Đêm khai mạc và bế mạc làm chưa tốt, còn lệ thuộc vào truyền hình nhiều quá... Truyền hình chọn những góc quay rất rộng, "lộ" cả "kịch bản" các nghệ sĩ "lên" xe Audi đi vào thảm đỏ, rất "nhà quê", NSND Đoàn Dũng nhận xét.

 

Diễn ra từ 17 đến 21/10, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội được tổ chức lần đầu tiên đã để lại nhiều dư âm trong lòng khán giả hâm mộ. Với một đất nước hơn 80 triệu dân, với nền điện ảnh non trẻ của chúng ta thì việc có một liên hoan phim quốc tế là một tín hiệu đáng mừng, đáng khích lệ. Nó hâm nóng tình yêu điện ảnh của những người làm nghề trong nước, giúp các nghệ sĩ có điều kiện tiếp xúc với đồng nghiệp quốc tế, học hỏi kinh nghiệm làm phim và đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế - một điều kiện rất cần cho một nền điện ảnh đang trên đường hội nhập. "Vạn sự khởi đầu nan" là lẽ đương nhiên. Với một sự kiện mang tầm cỡ quốc tế được tổ chức lần đầu thì những sơ suất là không tránh khỏi. Bên cạnh những mặt được, tích cực thì Liên hoan phim quốc tế Hà Nội còn mắc phải những sai sót không đáng có. Thẳng thắn nhìn lại những điểm còn hạn chế để liên hoan lần sau chúng ta có thể làm tốt hơn, đẹp lòng bạn bè quốc tế hơn và đẹp lòng khán giả hơn...

NSND Đoàn Dũng: Thiếu tính chuyên nghiệp

- Thưa NSND Đoàn Dũng, cảm tưởng của ông thế nào sau những ngày tham dự Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ nhất?

+ Phải nói rằng, trong vai trò nhà tổ chức, Cục Điện ảnh và Việt Media - một đơn vị truyền thông tư nhân đã nỗ lực hết mình để có thể "hiện thực hóa" một mong ước của người yêu điện ảnh Việt Nam, là tổ chức một liên hoan phim mang tầm vóc quốc tế. Để có một liên hoan phim thành công, bên cạnh khâu tổ chức bao giờ cũng phải nhắc đến uy tín của Hội đồng giám khảo. Liên hoan phim quốc tế Việt Nam đã mời được những thành viên giám khảo sáng giá, với những tên tuổi lớn trong làng điện ảnh thế giới như đạo diễn Philip Noyce, Marco Muller - Giám đốc Liên hoan phim Venice, Francois Cantone - nhà quay phim nổi tiếng của Pháp, diễn viên nổi tiếng Hàn Quốc Kang Su Yeun... và rất nhiều tên tuổi nghệ sĩ sáng giá khác của điện ảnh khu vực và thế giới.

NSND Đoàn Dũng và NSND Trà Giang tại LHP quốc tế Hà Nội.

Cái được của liên hoan phim lần đầu tiên này, theo tôi, là nó rất ấm áp tình người. Trong khuôn khổ hoạt động của mình, liên hoan đã tổ chức được những cuộc hội thảo có nội dung cần thiết cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam trong tương lai. Mặc dù còn nhiều ý kiến lan man trong các hội thảo, nhưng theo tôi cũng đã có nhiều ý kiến quan trọng được nói ra. Từ đây có thể đúc kết được những bài học quý cho những người làm nghề.

Tuy nhiên, so với kỳ vọng của khán giả và nghệ sĩ, liên hoan phim còn nhiều "hạt sạn" cần phải được sửa chữa để có những kỳ liên hoan tới tốt hơn. Sai sót lớn nhất cần phải nhắc tới ở đây là thiếu tính chuyên nghiệp.

- Một sự kiện tầm cỡ quốc tế thì không thể thiếu tính chuyên nghiệp. Nghệ sĩ có thể nói rõ hơn về điều này với góc nhìn từ liên hoan phim vừa diễn ra?

+ Chúng ta vẫn còn nặng về tư duy bao cấp trong nhiều lĩnh vực chứ không riêng gì điện ảnh. Về liên hoan phim lần này, ngay buổi đầu tiên, khi cắt băng ra mắt liên hoan phim và gặp gỡ báo giới, tôi đã thấy chúng ta làm chưa chuyên nghiệp rồi. Chúng ta tổ chức thiếu một sự chỉ đạo sâu sát và không khoa học.

Đêm khai mạc và bế mạc làm chưa tốt, còn lệ thuộc vào truyền hình nhiều quá mất đi tính hồn nhiên, sôi động của một liên hoan phim dành cho khán giả. Truyền hình chọn những góc quay rất rộng, "lộ" cả "kịch bản" các nghệ sĩ "lên" xe Audi đi vào thảm đỏ, rất "nhà quê". Thậm chí có nghệ sĩ còn xuất hiện hai lần trên chiếc xe này gây phản cảm. Riêng tôi đã phải trốn ngay "vụ" quảng cáo xe của nhà tài trợ này. Thành thử về nhà các con cháu cứ hỏi sao không nhìn thấy bố trên tivi.

Một điều nữa là ánh sáng ở khu vực thảm đỏ không tốt. Nó làm cho hình ảnh nghệ sĩ khi lên hình không đẹp, không rực rỡ, không được tôn vinh...

Việc chiếu phim trong khuôn khổ liên hoan phim lẽ ra phải được rộng rãi hơn nữa. Các cụm rạp chiếu phim ở quá xa, rất khó cho việc di chuyển đi lại của nghệ sĩ, khách mời và khán giả. Tôi cho rằng nếu chúng ta chiếu phim ngoài trời cho các khán giả xung quanh khu vực phố cổ thì rất tốt, vừa đông khán giả vừa thu hút được sự chú ý của khách quốc tế, vừa quảng bá được hình ảnh của Hà Nội.

Việc đón tiếp các nghệ sĩ quốc tế và khách mời chúng ta làm còn lôi thôi và thiếu sót quá. Rất nhiều người không được Ban tổ chức giới thiệu tên tuổi trong các hoạt động. Nghệ sĩ trong nước chúng tôi nhiều khi ngơ ngác chẳng biết các đoàn khách đến từ nền điện ảnh nào, đơn giản vì Ban tổ chức không giới thiệu. Việc đưa đón, phiên dịch cho khách, công tác tình nguyện cũng còn nhiều sơ suất. Trên thảm đỏ, các nghệ sĩ quốc tế có lúc còn bị "bỏ rơi", chả có ai phiên dịch hay hướng dẫn họ. Cho đến lúc ra về, một số khách quốc tế còn phải tự bắt taxi ra sân bay. Những việc này lẽ ra chúng ta phải làm tốt và hoàn toàn có thể làm tốt được, nhưng chúng ta lại để thiếu sót một cách không đáng có.

- Theo ông, với tư cách chủ nhà, các nghệ sĩ của ta đã thể hiện tốt lòng hiếu khách của mình cũng như tận dụng tốt cơ hội được gặp gỡ, học hỏi bạn bè đến từ các nền điện ảnh khác hay chưa?

+ Tôi nghĩ là chưa. Nghệ sĩ của ta ăn mặc chưa đẹp, lại cũng chưa cởi mở. Trong buổi giao lưu diễn viên với khán giả, nhiều nghệ sĩ chọn trang phục không phù hợp, họ thường ngồi co cụm với nhau mà ít tiếp cận, trò chuyện với các nghệ sĩ đến từ các quốc gia khác. Có thể họ ngại tiếp xúc vì nhiều người trong số họ sử dụng ngoại ngữ không tốt. Đây là điều rất đáng tiếc. Chúng ta mong có cơ hội để học hỏi bạn bè quốc tế nhưng khi có cơ hội rồi thì chúng ta lại không tận dụng được.

Một điều nữa tôi nhận thấy trong liên hoan này là các nhà báo thường phàn nàn về việc mình chưa được ban tổ chức tạo điều kiện tốt nhất để tác nghiệp. Theo tôi các nhà báo phải được cấp thẻ để có thể vào mọi nơi, tham gia mọi hoạt động của liên hoan phim. Nhà báo có thẻ rồi mà đi xem phim vẫn cần phải có vé mới được vào là không cần thiết. Chúng ta hạn chế hoạt động của nhà báo thì không hiệu quả trong việc tuyên truyền các hoạt động của liên hoan phim.

- Với những thiếu sót không đáng có như vậy, việc tổ chức một liên hoan phim quốc tế có nằm ngoài khả năng của ta hay không, thưa ông?

+ Việc tổ chức một sự kiện điện ảnh có tầm vóc quốc tế không nằm ngoài khả năng của chúng ta đâu. Nếu khắc phục được những sai sót không đáng có thì liên hoan phim quốc tế Hà Nội những năm sau sẽ thành công hơn và để lại nhiều ấn tượng đẹp hơn với bạn bè thế giới và khán giả.

- Xin cảm ơn NSND Đoàn Dũng.

                                                                                  Theo Báo CAND

Các tin khác

Tiểu phẩm tuyên truyền của xã Tử Nê trong ngày hội
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Liên hoan phim trong mắt những người trong cuộc

Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần thứ nhất đã khép lại với nhiều dư âm, nhưng theo đánh giá của những người trong cuộc, Liên hoan phim đã tổ chức thành công, gây ấn tượng tốt cho giới nghề nghiệp trong và ngoài nước cũng như tạo tiền đề để điện ảnh Việt Nam có những khởi sắc.

Không hiểu lý luận sân khấu, mà lại bày cách... viết kịch

Trên tờ "Tiếng nói Việt Nam" mới đây có đăng bài "Nhìn từ một liên hoan" của Nguyễn Đình San nhận xét về Liên hoan sân khấu (LHSK) hình tượng người chiến sĩ CAND lần 2, do Bộ Công an và Bộ VH, TT&DL tổ chức từ 21 đến 30/9/2010. Bài viết này đưa ra một số nhận định không chính xác với sự thiếu hiểu biết về nghệ thuật sân khấu và tinh thần không xây dựng.

Dạ hội chào mừng thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV

(HBĐT) - Tối ngày 20/10, tại Cung văn hóa tỉnh, Ban tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV đã phối hợp với Sở VH-TT&DL, Tỉnh Đoàn thanh niên, Thành ủy Hòa Bình tổ chức chương trình dạ hội chào mừng thành công của Đại hội. Các đồng chí: Hoàng Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân TPHB đã tới dự, động viên, cổ vũ cho chương trình.

Cấp mới 2071 thẻ thư viện

(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở đã cấp mới được 2071 thẻ thư viện, trong đó, thư viện tỉnh đã cấp mới được 548 thẻ, nâng tổng số thẻ độc giả tại thư viện là 1.400 thẻ, thư viện các huyện cấp mới được 1.523 thẻ, nâng số thẻ độc giả tại thư viện huyện là 2.000 thẻ.

LHPQT VN 2010: Chuyện bi hài trên Thảm đỏ

Cánh phóng viên ảnh "vật vã" tìm chỗ tác nghiệp trong khi ngay cả diễn viên Việt Nam cũng tới xin chụp hình với hai ngôi sao Hong Kong.

Lê Hoàng: Tôi không kỳ vọng điện ảnh VN chuyển biến sau LHP

Đạo diễn Lê Hoàng không chỉ nổi tiếng với các bộ phim mà còn nổi tiếng bởi sự “chua ngoa” trong các phát ngôn của mình. Trong kỳ LHP Quốc tế VN lần thứ 1 này, ông không có phim tham dự nhưng vẫn là một đạo diễn được chú ý mỗi khi xuất hiện ở một nơi nào đó trong các hoạt động của LHP.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục