Làn điệu dân ca do các trai, gái Mường Bi biểu diễn.
(HBĐT) - Nhà văn hóa xóm Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) dịp tổng kết lớp bồi dưỡng kiến thức hát dân ca Mường lần đầu tiên tổ chức vào trung tuần tháng 7 thật nhộn nhịp, đông vui. Trai, gái trong vùng tụ họp về đây, vui say men rượu cần, đắm đuối với câu hát giao duyên và những làn điệu mang hồn dân tộc.
Không còn những e dè của buổi đầu tham dự lớp bồi dưỡng kiến thức hát dân ca. Các anh, chị em đến từ 9 xã vùng Thạch Bi và 5 xã vùng cao của huyện giờ đã trưởng thành hơn, mạnh dạn thực hành, biểu diễn các làn điệu nhờ quá trình học có sự uốn nắn kịp thời, hướng dẫn cặn kẽ về giai điệu, tiết tấu của 2 giảng viên truyền thụ. Với tổng số 28 học viên, lớp học có sự tham gia của hầu hết đối tượng là lớp trẻ, độ tuổi từ 18 - 25 được các xã chọn cử. Đặc biệt có một học viên năm nay mới bước sang tuổi 15 là em Đinh Thị Hương đến từ xóm U, xã Quy Mỹ. Người lớn tuổi nhất là anh Hà Ngọc Tuấn ở xã Phong Phú được bầu làm lớp trưởng. Anh Tuấn cho biết: Ngày nay, làn điệu dân ca thường chỉ thấy trong những dịp thật đặc biệt của cộng đồng như lễ, tết, hội hè còn trong đời sống thường ngày hiếm gặp. Chính vì vậy, những lo ngại về sự mai một nét bản sắc văn hóa dân tộc Mường không phải không có lý. Lớp học bồi dưỡng kiến thức dân ca là một hướng mở góp sức bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa đẹp này.
Nghệ nhân Bùi Thị Miên ở xóm Sung 2, xã Địch Giáo, nghệ nhân Bùi Văn Ểu ở xóm Ải, xã Phong Phú là những giảng viên trực tiếp hướng dẫn, truyền thụ ở lớp học này. Mặc dù chưa đào tạo qua trường, qua lớp song các nghệ nhân đã xây dựng bài giảng, giáo án cụ thể mang tính sáng tạo giúp hoc viên có hưng phấn tiếp thu. Theo bà Miên, tinh thần tập trung tiếp thu của anh chị em học viên rất đáng biểu dương. Cả ở 4 làn điệu dân ca chính gồm thường rang, bọ mẹng, hát đúm, hát xắc bùa đều được học viên chú ý lắng nghe về lý thuyết, nhiệt tình, hào hứng tham gia về thực hành. Quá trình giảng dạy, nghệ nhân đã có nhiều tìm tòi trong sưu tầm các làn điệu cơ bản, dễ học, dễ nhớ, viết thành các bài hát mẫu để anh chị em trong lớp dễ hiểu, nắm bắt gốc rễ của làn điệu.
Ông Bùi Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – thể thao huyện Tân Lạc cho rằng, tuy chương trình lớp học chỉ gói gọn trong 3 ngày nhưng kết quả mang lại rất đáng khích lệ. 100% học viên qua đào tạo đã nắm và thực hành tốt, có thể mạnh dạn biểu diễn trên sân khấu các làn điệu của dân tộc mình. Minh chứng cụ thể là tại buổi bế mạc lớp, anh, chị em đã tham gia biểu diễn các tiết mục mời rượu (bọ mẹng), hát giao duyên… trong không khí giao lưu rôm rả. Ý thức bảo tồn, phát huy giá trị độc đáo của các làn điệu dân ca Mường được bồi đắp trong mỗi học viên. Tới đây, huyện dự kiến sẽ mở thêm 1 lớp dành cho các xã vùng dọc tuyến quốc lộ 12B và trung tâm huyện.
Chị Bùi Thị Thi ở xã Ngòi Hoa, một trong những học viên xuất sắc của lớp học xúc động: Được mở mang nhiều kiến thức, chúng tôi thấy yêu hơn các làn điệu dân ca dân tộc và quê hương Mường Bi của mình. Trở về địa phương, chúng tôi sẽ dùng những kiến thức được học, phát huy hết sức, làm hết sức để truyền đạt nhiều hơn, đưa làn điệu dân ca ngày càng thấm sâu trong đời sống cộng đồng.
Bùi Minh
(HBĐT) - Thực hiện CVĐ xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong đơn vị quân đội gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong những năm qua, Đảng ủy, Ban CHQS TPHB đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo CBCS xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp tại đơn vị và nơi cư trú nhằm góp phần tu dưỡng phẩm chất đạo đức, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tạo điều kiện để bộ đội yên tâm công tác, gắn bó xây dựng đơn vị VMTD.
(HBĐT) - Ngày 16/8, huyện Kỳ Sơn tổ chức hội thi thông tin cổ động huyện Kỳ Sơn năm 2012. Dự hội thi có hơn 100 diễn viên đến từ 9 đơn vị xã, thị trấn tham gia.
(HBĐT) - Anh Hà Trọng Lưu, chủ tịch UBND xã Chiềng Châu (Mai Châu) bộc bạch: “Tại thời điểm này, xã Chiềng Châu đang phối hợp với một số ngành của tỉnh tổ chức lớp hướng dẫn viên du lịch - văn hoá với sự tham gia của trên 52 học viên, là cư dân tại các thôn, bản. Mọi người được học hỏi về lịch sử văn hoá quê hương, những nét đẹp trong phong tục, tập quán lễ hội của người Thái, cách thức tiếp cận với du khách gần xa trong chương trình hướng tới xây dựng mô hình du lịch văn hoá tại cộng đồng. Các học viên đều cảm thấy hồ hởi vì những gì mà lớp học đang đem lại cho mình...”
(HBĐT) - Ngày 14/8, TP. Hòa Bình đã tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ về xây dựng đời sống văn hóa năm 2012 cho 250 là trưởng ban mặt trận các xóm, tổ dân phố; chủ tịch MTTQ và trưởng ban văn hóa các xã, phường trên địa bàn.
(HBĐT) - Ngày 14/8, tại Nhà văn hóa TP Hòa Bình, UBND thành phố đã tổ chức thông báo về việc bình chọn phương án kiến trúc công trình biểu tượng thành phố.
(HBĐT) - Là một trong 4 xã thuộc vùng dự án Childfund của huyện Cao Phong, cùng với nguồn ngân sách của Nhà nước, xã Thu Phong được tổ chức Childfund tại Việt Nam đầu tư xây dựng cho nhiều hạng mục về giáo dục, y tế, nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn... Đến nay, xã được UBND huyện công nhận đạt chuẩn xã phù hợp với trẻ em, có nhiều tiêu chí xã Thu Phong đạt điểm tối đa như trẻ em sinh ra được khai sinh, được tiêm vắcxin và uống vitamin, không có trẻ phải lao động nặng nhọc, độc hại, lang thang cơ nhỡ, bị xâm hại.