Món cá nướng đặc trưng của vùng hồ Hòa Bình.

Món cá nướng đặc trưng của vùng hồ Hòa Bình.

(HBĐT) - Ẩm thực Hòa Bình nằm trong những nét đặc trưng của bản sắc văn hóa các dân tộc miền núi Tây Bắc. Đến thăm Hòa Bình bạn đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức những món ăn khá đơn giản, mang dấu ấn hoang sơ của người dân nơi đây.

 

Lợn thui luộc

Lợn thả rông được thui vàng, thui đến đâu cạo lông đến đó rồi rửa sạch trước khi mổ lấy phần nội tạng. Không rửa lại nước mà chỉ lấy lạt giang buộc treo lên cho ráo máu. Thịt lợn làm như vậy sẽ để được lâu, không bị ôi thiu. Sau đó, thịt được pha ra cho vào nồi luộc trên bếp củi ở nhiệt độ vừa phải. Khi thịt vừa chín tới đem ra thái mỏng, bày trên lá chuối rừng tươi xanh. Thịt nóng quyện với lá chuối rừng tạo ra hương vị thơm ngon.

Thịt luộc được chấm với muối rang và hạt dổi nướng giã nhỏ. Khách du lịch thưởng thức món ăn sẽ cảm nhận được độ ngọt của thịt lợn, giòn của bì và mỡ, mùi thơm của lá chuối, hương vị của hạt dổi, đậm đà của muối rang. Mỗi khi ăn xong không ai có thể quên được.

Thịt lợn muối chua

Thịt lợn nuôi thả ướp với men của lá rừng cùng với gạo rang giã nhỏ thời gian khoảng 60 phút. Sau đó lấy lá chuối rừng hơ trên lửa, lau sạch rồi lót vào đáy bồ làm bằng tre, nứa, trước khi đưa thịt vào bồ. Phần dưới của bồ (trên của lá chuối) được rải một lớp gạo rang nhỏ trộn với muối rang sau đó xếp thịt lên, cứ một lần xếp thịt lại rải một lần gạo rang với muối. Sau đó đậy kín nắp bồ bằng lá chuối và để bồ thịt muối ở quang bếp củi hoặc trên gác bếp đun củi. Khi khách du lịch thưởng thức món thịt lợn chua vẫn cảm nhận được màu sắc của thịt, ngậy của bì, độ chua của men rừng, độ mặn vừa phải của muối, độ thơm của gạo. Món ăn này thường được ăn với các loại lá rừng.


Măng chua nấu thịt gà

Gà nuôi thả có trọng lượng từ 0,8 – 1 kg được làm sạch lông rồi mổ bỏ phần nội tạng, gà chặt ra thành miếng nhỏ, đem ướp với măng chua (măng muối càng lâu càng tốt) cùng với gia vị bóp ướp để từ 20 – 30 phút cho ngấm hương vị của măng và gia vị, sau đó cho vào nồi vần quanh bếp củi than khoảng 1-2 giờ. Khi thịt gà và măng đã chín nhừ rắc thêm một ít hạt dổi nướng giã nhỏ. Món này khi ăn, thịt gà, măng chua, hạt dổi được quyện với nhau.


Chả cuốn lá bưởi

 

Thịt lợn ba chỉ thái con chì, ướp một chút nước mắm, hành. Lá bưởi cắt làm đôi, cuốn mỗi miếng thịt một nửa lá to hoặc một lá nhỏ, kẹp vào kẹp tre nướng trên than hồng. Mỡ lợn gieo xuống than hồng làm dậy lên ngọn lửa mỏng mơn man kẹp chả, lá bưởi ngả màu hơi tím se lại là được. Khi khách du lịch cắn miếng chả, lá bưởi thơm giòn, gãy mảnh lẫn vào thịt săn vàng làm tiêu tan sự ngấy, chỉ còn lại mùi thơm, khi nuốt miếng chả rồi còn lại cảm giác tê tê đầu lưỡi.


Món cá nướng đồ

Một số loại cá như: cá diếc, cá trê, cá chép... thường được đem nướng thơm. Trước khi nướng, cá được thọc các que nhỏ dài qua miệng xuống bụng, xuống tận đuôi cá rồi dùng kẹp tre xanh kẹp vào cho cá khỏi rơi, gãy. Cá nướng được đem rắc muối, gói lá chuối, đồ lên rồi mới ăn.


Thịt trâu nấu lá lồm

 

Thịt trâu đem thui cho thơm, cạo sạch rồi bung cho mềm, đem bóc thái miếng nhỏ, hầm trong nồi đất chín kỹ rồi giã lá lồm (một loại lá chua), nêm một ít tấm gạo bỏ vào nồi hầm với thịt trâu. Khi tấm chín nở và hơi sánh thì cũng là lúc thịt trâu nhừ và ngấm vị chua của lá lồm. Đây là món ăn phổ biến của người Mường Hoà Bình.


Cơm lam

 

Cơm lam được làm bằng cách bỏ gạo nếp vào ống nứa tươi non, đổ nước xâm xấp sau đó đem nướng trên lửa. Cơm chín với vị thơm của hạt gạo quyện với mùi thơm tự nhiên của nứa tươi khiến du khách khó lòng quên một món ăn vùng Tây Bắc. Hiện nay, cơm lam đã trở thành món ăn đặc sản của khách sạn, nhà hàng ở nhiều nơi trong nước, không chỉ riêng ở Hoà Bình.


Xôi các màu

Người ta tạo ra màu xôi từ các thứ cây thân cỏ, sau đó lần lượt cho gạo màu đỏ xuống trước, sau là màu xanh, vàng, tím, trắng cho lên trên cùng. Khi xôi chín, dỡ ra rồi trộn với nhau hoặc để riêng từng màu thành loại xôi nhiều màu với hương vị khác nhau trông rất đẹp mắt. Đây là món ăn dân tộc rất được khách du lịch ưa chuộng.


Măng đắng

Măng ngon là thứ mầm cây thuộc họ tre, trúc, mai, vầu, sặt, nứa mới nhú khoảng 1-2 đốt ngón tay trở xuống, phần thân còn lại ngập trong đất. Khi bóc bẹ ra, thân măng trắng muốt, nuột nà.

 

Muốn có món măng đắng ngon phải chọn những mầm măng sặt mới nhú lấy củi nướng cho đến khi măng cháy xém, quắt lại bóc dần từng bẹ chấm vào gói chẩm cheo gồm muối, ớt, lá gừng, mắc khén, lá tỏi và củ tỏi giã nhỏ. Khi ăn, ta sẽ cảm nhận được vị đắng ngọt của măng, vị mặn của muối, vị cay nồng của ớt, vị cay ấm của lá gừng, vị cay tê của mắc khén, vị cay rát của tỏi cùng hương vị đặc trưng của nước măng chua và cây măng nướng.


Rau rừng đồ

 

Rau rừng đồ được ăn với bánh dày làm từ gạo và sắn. Rau rừng gồm rất nhiều loại như: Rau beo, rau tầm bóp, rau đốm, rau đu đủ, rau the hởi, hoa chuối, quả quạnh… rửa sạch đem đồ trên cuốp gỗ khoảng 30-40 phút. Khách du lịch thưởng thức món ăn này bằng cách ăn rau rừng đồ chấm với loại nước chấm đặc biệt, qua đó sẽ cảm nhận được hương vị đắng, chát, cay, ngọt, bùi của món ăn.


Canh Loóng

Đây là món canh được nấu từ nước luộc thịt với cây chuối rừng thái mỏng. Cây chuối rừng lấy về được bóc vỏ ngoài lấy nõn thái mỏng, nhỏ bóp với muối sau đó thả vào nước luộc thịt đun trên bếp củi khoảng 30 phút. Sau đó rắc vào một ít hạt dổi nướng giã nhỏ và lá lốt rừng thái mảnh trước khi ăn.


Nước chấm ớt

Ớt nướng giã với củ kiệu, sau đó lấy đầu gà, tiết gà, ruột gà giã tiếp cho nhuyễn rồi trộn với ít rau thơm thái nhỏ thành món nước chấm ớt. Đây là nước chấm cổ truyền của người Mường. Món này dùng để chấm thịt luộc rất ngon.


Rượu cần

Rượu cần được làm bằng cách lấy một nắm lá rừng nghiền nhỏ rồi trộn với tinh bột để tạo men, sau đó cho vào vò, phủ một lớp trấu để ủ. Khi uống, khách du lịch chỉ việc đổ nước đun sôi để nguội hoặc nước khoáng đóng chai vào đầy bình, vơi đến đâu lại đổ tiếp nước đến đó, sao cho bình rượu bao giờ cũng đầy. Trong tiệc rượu, mọi người ngồi quây tròn bên nhau, cùng thưởng thức cái êm nồng, dịu ngọt, ngây ngất của rượu cần, cùng với tiếng cồng, tiếng chiêng, tràn ngập không khí hội hè.

 

 

                                            HBĐT tổng hợp

Các tin khác

Không có hình ảnh
Nghệ sỹ piano lừng danh Đặng Thái Sơn
Nhân dân xóm Đổn, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn)  múa hát trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2012.
Tiết mục hát múa tại đêm văn nghệ do các bạn trẻ trường THPT Lạc Long Quân biểu diễn.

Du lịch cộng đồng - dấu ấn đặc sắc của Mai Châu

(HBĐT) - Đến với huyện vùng cao Mai Châu, khách du lịch sẽ được sống trong tình cảm yêu thương, thân thiện và hòa đồng của người dân nơi đây. Đất trời Mai Châu hòa cùng núi non hùng vĩ, những khu rừng nguyên sinh thăm thẳm, cổ kính, là khu rừng cọ bát ngát, là tiếng suối réo rắt nơi thượng nguồn sông Mã, là những hương vị sản vật đậm thiên nhiên đặc sắc và còn là tình người chân thật Hang Kia, Pà Cò, là tỏi tía Noong Luông, cá dầm xanh, khoai sọ Vạn Mai, men say của rượu Mai Hạ ấm lòng du khách... Có đến Mai Châu mới hiểu được vì sao cảnh vật thiên nhiên, không gian văn hóa, vùng đất và con người Mai Châu từ lâu nay đã ghi dấu ấn khó phai trong lòng du khách.

Rực rỡ chợ phiên Pà Cò

(HBĐT) - Chợ cách thung lũng Mai Châu chừng 30km về phía Bắc. Cứ vào chủ nhật, chợ họp tấp nập, khách phương xa dừng chân thích thú, lạ lẫm vì không khí vui vẻ và sắc màu rực rỡ.

Lịch Đoi của người Mường Hòa Bình  

(HBĐT) - Lịch Đoi sự tổng hợp, đúc kết kinh nghiệm qua nhiều đời của người Mường xưa và là biểu hiện rực rỡ của tư duy Mường - Việt trong nhận thức thế giới, một sự tổng hợp của các sự phân kỳ, phân thời gian trong suốt một năm dựa trên cách tính toán, căn cứ vào sự vận động của mặt trăng, kết hợp với hậu vật. Lịch Mường cần được lưu giữ bởi hiện tại ít người biết xem lịch Đoi, chỉ những thầy mo có tuổi mới có nhận xét chính xác từng ngày trong tháng và từng tháng trong năm.

Năm 2012 ước có trên 1,6 triệu lượt khách du lịch đến với Hòa Bình

(HBĐT) - Theo Sở VH-TT&DL, trong năm 2012, tổng lượt khách thăm quan du lịch đến với tỉnh ta ước có 1.638.000 lượt người, so với cùng kỳ năm trước tăng 18,3%. Trong đó, khách quốc tế 129.000 lượt người; khách nội địa 1.509.000 lượt người. Doanh thu từ du lịch đạt 435 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch năm.

Ra mắt Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Hòa Bình

(HBĐT) - Tối 26/12, tại trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc đã diễn ra lễ ra mắt Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Hòa Bình. Đến dự có nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; các hội viên trong Chi hội và đông đảo người yêu nhạc.

Thành phố Hòa Bình tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII)

(HBĐT) - Ngày 26/12, Thành ủy Hòa Bình tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục