Ðược thành lập khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nhơn An (huyện An Nhơn - Bình Ðịnh) vốn là một xã thuần nông. Ðồng ruộng Nhơn An rộng rãi, đất tốt, quanh năm đủ nước, không phải đóng gàu sòng gàu dai, tát nước dài tay như ở các xã lân cận. Làm xong hai vụ lúa - tháng 3 và tháng 10, là bà con nông dân có thời gian nông nhàn, và các nghề phụ cũng theo đó phát triển...
Nhắc tới huyện An Nhơn, nhiều người ở Bình Ðịnh nghĩ ngay tới một vùng đất của trăm nghề. Có được tiếng tăm như vậy vì từ xa xưa, bà con ở đây thường tranh thủ thời gian nông nhàn giữa hai vụ lúa để làm thêm nghề phụ. Với người Nhơn An cũng vậy, bà con làm thêm rất nhiều nghề phụ, như một cách bù vào thế độc canh cây lúa. Cả xã Nhơn An có bảy làng, thì mỗi làng lại sở trường về một ngành nghề, như: làng Thuận Thái làm nghề bịt trống, bán rượu, bán buôn nông thổ sản; làng Thanh Liêm làm nghề rèn, chèo đò, chuyên chở trên sông Ðập Ðá, và lập gánh hát; làng Háo Ðức là nghề thợ mộc, cẩn xà cừ, thợ mái, làm tam ngũ (đồ thờ) và pháo bông; rồi làng Trung Ðịnh làm hàng xáo, tráng bánh, đánh tranh, bán buôn đậu đỗ, và lập gánh hát; làng Dương Lăng lại chủ yếu đan nan tre; làng Tân Long, Tân Dân lập gánh hát, nấu rượu, làm chả nem, buôn bán ở chợ Phú Ða... Tuy nhiên, nghề nổi tiếng nhất của Nhơn An là nghề cẩn (chạm, khảm), kế đó là nghề đan bầu xiểng (bầu là dụng cụ đan bằng tre dùng đựng đồ vật, bầu xiểng là loại bầu riêng, trang trí cầu kỳ, dành cho các việc quan trọng như đựng đồ cưới hỏi) và từ đó mà ra đời những câu ca dao: Tiếng đồn bầu, xiểng Dương Lăng / Cái nan chuốt khéo cái hoa văn sáng ngời / Năm phiên bán xiểng chợ mơi (mai) / Ðủ tiền anh cưới vợ, còn lời xấp lãnh đen. Các thị trấn Ðập Ðá, Bình Ðịnh gần đó là nơi tiêu thụ mạnh các sản phẩm thủ công và nông sản của Nhơn An. Ðồ hoành liễn, đồ thờ tam ngũ cẩn xà cừ, bầu xiểng,... của Nhơn An đã được thương lái tới mua rồi đưa vào Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận,... Nghề truyền thống của huyện An Nhơn khá tập trung ở Ðập Ðá, thu hút rất nhiều nhân công, thợ thủ công của các xã chung quanh, trong đó có Nhơn An. Ðặc biệt là Nhơn An đã trở thành nơi cung cấp nhiều nguyên liệu cho Ðập Ðá, nhất là bông vải cho nghề dệt.
Miền trung nước ta có câu ca dao Tiếng đồn Bình Ðịnh tốt nhà / Phú Yên tốt lúa, Khánh Hòa tốt trâu. Ðến Nhơn An, câu ca ấy phản ánh rất đúng mặt nhà cửa ở đất nhỏ này của tỉnh Bình Ðịnh. Trong xã, nhà mái lá xen lẫn nhà gạch nhiều gian. Dẫu còn nhà tranh vách đất, nhưng nhà nào cũng ngăn nắp, sạch sẽ, khang trang. Nhà tọa lạc giữa vườn tược, có sân rộng, hàng rào xanh bao quanh, ngõ dâm bụt, hàng cau liên phòng... Và có thể nói, từ mỗi làng đến cả xã là một kho đồ cổ quý giá, như đồ thờ bằng đồng, đồ trang trí, đồ phục vụ sinh hoạt. Mà cái ăn ở Nhơn An cũng là đặc biệt, món nào cũng ngon. Thời trước có câu: Khu Ðông gạo trắng nước trong / Ðến thì ở lại, ít ai mong về. (Thời cả chống Mỹ, cứu nước, vùng này chiến tranh diễn ra rất quyết liệt, nên lại có câu ca: Khu Ðông gạo trắng nước trong / Ai đi đến đó chớ mong ngày về, ý nói cái sống và cái chết ở đây gần nhau lắm). Có lẽ ngoài Nhơn An ra, chắc không đâu có món mận nấu sườn lợn non kèm đu đủ chín, khoai lang, củ mỡ; rồi món bánh tráng bẻ vụn xào rau giá, đậu khuôn (gọi là món cao lầu),... được thực khách coi là món ngon nhất trong cỗ giỗ. Nổi tiếng nghề làm chả có cha con ông Hà Phê ở Trung Ðịnh, gia đình ông Ba Thơm ở Tân Dương, nhờ làm nghề làm chả mà giàu lên. Nhơn An còn nổi tiếng với rượu gạo Tân Dân, còn gọi là rượu khằn, thường dùng làm rượu lễ cho cưới, hỏi, đi lễ Tết...), rồi rượu cơm nếp vo viên bán ở chợ Phú Ða (Tân Dân) dùng cho khai vị bữa ăn...
Nhờ đời sống vật chất sung túc, nên đời sống tinh thần ở Nhơn An cũng rất phong phú, tạo nên những nét bản sắc làm đẹp cuộc sống, và hình thành các giá trị có thể truyền lại cho đời sau. Có thời, trong xã lập tới bốn gánh hát bội: làng Thanh Liêm ở đầu xã có gánh của bầu Hùng, làng Trung Ðịnh ở giữa xã có gánh của bầu Phụng, làng Tân Dân ở cuối xã có gánh của bầu Thơm, sau lại có thêm gánh của Thông Cửu. Gánh nào rạp nấy. Còn đào kép và khán giả thì ngày làm ruộng, đan bầu, chằm nón lá,... tối lại ra rạp diễn hát và xem hát, xem hoài không thấy chán. Thời kháng chiến chín năm, Nhơn An là một trong số ít xã đã lập đội bóng đá, đặt tên là đội bóng Long Ða. Ðội thường xuyên tập luyện ở sân vận động của xã và thi đấu khắp nơi trong tỉnh Bình Ðịnh. Tên của đội bóng, tên của các cầu thủ Hai Chưởng, Bốn Ánh, trọng tài Nga,... còn được ghi lại tới thời nay, dù cho trong số họ, người đã già, người đã mất. Trong xã còn rất nhiều dấu xưa, tích cũ vẫn được lưu lại. Về Thanh Liêm, sẽ ghé nhà thờ Ông Chảng thắp nén nhang dâng lên người nghĩa khí, không ham danh lợi. Ông Chảng tên thật là Ðinh Văn Nhưng. Khi anh em Nguyễn Nhạc bắt đầu sự nghiệp, ông cùng thuộc hạ nhập vào hàng ngũ nghĩa quân, và giúp đỡ nhiều lương thực, thực phẩm. Sau khi lên làm vua, Nguyễn Nhạc muốn trả ơn qua việc phong chức tước, nhưng ông từ chối. Văn hóa dân gian ở Bình Ðịnh còn lưu truyền mấy câu: Bềnh bồng chi tướng / Uýnh ướng chi quan / Bộn bàng chi chức / Chảng ngang thiên... được coi là câu chữ mà tương truyền ông Chảng trả lời Nguyễn Nhạc, ý nói ông không muốn nhận chức tước. Vì vậy, người Bình Ðịnh mới có câu tục ngữ 'ngang như ông Chảng'. Về Thuận Thái còn được nghe nói tới chợ rượu là chốn phồn hoa thời vua Thái Ðức - Nguyễn Nhạc của nhà Tây Sơn. Trong xã, còn có nhiều ngôi chùa cổ. Ngôi tổ đình Long Ða là chùa lớn nhất trong xã, hằng năm vẫn giữ lệ tổ chức cúng Vu Lan - rằm tháng bảy, với lễ hội múa Lục cúng ở sân chùa, phóng đăng trên sông Gò Chàm. Nghe nói, thầy Tú Kỉnh ngồi dạy học ở Háo Ðức, vì nhà nghèo thầy phải đi dạy mướn để có tiền nuôi mẹ già, cho nên nhiều học trò của thầy thì thi đỗ Cử nhân, còn thầy cứ giữ chân Tú tài. Thầy đồ Tú Kỉnh đến tuổi quá niên thì xuất gia đầu Phật, trở thành bậc cao tăng - Hòa thượng Bích Liên, đã từng làm Chủ bút tạp chí Từ Bi Âm phát hành trên toàn Ðông Dương ngày trước. Riêng làng Trung Ðịnh, có hai võ cử nhân, một ông họ Lê và một ông họ Tạ, làm Lãnh binh, có công trạng giúp nhà Nguyễn thời mở nước, được lập đền thờ cạnh đình làng. Nhân dân trong xã rất quý trọng những bậc khoa bảng, những gia đình danh giá, bậc tài hoa, nên vẫn thường nhắc đến ông Cử Nhì Thuận Thái, cử nhân Phan Ý, cử nhân Võ Xán... Ðặc biệt là gia đình ông quan Quản ở làng Thanh Liêm có những người con là văn nghệ sĩ nổi tiếng, như nhà thơ Phạm Hổ, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Tới hôm nay, Nhơn An vẫn nổi tiếng về lễ hội đình làng ở Tân Dân trong các ngày Tết cổ truyền, với hát bội của con cháu những người kế nghiệp bầu Thơm, Thông Cửu, với các trò chơi dân gian như đánh cờ người, hội bài chòi... Hội đình làng Tân Dân hấp dẫn một vùng khu đông (gồm các huyện An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát), người đi xem tấp nập. Ngày trước, hội thơ Nguyên tiêu rằm tháng Giêng hằng năm ở Nhơn An nối tiếp sau hội đình các làng. Cứ đến ngày Nguyên tiêu là người yêu thơ trong xã, ngoài huyện lại kéo nhau đến dự, rồi trình bày thư pháp. Hội thơ này tổ chức luân phiên, năm thì ở nhà ông Cử Nhì Thuận Thái, năm ở nhà ông cử Phan Ý. Những năm gần đây, hội thơ truyền thống đó đã nhập vào hội thơ do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Ðịnh và Phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện An Nhơn tổ chức, sôi nổi và sinh động. Ðây thật sự là một sinh hoạt văn hóa đậm tính nhân văn và có ý nghĩa thẩm mỹ.
An cư lạc nghiệp, tôn trọng các giá trị văn hóa truyền thống, cùng nhau sáng tạo các giá trị văn hóa mới là hành trang tinh thần trên con đường phát triển của các thế hệ người dân Nhơn An. Nhơn An đang hòa mình vào với cuộc sống mới, tranh thủ thời cơ và vận hội mới để xây dựng, phát triển quê hương. Ở Nhơn An, cây lúa vẫn thâm canh mỗi năm hai vụ, các ngành nghề truyền thống đang dần dần được phục hồi và tạo cơ hội để phát triển. Hiện đã có năm trong số sáu làng ở Nhơn An được công nhận là làng nghề trồng mai xuân. Háo Ðức là một trong những làng đi đầu trong việc chuyển sang trồng cây mai của huyện An Nhơn. Và từ chục năm nay, chậu mai xuân Háo Ðức - Nhơn An nổi tiếng đã bắt đầu có mặt trên khắp cả nước. Nhờ trồng mai, số hộ nghèo ở Nhơn An giảm rõ rệt. Hàng trăm hộ gia đình trở nên giàu có, lợi nhuận từ sản xuất và kinh doanh trở thành vốn đầu tư cho sản xuất và dịch vụ, cũng từ đó mà nhiều gia đình đã xây nhà lầu, sắm xe du lịch... Chính vì thế, đến Nhơn An hôm nay và ở lại với vùng đất này, sẽ được nghe người Nhơn An cất lên câu ca mang theo niềm tự hào về quê hương mình: Nhơn An có chợ Phú Ða / Bến đò Bầu Sáo, gò Nà chim kêu, hơ... hờ... / Anh về Ðập Ðá quê cha - Gò Găng quê mẹ, Phú Ða quê chàng...
Theo ND
'Họa mi núi rừng' chia sẻ kinh nghiệm hát, làm chủ sân khấu cho Uyên Linh, Mai Hương và Lều Phương Anh trước vòng thử thách của ban giám khảo sắp tới.
Ngày 8/12, Báo Quân đội nhân dân đã tổ chức lễ phát động cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" lần thứ ba năm 2011 và ra mắt tập sách thuộc tủ sách "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Gần một thế kỷ qua, nhà văn vĩ đại của nước Nga Lép Tôn-xtôi (Lev Tolstoi - 1828 - 1910) và tác phẩm của ông đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ nhà văn và người đọc Việt Nam. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của Lép Tôn-xtôi, bài viết của PGS, TS Trần Thị Quỳnh Nga dưới đây phác họa đôi nét về quá trình nghiên cứu Lép Tôn-xtôi, ảnh hưởng của ông đối với văn học Việt Nam
Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010 do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức trong nửa đầu tháng12/2010 tại Trung tâm Triển lãm Văn hoá nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội). Nhưng đến nay, đã hơn một tuần trưng bày mà triển lãm lớn này chưa thu hút được người xem.
Lần đầu tiên, hoa hậu Mai Phương thuý chính thức trở thành người đại diện cho sản phẩm APOLLO silicone của công ty Quốc Huy Anh. Trước mắt, thông qua Hội chữ thập đỏ, Mai Phương Thuý cùng với công ty Quốc Huy Anh trao tặng 20.000 USD, 100.000 cuốn tập cho bà con vùng lũ miền Trung và 100 triệu đồng cho người Việt đang gặp nạn tại Campuchia. Mai Phương Thuý chia sẻ, năm tới sẽ là một năm bận rộn.
Hơi muộn, nhưng vẫn còn kịp, đó là việc Hội Nhà văn VN đang xúc tiến hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhà văn Sơn Tùng, khi ông vừa qua những giờ khắc thử thách nghiệt ngã nhất của bệnh tật ở tuổi 83.