Ông Nguyễn Văn Vĩnh, thôn Sỏi, xã Phú Thành (thứ 2 bên trái) giới thiệu sản phẩm tinh tế từ đá do Công ty của ông sản xuất.
(HBĐT) - Những năm gần đây, làng nghề chế tác đá cảnh đang từng bước được hình thành tại xã Phú Thành (Lạc Thủy). Dọc theo QL 21 từ xã Phú Thành đến trung tâm huyện, không khó để nhận ra con đường đá cảnh ở thôn Sỏi, nơi nổi tiếng với những tác phẩm tạo hình từ đá tự nhiên. Từ xa, các thế đá nhấp nhô, đủ hình dáng. Nhiều nông dân đã trở thành những tỷ phú nhờ những hòn đá vô tri vô giác.
Theo giới thiệu của Trưởng thôn Đỗ Mạnh Thắng, chúng tôi tìm đến thăm mô hình chế tác đá cảnh của gia đình ông Nguyễn Văn Vĩnh. ông Thắng được mọi người biết đến không chỉ là người đầu tiên làm nghề đá cảnh mà còn là chủ một doanh nghiệp chuyên thiết kế sân vườn và cung cấp các loại cây cảnh, đá cảnh. Sau khi dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng cơ sở sản xuất đá cảnh, ông Vĩnh tâm sự: Ban đầu chỉ là đam mê làm non bộ để chơi và trồng các loại cây cảnh, sau đó ý tưởng tạo nên những sản phẩm có giá trị kinh tế từ chính nguồn đá tự nhiên ở quê hương mình dần được hình thành. Vậy là từ năm 2000, ông lặn lội vào các dãy núi đá vôi của xã tìm cây, tìm đá về mày mò chế tác, quyết tâm gây dựng nghiệp làm đá từ vốn liếng và kinh nghiệm ít ỏi. Theo ông, khâu chọn đá khá quan trọng nếu là loại đá vôi sợi dài, độ mịn cao, phiến lớn lẫn ít tạp chất, nếu được khai thác tốt sẽ có nhiều sản phẩm có giá trị cho kiến trúc, xây dựng, đáp ứng nhu cầu sử dụng và thẩm mỹ của những người đam mê đá cảnh. Từ hòn đá tưởng như vô tri, qua bàn tay con người có thể biểu cảm nhiều tâm trạng có sầu, có vui như: hòn vọng phu, hòn mẫu tử... Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được mà xuất phát từ tính ham học hỏi, yêu nghề và đòi hỏi người thợ phải có lòng kiên trì và óc thẩm mỹ. Từ một tảng đá thô sơ, tùy theo yêu cầu sản phẩm, người thợ dùng búa, đục rồi mài từng góc cạnh để tạo ra những đường cong uốn lượn, mềm mại. Đây được xem là khâu quan trọng nhất để biến một sản phẩm thô thành tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, có giá trị thẩm mỹ cao. Mỗi họa tiết hoa văn được những người thợ thực hiện tỷ mẩn trong từng nét đục, các nét chạm phải nhích từng ly mới tạo ra những sản phẩm tinh tế từ đá.
Hiện nay, trong số hơn 100 hộ dân ở thôn Sỏi, xã Phú Thành đã có trên 80% gia đình làm nghề chế tác đá. Nhiều hộ trước chỉ làm nông nghiệp, đến nay đã làm thêm nghề cây cảnh non bộ, đá phong thủy, chậu đá, bàn, ghế đá... Đặc biệt, trước đây, các hộ sản xuất đá cảnh chủ yếu làm thủ công, giờ đây phần lớn các cơ sở đã đầu tư mua dây chuyền sản xuất hiện đại để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Theo các cơ sở và doanh nghiệp sản xuất ở đây thì yếu tố đầu tiên tạo được chỗ đứng cho làng nghề là chất lượng và giá của sản phẩm, giá cả cạnh tranh được là vì thôn đã tận dụng được nhiều lợi thế ở địa phương, không mất tiền thuê mặt bằng, sử dụng nguyên liệu trong nước. Hiện nay, nhiều gia đình trong thôn đã có thể tự mua cần cẩu, ô tô riêng, mở rộng sản xuất; các cơ sở sản xuất đá cảnh đã thu hút khoảng 1.000 lao động, chủ yếu là người địa phương với thu nhập từ 3,5-4 triệu đồng/người/ tháng. Từ nghề sản xuất đá cảnh, nhiều thanh niên đã có việc làm ổn định tại địa phương.
Các sản phẩm từ đá ở thôn Sỏi không chỉ đã từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng đa dạng của thị trường trong mà còn xuất khẩu ra các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc... ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong quá trình xây dựng NTM, huyện quan tâm tới việc xây dựng các làng nghề sản xuất TTCN nhằm phát huy thế mạnh của địa phương để đẩy mạnh hơn nữa phòng trào giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân. Đối với nghề chế tác đá cảnh, hàng năm, huyện đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công tỉnh tổ chức các lớp tập huấn nâng cao tay nghề cho nông dân để phát triển theo hướng hàng hóa. Đặc biệt là đào tạo cho lớp thợ trẻ đi sâu vào nghề để sản phẩm đá cảnh của địa phương vừa giữ được nét truyền thống, vừa đạt đến độ tinh xảo, đặc sắc riêng biệt và xây dựng thương hiệu làng nghề cho đá cảnh thôn Sỏi...
Với ưu thế về nguồn nguyên vật liệu đá tại địa phương, kỹ năng, bí quyết và truyền thống nghề nghiệp, nghề chế tác đá cảnh ở thôn Sỏi đã thu hút cả ngàn lao động. Nhờ phát triển mô hình này, điều kiện kinh tế của nhiều hộ gia đình trong thôn đã ổn định hơn với thu nhập bình quân mỗi hộ khoảng 150 - 200 triệu đồng/năm. Đó cũng là mô hình giúp nhau xóa đói - giảm nghèo cần được nhân rộng hơn nữa góp phần cùng nhân dân xây dựng gia đình, làng văn hóa, giúp cho một vùng quê khởi sắc đi lên.
Hoàng Huy
(HBĐT) - Ông Nguyễn Văn Dân, Trưởng phòng VH-TT huyện Cao Phong cho biết: Cồng chiêng Mường Thàng mang trong mình những giá trị văn hóa đặc sắc được bảo tồn và lưu giữ đến ngày nay.
(HBĐT) - Ngày 4/3, CĐ Giáo dục huyện Tân Lạc đã tổ chức hội thi nữ công tài năng, duyên dáng nhân kỷ niệm năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.
(HBĐT) - Ngày 4/3, Huyện ủy Lạc Thủy tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết T.ư 5 (khóa VIII) “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
(HBĐT) - Vừa qua, xã Hưng Thi (Lạc Thủy) đã tổ chức lễ khai hội đình thôn Niếng.
(HBĐT) - Ngày 4/3, Hội LHPN, LĐLĐ và Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ TP Hòa Bình đã phối hợp tổ chức hội thi Phụ nữ và bữa ăn gia đình.
(HBĐT) - Ngày 3/3, Chi hội đồng hương Thanh Oai, phường Phương Lâm (TPHB) đã tổ chức gặp mặt đầu xuân Quý Tỵ 2013. Đông đảo hội viên trên địa bàn phường đã đến dự.