(HBĐT) - Quê tôi, miền quê yên ả, cả làng, cả xóm uống nước chè xanh. Chè xanh trở thành thức uống hàng ngày của người dân quê tôi. Nhớ hồi còn nhỏ, mẹ đi chợ mua một bó chè. ở nhà, bố lo cọ rửa chiếc ấm đất, mấy cái bát thật sạch, mẹ đi chợ mang chè về, ông đem ra ngồi đầu hè nhặt sạch, bẻ ngắn từng cành rửa kỹ rồi sắp vào ấm. Quê tôi nấu chè xanh là cả cành, cả lá, theo các cụ sành uống chè có như vậy, nước chè mới đậm, mới đủ độ chát thơm, uống vào đầu lưỡi đã cảm thấy hơi chát nhưng ngấm dần, chép miệng thấy hơi ngọt.
Nấu chè xanh cũng lắm cầu kỳ, phải là nước mưa đựng trong chum, trong vò bằng sành hoặc thứ nước giếng, thứ giếng chùa, giếng đình trong vắt, không mang tạp chất, mùi vị đã được thử nghiệm. Lúc đun lên bếp lửa, muốn dùng củi gì cũng được nhưng kiêng tránh cái anh củi xoan vì lửa củi xoan làm cho nước chè bớt xanh, kém chát, kinh nghiệm thực tiễn mà chẳng hề có sự phân tích khoa học. Nước sôi, cho nhỏ lửa, múc nước chè xanh là bằng chiếc gáo dừa nho nhỏ bằng chiếc bát ăn cơm, màu đen gan gà cứ thế mở vung, hơi bốc lên một mùi chè xanh quen thuộc, hấp dẫn. Chè xanh múc ra bát, màu nước xanh mật vịt đặc tưởng như cắm tăm không đổ, bày lên phản, lên chõng tre, trải chiếc chiếu lên sân, lên sàn rồi đứng đầu sân ới nhau có nồi nước mới mời các bác, các chú sang uống:
Quê tôi mời nhau bát nước chè
Thương nhau từ đầu xóm, cuối thôn.
Đúng như câu hát trong bài “Quê tôi” của nhạc sĩ Tân Huyền. Dưới ánh trăng, đêm hè, thú vui uống chè xanh thành một nét văn hóa ẩm thực dân dã của quê tôi. Trong lúc uống chè chỉ có chuyện cấy, cày làm ăn, giống cây, giống con, ruộng trên no nước, ruộng dưới ngấu bùn. Cánh đồng lúa xanh đang thì con gái, ngoài bãi ngô đã trổ cờ, phun râu. Những người chân quê có thói quen chỉ bàn việc thiết thực, còn việc to tát trên tỉnh, dưới huyện đã có người chức trách. Chuyện xung quanh bát nước chè xanh rôm rả ân tình, đậm đà tình làng, nghĩa xóm với quan hệ tắt lửa, tối đèn có nhau.
Đi xa dù ở đâu vẫn nhớ bát nước chè xanh quê hương và không khí làm ăn cày sâu, cuốc bẫm của các lão nông tri điền. Lòng dạ dân quê cứ nghĩ đâu, nói vậy, nói thẳng như ruột ngựa, chẳng vòng vo, lắt léo mà ghét nhất là cái tính lươn lẹo, đâm bị thóc, chọc bị gạo. Đoàn kết thôn quê là đoàn kết chất phác, chân tình. Nhớ cái thời chống Mỹ bên nồi nước chè xanh, bố Nhanh hồ hởi nói: Mình cứ ăn củ sắn, uống nước chè xanh, nghe đài Hà Nội là yên tâm, là chuẩn nhất rồi”.
Ngày nay, các ông, các bà ở phố phường về hưu, tuổi già cũng thích uống nước chè xanh. Tôi có ông bạn dù đi đâu mà thiếu bát nước chè xanh là miệng thấy nhàn nhạt, giọng lờm lợm, khó chịu. ông bạn nói khổ nỗi “đã quen mất nết đi rồi”. Uống nước chè xanh có mấy cái lợi, trước hết là rẻ tiền, thứ hai là sạch, sau nữa nước chè xanh vừa giải nhiệt, vừa ít ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nhiều cụ ông, cụ bà uống nước chè xanh khoẻ ra, ăn tốt, ngủ tốt.
Ngày nay, thị trường ẩm thực phát triển, người ta quảng cáo tiếp thị “chè xanh không độ” nhưng người nghiện chè xanh nghe loại đồ uống ấy thì cứ dửng dưng vì chẳng hợp với khẩu vị mình, khẩu vị người nhà quê. Chè xanh phải uống bát mới đã, mới đậm đà. Dưới ánh trăng bên hiên nhà, gió nhè nhẹ thổi, nhất là về mùa hè nóng nực, cứ quần đùi, may ô hay vô tư đánh trần uống bát nước chè xanh là thấy khoái, thấy lâng lâng một miền quê đang xây dựng nông thôn an lành mà rất đỗi nhân văn.
Văn Song (T.T.V)
(HBĐT) - Cùng với nhiều miền quê khác trong tỉnh, những ngày này, người dân Yên Thủy từ khắp mọi miền đều trở về để cùng chung vui bên mâm cỗ gia đình và để cùng hòa mình trong lời ca, tiếng hát quê hương. Về Yên Thủy những ngày này mới cảm nhận hết được sự đa dạng, phong phú trong đời sống VH-VN của nhân dân.
(HBĐT) - Ngày 31/8, huyện Kỳ Sơn đã tổ chức hội thi hòa giải viên giỏi năm 2012. 12 thí sinh của 10 xã, thị trấn là các hòa giải viên được tuyển chọn và đạt giải cao trong hội thi hòa giải viên giỏi cấp cơ sở đã tham dự hội thi.
(HBĐT) - Quảng cáo ngoài trời gồm quảng cáo bằng bảng, biển, pa-nô, băng rôn, màn hình đặt nơi công cộng, vật phát quang, vật thể trên không, dưới nước, phương tiện giao thông, vật thể di động. Theo quy định của Pháp lệnh Quảng cáo, việc thực hiện các loại hình quảng cáo trên phải được Sở VH-TT&DL cấp giấy phép quảng cáo. Tuy nhiên, tình trạng quảng cáo không giấy phép, quảng cáo lộn xộn làm xấu đến mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường, TTATGT đang là vấn đề khó khăn, bất cập trong công tác quản lý đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bản tỉnh ta.
(HBĐT) - Để có điều kiện giúp đỡ trẻ em khó khăn trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh ra thư kêu gọi ủng hộ cho quỹ bảo trợ trẻ em tới các tổ chức chính trị - xã hội; các cơ quan, ban, ngành, các DN đóng trên địa bàn; CB-CNVC, LLVT; đồng bào các dân tộc trong và ngoài tỉnh tích cực tham gia ủng hộ.
(HBĐT) - Hoa ban là một trong những sản vật của núi rừng hùng vĩ Tây Bắc. Vào mùa xuân, rời Hà Nội theo quốc lộ số 6, từ Hòa Bình trở đi là bắt đầu nhìn thấy hoa ban. Xe tiếp tục chạy, càng lên cao hoa ban càng nhiều. Bên ô cửa kính, du khách có cảm giác như gặp muôn nghìn cánh bướm chập chờn bay theo trong suốt cuộc hành trình. Qua huyện lỵ Thuận Châu (Sơn La), là tới địa danh bất tử hùng vĩ Pha Đin, giữa bao la chồi non lộc biếc đại ngàn, từng chùm hoa ban trắng như bông và xốp tựa mây, trôi bồng bềnh trong không gian, chảy xuống các lòng thung và vắt lên tận những đỉnh núi chọc trời.
(HBĐT) - Từ năm 2002 đến nay, mỗi sáng, trưa hay vào các buổi chiều, khi công việc đồng áng trong ngày đã được hoàn tất, bà con xóm Xuân Tiến (xã Xăm Khoè - Mai Châu) lại được nghe lời chào “Đây là bản tin của trạm truyền thanh Xuân Tiến”…