất nước, của những người con phương nam hướng về Hà Nội, hướng về Thủ đô yêu quý, thân thương".
Theo ND
Đúng 8 giờ sáng nay, 24-8 (giờ VN) Lễ đăng quang của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ lần thứ 59 năm 2010 đã chính thức diễn ra tại Mandalay Bay Resort and Casino, Las Vegas, Mỹ. Khán giả Việt Nam có thể xem chương trình trực tiếp trên kênh Star World.
Năm nay, Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên tiếp tục tổ chức lễ hội Vu Lan, chính thức diễn ra từ ngày 22 đến 24 - 8 (nhằm 13 đến 15 - 7 Canh Dần).
Các nhà xuất bản nước ngoài, các nhà biên tập đều bận khai thác bản thảo, đều đặt hiệu quả lên trên hết, cho nên họ thường từ chối những lời mời thăm viếng hội hè mà không chắc ký được hợp đồng, vừa mất thời gian vừa tốn kém.
Nếu chất lượng đi xuống và chương trình không còn thu hút được khán giả nữa, "Thư giãn cuối tuần" cũng sẽ tự động đóng cửa như "Gặp nhau cuối tuần" trước đây.
Chiều 23/8, tại Mátxcơva, đoàn công tác Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) do Phó Tổng Giám đốc Hoàng Minh Nguyệt đã có buổi làm việc với ban lãnh đạo Hãng phát thanh quốc gia Liên bang Nga (FGU RGRK) Đài Tiếng nói nước Nga.
(HBĐT) - Những ngày cuối tháng 8/2010, đến các khu, xóm của huyện Kỳ Sơn, chúng tôi được chứng kiến không khí rộn ràng, vui tươi của các đội văn nghệ quần chúng luyện tập múa, hát để mừng ngày Quốc khánh 2/9 và các dịp kỷ niệm lớn.