Trong ký ức tuổi thơ mỗi con người, nhất là những ai sinh ra ở làng quê cách nay vài thập kỷ trở về trước thì có lẽ tâm trạng, cảm xúc của những buổi mong ngóng mẹ đi chợ về đều nôn nao giống nhau. Đợi mẹ đi chợ về cùng đồng nghĩa với đợi chờ giây phút được ăn quà mà mẹ mua ở chợ mang về cho đàn con, dẫu những thứ quà chợ quê chỉ là vài nắm bỏng gạo, dăm chiếc kẹo bột, vài miếng bánh đúc lạc, chục tấm mía hay mấy múi bòng múi bưởi... giản đơn, rẻ tiền. Thời xưa, kinh tế còn nghèo khó, kẹo, bánh và nhiều thứ quà ngon như ở thời hiện đại ngày nay chưa nhiều, phổ biến thì được ăn những món quà chợ giản đơn như thế đã là quá hạnh phúc.
Chợ phiên thường họp trong khoảng cách mấy ngày một lần, tùy theo quy ước của từng địa phương và hình ảnh của những người đi đến chợ để mua bán, trao đổi hàng hóa thật giản đơn chỉ là cuốc bộ với đôi quang gánh nặng hàng hóa trên vai. Nhà ai giàu có lắm cũng chỉ có chiếc xe đạp cà tàng chứ ngày đó chưa hề có xe máy. Chợ quê thường gắn với hình bóng của những người đàn bà lam lũ với nón mê áo vá, quanh năm đầu tắt, mặt tối, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời lo cho chồng, con có miếng cơm, manh áo. Thời khắc mà họ hiện diện ở chợ cũng đầy suy tư, lo toan trên nét mặt bởi họ phải đắn đo nên mua những thứ gì sau khi bán mấy thứ nông sản được một chút tiền ít ỏi. Sau khi đã mua các thứ hàng hóa thiết yếu cho như cầu sinh hoạt hàng ngày, bao giờ những người phụ nữ tảo tần ấy cũng không quên phải dành ra một chút tiền để mua quà bánh cho bố mẹ, con ở nhà...
Mẹ tôi là một trong số những người phụ nữ như thế! Chợ phiên cách 5 ngày một lần họp mẹ đều có mặt, khi thì bán con gà, ổ trứng, lúc lại bán thúng thóc, buồng chuối... để lấy tiền mua muối, mì chính... phục vụ cho bữa ăn sinh hoạt của gia đình. Chỉ khi nào bán được nhiều tiền hơn chút ít, mẹ mới dám mua con cá, mấy lạng thịt mỡ để cả nhà cải thiện. Mấy anh, chị em chúng tôi không quan tâm mấy đến thịt cá, bởi dẫu có hay không cũng không quan trọng lắm, cả tháng ăn rau, ăn cơm cũng đã quá quen rồi. Thế nhưng, nếu mẹ đi chợ về mà không có quà chắc chắn mấy chị em đều buồn thiu. Nhưng không, mẹ là người rất tâm lý, bao giờ mẹ cũng mua quà cho các con. Hôm ít tiền mẹ chỉ mua vài thứ quà, những hôm kha khá mua tới bốn, năm loại quà.
Cảm giác ngồi ở đầu ngõ hay bậc thềm ở cửa nhà đợi ngóng mẹ đi chợ về với tôi vẫn luôn tươi mới, không nhạt phai. Mẹ tôi thường đi chợ vào lúc trời tờ mờ sáng. Có khi mẹ đến chợ cách xa gần chục cây số mặt trời mới ửng đỏ ở đằng Đông. Cứ độ ngoài 10 giờ trở ra, sau khi làm hết các việc vặt trong gia đình được mẹ phân công trước lúc đi chợ, tôi thường cùng đứa em út ra đầu ngõ để đợi mẹ về. Từ đằng xa phía đầu làng, chỉ cần thấy bóng mẹ thấp thoáng trong đoàn người đi chợ về đông đúc là tôi đã nhận ra mẹ. Cảm xúc sung sướng tột độ sau những giây phút đợi chờ, ngóng trông khiến tôi và em chạy nhanh đến bên mẹ, níu quang gánh, luôn mồm hỏi xem hôm nay mẹ mua quà gì! Khi mẹ về đến sân, vừa đặt quang gánh xuống là tôi đã lục tung cả hai bên thúng để tìm quà. Giây phút thích nhất là được mẹ phân phát quà cho từng đứa một. Mẹ thường chia quà rất đều và công tâm, khi con lớn được ít hơn so với nhứng đứa nhỏ vì mẹ luôn nói rằng lớn là phải nhường nhịn cho bé... Khi đã có quà, đứa nào, đứa nấy đều ăn ngấu nghiến một cách ngon lành. Tôi hay ăn dè để quà lâu hết, thậm chí còn để dành tới tận chiều tối mới ăn cho mấy đứa em thèm...
Cảm xúc ngóng mẹ về chợ rồi được ăn quà như thế trong tôi là kỷ niệm đẹp khó mờ phai mờ trong quãng thời gian ấu thơ nghèo khó nơi quê nhà. Trẻ con bây giờ có lẽ không thể có được, tìm thấy khi mà sự đủ đầy về vật chất khiến cho chúng đâu có còn tha thiết với mấy thứ quà giản đơn, rẻ tiền và không còn tha thiết muốn ăn nữa...
Tản văn của Trịnh Viết Hiệp
(Báo viết - Học viện BC&TT)
(HBĐT) - Năm 2014, huyện Cao Phong đã tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, mở các tua, tuyến và sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng của huyện như du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, tâm linh... từng bước đưa tỷ trọng du lịch, dịch vụ phát triển tương xứng với tiềm năng của huyện...
(HBĐT) - Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL của Bộ VH- TT & DL ngày 21/1/2011 về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội đã nêu rõ những quy định, khuyến khích tổ chức lễ cưới với tiêu chí tiết kiệm, không vì mục đích kinh doanh, vụ lợi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không mấy đám cưới tổ chức đúng theo các tiêu chí đó, việc lấn chiếm đường giao thông làm địa điểm, tổ chức trong giờ hành chính, tình trạng tiệc cưới xa hoa, lãng phí... vẫn còn phổ biến.
(HBĐT) - Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tầm nhìn văn hoá rộng lớn và trí tuệ văn hoá sâu sắc; là ánh sáng chỉ đường, là sức mạnh thôi thúc hành động chẳng những đối với nhân dân ta mà còn đối với tất cả những ai đang đấu tranh cho tự do, độc lập, cho sự tiến bộ của loài người.
(HBĐT) - Sáng 9/1, Đài PT&TH tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác ngành Phát thanh, Truyền hình năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
(HBĐT) - Ngày 8/1, tại Trung tâm hoạt động TTN, Ban thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức liên hoan “Vũ điệu học đường” năm 2015. Dự liên hoan có đại diện lãnh đạo Tỉnh Đoàn và Công ty CP viễn thông quân đội Vietel Hòa Bình, trên 300 vũ công là học sinh, sinh viên (HS-SV) của 24 đội thi đến từ các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, THPT thuộc 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh và đông đảo khán giả, cổ động viên của các trường đến cổ vũ.
(HBĐT) - Từ đầu tháng 1/2015 đến hết Tết Nguyên đán, Bảo tàng tỉnh đã mở cửa trưng bày trên 2.000 hiện vật cổ hiện đang được lưu giữ bảo tồn, bảo tàng phục vụ người dân trên địa bàn và du khách thập phương. Hàng ngày, ước phục vụ cho trên 100 du khách đến thăm quan, tìm hiểu giá trị lịch sử, văn hóa của các hiện vật.