Làng tôi ven sông, xưa kia xanh ngát những triền dâu, những chiều xanh, con nước xuôi êm đềm rộng lòng ôm ấp những áng mây chiều bồng bềnh sóng nước. Gió đồng nhẹ thổi mang theo câu hò. Có tiếng võng chiều trong trưa hè đầy gió, có tiếng lách cách thoi đưa của mẹ ngồi dệt vải...
Từng ấy rộn rã, thanh bình đã nuôi lớn tâm hồn tôi!
Cuối xuân, đầu hè, những cơn gió mát lành trong trẻo. ánh sáng lấp lánh từ những ruộng dâu sáng bừng lên. Mặt trời hiện lên trên bầu trời xanh bao la trải đầy ánh sáng, cây lá rung rinh, sân tơ vàng óng phất phơ thanh bình những nẻo đường. Ao làng soi bóng hàng tre, đêm trăng sáng có cô láng giềng giặt lụa. Hết mùa vụ cấy, cày, cả làng lại rộn rã nghề con mọn:
“Nuôi lợn ăn cơm nằm
Nuôi tằm ăn cơm đứng”.
Bận rộn mà cũng vui khôn tả, tiếng tằm ăn rỗi, tiếng thoi đưa. Bên nhịp võng có em bé má tròn ngủ im trong trưa hè đầy nắng.
Những bước chân cứ dần thêm vội vã, tôi bỏ lại gió đồng xanh mơn man, tôi đi qua ngõ lụa bay phấp phới sắc màu, tôi quên với sợi tơ trời của hoa gạo cuối tháng 3. Hình ảnh người con gái ngồi quay tơ dệt lụa hay hình ảnh mẹ tôi một đời lam lũ dệt bao tấm lụa đẹp cho đời mà chẳng mấy khi mẹ may áo đẹp. Mỗi đêm nhớ mẹ, tôi lại nhớ hình ảnh mẹ ngồi quay tơ lẫn trong âm thanh kẽo kẹt lẫn trong tiếng ru ầu ơ êm đềm của tiếng võng trưa.
Tôi trở về gặp con sông quê xanh cây lá nhưng không còn những ruộng dâu tằm xanh mướt nữa, tôi mơ về những đàn cò trắng trên đồng như hình bóng mẹ lặn lội, một đời tần tảo, không quản sớm khuya, vất vả. Mẹ đã già, ánh mắt không còn lấp lánh của cô thôn nữ năm nào, mẹ gửi những nét thanh xuân trên gương mặt chị, trên gương mặt tôi. Mái tóc mẹ không còn xanh. Hôm về chải tóc cho mẹ, mái tóc dày dài ngày nào giờ là những sợi bạc phất phơ dịu dàng bay trong gió. Dáng mẹ sau bao năm đã còng theo thời gian. Mẹ nhuộm lụa đủ màu mà vẫn chọn cho mình màu nâu bền thân thuộc, dành cho chúng tôi rực rỡ, sáng tươi. Mẹ bảo:
- Mẹ mặc vậy quen rồi, những màu lòe loẹt mẹ không quen. Giờ già rồi mặc sáng màu nhìn sao được.
Tôi đúng là ngớ ngẩn thật. Mẹ đã không còn trẻ nữa. Mẹ ngồi như thế bao năm, quay bao vòng tơ, tất tả phơi bao nhiêu lụa. Lúc ấy, tôi mải chơi đâu biết thấm bớt cho mẹ những giọt mồ hôi nặng trĩu. Chúng tôi lớn khôn, phổng phao còn mẹ thì càng hao gầy!
Dòng thời gian trôi mãi, xóm làng đổi khác, những vạt dâu không còn. Tiếng quay tơ giờ đã thành quá khứ. Không chỉ mẹ tôi mà nhiều bà mẹ đã quay tơ như thế để nuôi lớn đàn con. Mẹ lớn lên bằng chiếc võng đay trong tiếng kẽo kẹt thoi đưa của bà ngoại. Chúng tôi sau có chiếc võng dù bố gửi từ Trường Sơn về. Mẹ lại ngồi dệt lụa, quay tơ và tiếng ru ầu ơ dệt lên khúc nhạc đời êm ả, vắng xa.
Lần tôi được về thăm làng Hoàng Trù, làng Sen, quê ngoại và quê nội của Bác ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. Tôi thực sự thấy xúc động khi được gặp ngôi nhà nhỏ ba gian, lợp tranh, trên đất vườn của ông bà ngoại Bác. Nơi đây Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và sống ở đây tới khi lên 5 tuổi. Những cảnh vật dường như quá đỗi thân thuộc, làng cảnh Việt Nam xưa kia hiện về dung dị với hình ảnh của lũy tre làng, con đường nhỏ, khung cửi, chiếc võng gai, bờ dâu... cùng các hiện vật trong khu di tích gắn liền với hình ảnh Bác Hồ như vẫn còn đọng lại trong đó hơi ấm của Người.
Cũng nơi đây, có chiếc võng gai đơn sơ, nơi xưa kia tuổi ấu thơ Bác Hồ đã nằm nghe tiếng hát ví dặm, ầu ơi của mẹ và những câu chuyện cổ tích của bà ngoại. Tuổi thơ của Người đã được mẹ và bà ngoại chăm sóc, vun đắp bằng những làn điệu dân ca bay bổng chứa đựng những ước mơ cao đẹp, hy vọng sâu xa. Có lẽ trên bước đường đời bôn ba năm châu, bốn biển, Người vẫn hoài vọng nhớ thương hình ảnh tuổi ấu thơ và những người thân yêu nơi làng quê thân thuộc. Lúc Bác sắp về với thế giới người hiền, Bác vẫn còn muốn được nghe câu ví dặm quê nhà hay một câu hò Huế để mãi nhớ về ký ức thân thương có hình bóng và hơi ấm của mẹ. Biết bao người con đất Việt từ bình thường đến vĩ nhân, bao thế hệ đã lớn lên, trưởng thành trong bao la thanh âm của tình mẹ!
Cuộc sống đổi thay, đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, làng quê dịu êm, non nước thanh bình. Khung cảnh gợi nhớ ấy dần đi vào dĩ vãng. Quê tôi dệt lụa, mấy nhà cố giữ nghề mà cũng trong cảnh khó khăn. Tôi vẫn vẳng nghe đâu đây những trưa hè rộn tiếng thoi đưa. Tôi mơ tiếng võng và nghe tiếng mẹ ngồi quay tơ.
Tản văn của Vũ Lệ Ngân Hương
(Trung tâm GDTX Tứ Kỳ,huyện Tứ Kỳ, Hải Dương)
(HBĐT) - Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) thành lập từ năm 2011 và được đánh giá là một trong những CLB có hoạt động tích cực, hiệu quả. Nơi đây đã trở thành điểm hẹn, gặp gỡ, chia sẻ của các thành viên về những vấn đề liên quan đến cuộc sống gia đình và mối quan hệ trong KDC. Chị Phùng Thị Hữu, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Tân Thịnh cho biết: CLB ra đời nhằm giúp các thành viên sẻ chia, tháo gỡ khó khăn, tìm ra những biện pháp để cùng nhau xây dựng gia đình êm ấm, hạnh phúc. Tại đây, các thành viên cũng được học hỏi thêm kinh nghiệm làm ăn, phát triển kinh tế hộ gia đình.
(HBĐT) - Qua một số lần được tiếp xúc, gặp gỡ và nói chuyện với ông Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, tôi biết ông là người rất tâm huyết với di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa dân tộc Mường, vì ông cũng là dân tộc Mường. Thế rồi vào một buổi tối đầu tháng 4/2015, trong không khí chuẩn bị cho lễ ra mắt Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường và khi đã ấn định ngày chính thức, tôi đến nhà riêng của ông để mời ông tham dự lễ ra mắt của Bảo tàng.
(HBĐT) - Vợ chồng cụ ông Nguyễn Bá Trình và cụ bà Vũ Thị Yên, trú tại tổ 11, phường Phương Lâm (thành phố Hòa Bình) năm nay đã 93 tuổi - Cái tuổi xưa nay hiếm. Trải qua 75 năm chung sống hạnh phúc, đối với hai cụ, đây là một hành trình đầy gian nan và thử thách để có ngày hạnh phúc này. Cụ ông vốn chàng trai Chương Mỹ - Hà Tây (nay là Hà Nội), cụ bà vốn là cô gái của vùng đất dệt Nam Định, hai cụ thoát ly lên Hòa Bình làm ăn sinh sống rồi gặp nhau, bén duyên.
(HBĐT) - Trong những năm qua, công tác thực hiện bình đẳng giới nói chung và vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) nói riêng của huyện Tân Lạc đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị luôn được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động.
(HBĐT) - Ngày 28/6, Phòng VH – TT phối hợp với công đoàn ngành giáo dục và LĐLĐ huyện Lương Sơn tổ chức hội thi nấu ăn với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”. Đây là lần đầu tiên huyện tổ chức hội thi nấu ăn nhân kỷ niệm ngày gia đình Việt Nam 28/6.
(HBĐT) - Nhân kỷ niệm ngày gia đình Việt Nam 28/6, Sở VH - TT & DL đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề xây dựng gia đình hạnh phúc và tuyên truyền phòng - chống ma túy, mại dâm. Dự buổi nói chuyện có lãnh đạo, đại diện Bộ VH - TT & DL, LĐLĐ tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh và đông đảo công nhân thuộc khu công nghiệp Lương Sơn.