Bức tranh thêu ước nguyện nghìn năm 
được rước qua cố Đô Huế.

Bức tranh thêu ước nguyện nghìn năm được rước qua cố Đô Huế.

Hướng tới Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, những nghệ nhân, nghệ sĩ tài hoa của Việt Nam ở phía bắc và phía nam đã hoàn thành hai tác phẩm nghệ thuật dâng tặng Thủ đô nghìn năm văn hiến sau nhiều năm tháng miệt mài thực hiện.

Ðó là công trình nghệ thuật thư pháp Chiếu Dời Ðô (Thiên Ðô Chiếu) và bức tranh thêu tay Ước nguyện nghìn năm Thăng Long. Hai tác phẩm nghệ thuật kỷ lục thể hiện tấm lòng của các nghệ nhân đang chuẩn bị được rước về Hà Nội đúng vào dịp Ðại lễ.


Công trình nghệ thuật thư pháp tinh hoa thủ công Việt Nam Chiếu Dời Ðô nhằm tôn vinh ý nghĩa và những giá trị lịch sử trong quyết định mang tính chiến lược, có tầm nhìn xa, trông rộng của Ðức Thái Tổ Lý Công Uẩn khi dời đô từ Hoa Lư về thành Ðại La, dựng xây nên kinh thành Thăng Long, mở ra một kỷ nguyên mới, thịnh trị, phát triển rực rỡ của Ðại Việt thời phong kiến độc lập tự chủ và Thủ đô Hà Nội hôm nay. Công trình cũng là sự tôn vinh những tinh hoa nghệ thuật về thư pháp, gò đồng, chạm khắc và văn hóa truyền thống của Việt Nam được thực hiện từ sáng kiến của các nhà thư pháp của Câu lạc bộ Thư pháp Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và sau đó có sự phối hợp, tài trợ của Công ty Celadon và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).


Ðây là công trình nghệ thuật thư pháp mạ vàng, gắn trên khung gỗ tự nhiên, thể hiện toàn bộ nội dung Chiếu Dời Ðô của Ðức Thái Tổ Lý Công Uẩn năm 1010, một tác phẩm chính trị nổi tiếng và là áng văn bất hủ trong lịch sử dân tộc, hết sức cô đọng, súc tích của vị vua sáng lập triều đại Nhà Lý. Ðây là công trình kỳ công nhất, có quy mô kỷ lục. Tham gia phần thiết kế mẫu, có nhà điêu khắc - họa sĩ Trần Tuy, nghệ nhân chạm khắc Vũ Quý của làng nghề Ðồng Kỵ. Phần trình bày thư pháp do lương y và là nhà thư pháp 87 tuổi Nguyễn Văn Bách đảm nhận, một trong hai nhà thư pháp hàng đầu Việt Nam, được quốc tế công nhận. Phần gò đồng chữ nho do nhà giáo - nghệ nhân Nguyễn Thế Long, người làng gò đồng Ðại Bái, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) thực hiện. Công trình có kích thước 4,58 m x 3,85 m, tổng trọng lượng gần năm tấn, chế tác từ bảy tấn gỗ nguyên khối, bao gồm hai mặt: mặt trước trình bày nguyên bản bằng chữ nho "Thiên Ðô Chiếu", mặt sau là bản dịch phiên âm và bản dịch ra tiếng Việt và tiếng Anh. Phần khung làm bằng gỗ tự nhiên, phần chữ do các nghệ nhân gò tay với chất liệu là đồng, mạ vàng 9999. Chiều cao mỗi chữ là 10 cm, được gắn bằng bu-lông nghệ thuật, bắt chắc chắn trên 12 tấm gỗ hương tự nhiên quý hiếm của Việt Nam. Phần nền này được tạo thành bằng 12 tấm gỗ hương, tượng trưng cho 12 tháng của bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Ðông; với mong muốn tác phẩm sẽ "thuận" theo sự tuần hoàn của thời gian, để có thể tồn tại vĩnh hằng.


Trân trọng tinh hoa và tâm huyết của các nghệ nhân làng nghề, Ban chỉ đạo quốc gia 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội và UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan hỗ trợ, phối hợp tổ chức lễ rước và đón nhận Chiếu Dời Ðô cùng Công ty Hỗ trợ thư pháp và Công ty CELADON. Theo chương trình, lễ rước công trình nghệ thuật thư pháp tinh hoa thủ công Chiếu Dời Ðô sẽ thực hiện theo hành trình mô phỏng chuyến dời đô lịch sử của Vua Lý Thái Tổ theo đường bộ từ cố đô Hoa Lư - Ninh Bình về Thăng Long - Hà Nội trong ngày 1-10 và chính thức ra mắt tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội vào sáng  2-10. Công trình sẽ được trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong suốt thời gian diễn ra các sự kiện của Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.


Cùng thời gian này, tác phẩm tranh thêu tay khổ lớn Ước nguyện nghìn năm Thăng Long cũng đang được các nghệ nhân, nghệ sĩ XQ rước trên hành trình xuyên Việt ra Hà Nội để dâng tặng Thủ đô nghìn năm tuổi. Tác phẩm nghệ thuật thêu tay có kích thước khá lớn, khởi thêu từ năm 2006 với lễ hội XQ - Sắc thu Hà Nội tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, là sự gặp nhau của những tâm hồn đồng điệu của các nghệ nhân, nghệ sĩ XQ trong một tình cảm chung hướng về Hà Nội, hướng về cội nguồn. Ngoài giá trị nghệ thuật và quy mô kích thước lớn, tác phẩm còn gắn liền những kỷ lục, có kích thước 4 m x 3 m, trọng lượng 167,5 kg, trong đó có khoảng 12 kg chỉ thêu. Những con số kích thước và trọng lượng này khi kết hợp theo tích số sẽ có kết quả là 2010, trùng hợp với năm Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Phác họa bức tranh do sáu họa sĩ thực hiện và được chín nghệ nhân có tay nghề cao, thay nhau thêu ròng rã trong ba năm với khoảng 3.000 ngày công tại xưởng thêu của XQ Ðà Lạt Sử quán tại TP Ðà Lạt (Lâm Ðồng). Với biểu tượng những đóa sen tinh khiết, tác phẩm biểu thị cho tinh thần văn hóa Việt Nam được lồng trong dáng dấp cổ kính, huyền ảo của những mái ngói phố cổ và đường cong của vẻ đẹp kiến trúc chùa chiền. Trong ánh bình minh ửng hồng chân trời, phảng phất những bóng hình chim Lạc như hồn thiêng Tổ tiên hiện về cùng trống đồng trầm hùng, uy nghiêm thời dựng nước, bên hình ảnh sông Hồng mềm mại uốn lượn, tựa thế rồng vàng đang vươn mình, tượng trưng cho vùng đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến và khát vọng vươn lên của cả dân tộc. Tác phẩm Ước nguyện nghìn năm Thăng Long đã hoàn thành đầu năm 2010 và đã được rước từ TP Ðà Lạt qua 14 tỉnh, thành phố và về đến Hà Nội vào ngày 26-9. Tại đây, Công ty XQ Việt Nam sẽ tổ chức nghi lễ dâng hương, rước tác phẩm Ước nguyện nghìn năm Thăng Long về trưng bày tại Ðiện Kính Thiên của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và làm lễ dâng tặng Thủ đô ngày 28-9. Qua các chặng dừng trên hành trình, XQ Việt Nam đã tổ chức giới thiệu tác phẩm và triển lãm bộ tranh hai mặt "Tri kỷ hữu" đoạt giải Guinness Việt Nam, tổ chức Vũ khúc dâng trà và nghi lễ trao tác phẩm thêu tay Ðóa sen 1.000 tặng UBND tỉnh, thành phố những món quà trang trọng cho các nghệ nhân, thợ thêu lớn tuổi nhất của từng địa phương và tổ chức đêm hội "Gặp gỡ 1.000 năm".


Không những là tấm lòng với Thủ đô của các nghệ nhân, nghệ sĩ, hai tác phẩm và lễ rước nêu trên có thể được xem là hoạt động tiêu biểu trong dịp Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
 
                                                                           Theo Báo Nhandan

Các tin khác

Tương đài thánh Gióng trên núi đá chông,Sóc Sơn.
Diễm My và Lê Khanh chụp hình cho bộ sưu tập Đất rồng thiêng.
Theo quy hoạch thì địa điểm cở sở dịch vụ Karaoke phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử văn hoá, cơ quan hành chính Nhà nước từ 200m trở lên.
Đoàn Hòa Bình giới thiệu đến bạn bè đặc sản rượu cần trong khuôn khổ các hoạt động diễn ra tại Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam trong dịp mở cổng làng.

Độc đáo mộc bản Phật giáo

Hơn 3.000 mộc bản kinh sách Phật duy nhất về thiền phái Trúc Lâm - thiền phái tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam hiện đang được bảo quản tại chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang). Căn cứ vào chất liệu gỗ, có thể ước đoán bộ cổ nhất xuất hiện từ thế kỷ 14 - 15, bộ gần đây nhất cũng vào đầu thế kỷ 20. Kho di sản quý giá này vừa qua vòng thẩm định của UNESCO, đề cử là Di sản tư liệu thế giới. Cơ hội được vinh danh trước thế giới đã mở ra tương lai được bảo tồn một cách đầy đủ và phát huy được giá trị của di sản..

Lễ hội áo dài

Lễ hội áo dài - một trong những chương trình nghệ thuật mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 1.10.

Sẽ ra mắt bức “Chiếu dời đô” khổng lồ tại Hà Nội

Bức thư pháp “Chiếu dời đô” mạ vàng gắn trên khung gỗ có kích thước 458cm x 385cm, được chế tác từ 7 tấn gỗ nguyên khối sẽ chính thức ra mắt người dân Thủ đô tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội vào sáng ngày 2/10/2010.

Cơ hội nào cho sách?

Vào ngày cuối cùng của Triển lãm – Hội chợ sách quốc tế Việt Nam lần thứ ba, cô bạn đồng nghiệp của tôi mới biết, và khi cô hớt hải phóng xe đến để xem và tìm mua sách, thì bảo vệ nói rằng, hội chợ đang dọn dẹp để đóng cửa.

Lạc Sơn: Gìn giữ và phát triển nét đẹp văn hóa truyền thống

(HBĐT) - Huyện Lạc Sơn là một trong những địa phương đi đầu toàn tỉnh trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” (ĐKXDĐSVH). Trưởng phòng Văn hoá huyện Lạc Sơn, Nguyễn Bá Cương nhấn mạnh: Phong trào “Toàn dân ĐKXDĐSVH” đã có những tác động đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, là đòn bẩy thúc đẩy thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua yêu nước khác ở địa phương.

Kiều Khanh đại diện Việt Nam dự Miss World 2010

Nguyễn Ngọc Kiều Khanh, Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 sẽ là đại diện của Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới (Miss World 2010), chuẩn bị tổ chức tại Sanya, thành phố cảng tuyệt đẹp phía nam đảo Hải Nam, Trung Quốc từ ngày 1 đến 30/10 tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục