Khu di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du, thuộc xã Tiên Điền,  huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du, thuộc xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

(HBĐT) - Sinh thời, Nguyễn Du vì đau đớn bởi sự cô độc giữa thời thế, giữa nhân tình đã thốt lên: “Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (không biết hơn ba trăm năm sau, thiên hạ có ai là người khóc Tố Như). Nhưng hai trăm năm qua ở Việt Nam, di sản vô giá, đặc biệt là Truyện Kiều của Nguyễn Du không ngừng lan tỏa và được khám phá trên nhiều phương diện khác nhau.

 

Từ nửa thế kỷ trước đây, trong hoàn cảnh chiến tranh, đất nước còn muôn vàn khó khăn, gian khổ, cùng với Nghị quyết của ủy ban Hòa bình thế giới, Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức Lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Nguyễn Du một cách trọng thể. Có thể nói, ở đâu trên đất nước này, nơi nào có cuộc sống, ở đó có Nguyễn Du. Từ những trí thức đến người lao động bình thường, không ai không thuộc hoặc không đọc, không nghe một vài câu Kiều của Nguyễn Du. Người ta đọc Kiều, người ta lẩy Kiều, người ta bói Kiều, người ta ru con bằng những câu Kiều. Và tôi nghĩ, nhiều cô bé, cậu bé nằm nôi lớn lên từ những lời ru đó không thể sống ác được, không thể không thương người, thương mình trong những bước truân chuyên cuộc đời. Trong suy nghĩ của chúng ta, di sản văn hóa của Nguyễn Du là sản phẩm kết tinh trí tuệ, tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam qua tài năng trác tuyệt của ông và cùng với thời gian, di sản ấy đã trở thành một phần tinh hoa văn hóa nhân loại. 

Một câu hỏi lớn thường đặt ra: Vì sao di sản của Nguyễn Du, đặc biệt là Truyện Kiều, có sức sống lâu bền và đi vào lòng người sâu rộng đến vậy? Như chúng ta đều biết, Nguyễn Du được sinh ra tại kinh thành Thăng Long, trong một gia đình đại quý tộc có truyền thống khoa bảng. Quê ông ở làng Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh - một vùng địa linh nhân kiệt. Truyền thống quê hương, gia đình, sự tích hợp nhiều nguồn văn hóa khác nhau, thập tải phong trần trải nghiệm những tháng năm dằng dặc cuộc đời của đủ loại chúng sinh, kết hợp một cách kỳ diệu với tài năng thiên bẩm và sự nhạy cảm trước những biến động thời cuộc đã tạo nên Nguyễn Du, người “có con mắt nhìn thâu sáu cõi, tấm lòng cảm tới nghìn đời”. Sáng tạo của Nguyễn Du là sáng tạo gắn liền với sự chiêm nghiệm sâu sắc về đời sống, về những số phận, những kiếp người. Nguyễn Du khóc thương cho những thân phận khổ đau, đặc biệt là số phận của người phụ nữ, lên án bất công xã hội, ước mơ giải phóng con người... Đó không phải là sự thương vay, khóc mướn của người ngoài cuộc mà là sự cảm thông đứt ruột của một thi nhân, một con người bị quăng quật, giằng xé bởi những đoạn trường thời thế, gia thế và số phận mình. Vì vậy, nhiều câu thơ của Nguyễn Du là sự khái quát thành những triết lý nhân sinh sâu sắc về cuộc đời, về con người, số phận con người, về những cảnh huống của đời người. Đó không phải là những vấn đề của một thời mà của nhiều thời. Đó không phải là những vấn đề của một quốc gia, một cộng đồng, một con người mà là của toàn nhân loại. Thêm nữa, và đây là điều rất quan trọng: Nguyễn Du đề cao cái thiện, coi cái thiện là gốc rễ của văn hóa. “Thiện căn bởi tại lòng ta”, đó là mẫu số chung lớn để tác phẩm của ông vượt qua mọi giới hạn của ngôn ngữ, bắt gặp sự chia sẻ, đồng điệu của mọi người. Tất cả đều xuất phát từ gốc rễ bền sâu của chủ nghĩa nhân đạo Nguyễn Du. Cũng bởi thế, hai trăm năm qua, Truyện Kiều luôn được phổ cập rộng rãi trong toàn thể quốc dân. Đến nay, đã có hơn ba mươi bản dịch ra nước ngoài. 

Nhắc đến di sản Nguyễn Du là nhắc đến những tập thơ chữ Hán chứa đầy suy tư, trắc ẩn như “Bắc hành tạp lục”, “Thanh Hiên thi tập”, “Nam trung tạp ngâm”, nhắc đến sự thống thiết trong “Văn tế thập loại chúng sinh”,  Nhưng tầm vóc vĩ đại của Nguyễn Du trước hết gắn liền với tập thơ chữ Nôm “Đoạn trường tân thanh” mà chúng ta vẫn quen gọi là Truyện Kiều. Trên cơ sở cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Du đã sáng tạo nên một sản phẩm toàn bích, có ý nghĩa như một bách khoa thư về đời sống. Nhiều nhân vật của Nguyễn Du, dù chỉ được phác họa trong một vài câu thơ  cũng đã thành những nhân vật điển hình. Nhiều nhân vật bước ra ngoài trang sách, thành biểu trưng cho một loại người, một tính người trong xã hội. Điều này, Thanh Tâm Tài Nhân không làm được và không phải nghệ sĩ lớn nào cũng làm được.  

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới là người luôn vận dụng và lẩy Kiều hết sức linh hoạt. Nhờ lẩy Kiều một cách chính xác, hợp lý, hợp tình mà Người đã truyền tải nhiều ý nghĩ, mong muốn của mình đến đồng bào, đồng chí một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Và cũng thật thú vị, vào những năm khép lại thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, trong mối bang giao mở rộng, nhiều nguyên thủ quốc gia khi đến Việt Nam đã mượn hình thức lẩy Kiều như một sự thể hiện coi trọng văn hóa, coi văn hóa là cầu nối để xây đắp tình hòa hiếu, hướng tới tương lai. Như vậy, những giá trị văn hóa mà Nguyễn Du để lại cho chúng ta hôm nay, chắc chắn còn hứa hẹn những khám phá mới. Bản chất của văn hóa là luôn mở...

 

                                                            Theo Báo Nhân Dân

 

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Khi phố phường lên đèn, những nữ công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Hoà Bình lại miệt mài với công việc quét dọn phố phường.
Toàn cảnh lễ khai mạc.
Xóm Hổ 1, xã Ngọc Lương (Yên Thủy) 10 năm liền đạt danh hiệu làng văn hóa, đang nỗ lực xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.

Mai Châu - phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) - Cụ thể hóa Nghị quyết số 03, ngày 31/5/2011 của Huyện ủy về việc phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, UBND huyện Mai Châu đã xây dựng đề án phát triển DLCĐ gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015. Thực tế cho thấy đây là chủ trương đúng đắn và phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực với nhiều lợi thế của huyện.

Giữ gìn bản sắc văn hóa trong xây dựng NTM

(HBĐT) - Những năm qua, cùng với thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đến việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá thông qua nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.

 Nhân rộng mô hình giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa trang phục dân tộc Mường

(HBĐT) - Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết T.ư 5 (khóa VIII), sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam ở huyện Lạc Sơn đã có chuyển biến tích cực. Nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành và toàn dân được nâng lên. Đời sống văn hóa của nhân dân các dân tộc trong huyện ngày càng phong phú. Nhiều giá trị văn hoá của dân tộc Mường được phát huy, chuẩn mực văn hóa, đạo đức được hình thành. Văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng đã được phát huy; nhiều phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Mường được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt tâm linh của người dân được quan tâm...

Quảng bá du lịch ở Hòa Bình qua một so sánh nhỏ

(HBĐT) - Trong thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng quảng bá rất sôi nổi và đậm nét về du lịch Hà Giang, trong đó, phải kể đến quảng bá về “Lễ hội hoa tam giác mạch”. Tôi, người viết bài này rất chú ý đến “Lễ hội hoa tam giác mạch” bởi lẽ cái tên hoa tam giác mạch rất ấn tượng, kèm theo nhiều hình ảnh sinh động, thu hút khách du lịch tới thăm mà rất đông là các bạn trẻ là sinh viên các trường đại học và cao đẳng phía Bắc. Hơn thế, tỉnh Hà Giang mở một gian triển lãm giới thiệu về “Lễ hội hoa tam giác mạch” rất ấn tượng tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội (cạnh Bưu điện thành phố). Thế là nhằm đúng dịp tỉnh Hà Giang tổ chức “Lễ hội hoa tam giác mạch”, chúng tôi lên đường.

Chuyện cũ cơm mới làng tôi

(HBĐT) - Nơi thon thả vai núi Chóp Vung ngả ra, vòng tay vâm váp con sông Đà ôm vào - đó là làng tôi. Không rõ núi - sông đã quện với nhau như thế từ bao giờ, chỉ biết sông - núi đã tạo nên hình dáng làng Mường quê tôi như một cái mâm đồng, trên đó, mùa nào thức ấy, tầng tầng, lớp lớp những hoa thơm, trái ngọt một vùng bản địa. Đã có một thời làng có chợ bờ sông, có cây đa, bến nước, sân đình... Ngày nay tất cả chỉ còn trong ký ức lớp NCT.

Bài trừ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hoá mới ở Mường Thàng

(HBĐT) - Không quàn xác người qua đời và tổ chức tang lễ quá 48 tiếng; các hủ tục lạc hậu gây lãng phí, tốn kém trong việc cưới dần loại bỏ; nhiều hoạt động văn hoá - văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc trong các lễ hội được giữ gìn và phát huy... Đó là những điểm nhấn trong thực hiện nếp sống văn hoá mới ở Mường Thàng - Cao Phong những năm qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục