Lá dong tạo nên sự phong phú của phiên chợ Bưng, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) ngày giáp Tết.
(HBĐT) - Từ 4 giờ sáng, chợ nông sản Bưng, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) đã nhộn nhịp với những gánh lá dong được bà con từ khắp nơi chuyển về. Kẻ bán, người mua tấp nập, tất cả tạo nên một phiên chợ nhộn nhịp, tràn đầy sắc xuân.
5 giờ sáng, ánh điện vẫn lập lờ và những dãy núi vẫn còn chìm trong làn sương thì những người có thâm niên bán lá dong như chị Bưởi đã tìm được cho mình một chỗ để bày bán. Chị tên đầy đủ là Bùi Thị Bưởi, ngụ tại xóm Khan Thượng, xã Xuân Phong (Cao Phong). Đây là năm thứ 5 chị bán lá dong tại chợ Bưng dịp Tết. Năm nay, sau gần một tuần lên rừng “săn” lá dong, gia đình chị gom được 3 gánh, trên 3000 lá để mang ra chợ bán. Theo chị chia sẻ, với mỗi gánh bán được 400 – 500 nghìn thì có năm gia đình cũng thu được gần 2 triệu đồng để sắm Tết. Cùng xóm với chị Bưởi, bà Bùi Thị Thiêm đã có tới 7 năm bán lá dong ở chợ Bưng. Phiên này, gia đình bà bán 2 gánh, sau khoảng 3 tiếng đồng hồ thì bán được 1 gánh. “Số tiền bán được không nhiều nhưng cũng giúp gia đình trang trải trong dịp tết”, bà chia sẻ. Để tìm được vị trí “đắc địa” bày hàng thì họ phải thức và đi từ lúc 4 giờ sáng.
Những gánh lá dong này được bà con đem ra chợ bán từ lúc 4-5 giờ sáng.
Chị Bùi Thị Hồng, xóm Khú, xã Xuân Phong còn đi sớm hơn: “Tôi đi từ lúc 3 giờ sáng, đi muộn là không có chỗ bán”. Chính vì đi sớm nên chị chọn được vị trí ngay gần cổng chợ và lượng người vào xem hàng cũng nhộn nhịp hơn. Với một gánh đã bán hết, giá 20 nghìn đồng/bó thì chị cũng đã có được một khoản để sắm Tết. “Có năm bán hết hàng sớm lắm nhưng có năm bán cũng chậm. Nói chung, bán ở chợ Bưng là nhộn nhịp nhất”. Trong phiên chợ này, ngoài loại dong nếp truyền thống, bà Bùi Thị Hiệp, xóm Cạn, xã Xuân Phong còn bày bán khoảng chục bó lá dong chay. Loại dong này có màu nhạt hơn và nhỏ hơn, dùng để gói những loại bánh có kích cỡ nhỏ như bánh uôi.
Dạo quanh những điểm bán lá dong, hầu hết giá cả và mẫu mã cũng tương đồng. Có những bó lá cọng đã chuyển sang màu vàng và được mọi người lựa chọn rất nhiều, vì đó dong rừng. Lý do: “Dong rừng thường được mọi người đi cắt sớm trước nửa tháng nên cuống sẽ chuyển màu vàng, hình thức cũng giảm đi nhưng bù lại, chất lượng rất sạch”, bà Hà, một người dân ở thị trấn Cao Phong lý giải.
Ngoài lá dong, phiên chợ còn bày bán rất nhiều đồ dùng thiết yếu như lạt gói bánh, khuôn bánh, bưởi, cau...Bên trong chợ, mặt hàng thực phẩm, quần áo, giày dép với nhiều mẫu mã bắt măt. Mặc dù, chợ còn họp hai phiên cuối vào ngày 27 và 28, thế nhưng, theo người dân nơi đây, để tận hương trọn vẹn không khí của phiên chợ ngày xuân thì phải đi vào phiên ngày 23, 24 Tết. Hơn 12 giờ, chợ bắt đầu tan, ai nấy đều tay xách, nách mang những bó lá dong, gói mứt và một chút gì đó lưu luyến. Sẽ phải chờ một năm nữa, phiên chợ mới đông vui, mới tràn ngập những gánh lá dong rừng xanh mướt và những người như chị Bưởi, bà Thiêm được dịp dậy từ lúc gà gáy chở lá dong đến chợ.
Viết Đào
(HBĐT) - Chợ Pà Cò - chợ của đồng bào 2 xã người Mông thuộc huyện vùng cao Mai Châu. Khi Tết của người Mông chỉ còn tính từng ngày, chúng tôi háo hức chọn thời điểm diễn ra phiên chợ Tết để được sống trong không khí náo nhiệt và tìm đến nét văn hóa riêng có, độc đáo của bà con nơi đây.
(HBĐT) - Đã thành thông lệ, mỗi khi tết đến xuân về, khắp các thôn, xóm, KDC của huyện Cao Phong đâu đâu cũng thấy không khí sôi nổi, háo hức tập luyện chuẩn bị các tiết mục văn nghệ đặc sắc để biểu diễn phục vụ bà con nhân dân trong những ngày xuân mới. Ông Bùi Ngọc Thuận, Chủ nhiệm CLB văn hóa dân gian xóm Bưng 1, xã Thu Phong cho biết: CLB văn hóa dân gian được thành lập với mong muốn là nơi tập trung và có sân chơi để những người đam mê nhạc cụ dân tộc, ca hát các làn điệu dân ca Mường được cùng tập luyện, sáng tác và biểu diễn đến đông đảo người dân trong vùng.
(HBĐT) - Chiêng là một dạng nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của người Mường Hòa Bình. Chiêng Mường có phương thức trình tấu, trình diễn âm nhạc hết sức phong phú, đa dạng. Chiêng sử dụng gọi mẹ khi đứa trẻ khát sữa, trong lễ cưới hỏi, chiêng trong lễ hội, săn bắt thú rừng, lễ mừng nhà mới, chiêng sử dụng trong tế thần, tang lễ và trong hội sắc bùa đầu năm. Những ngày đầu xuân, chúng tôi đi sâu tìm hiểu cái hay, cái đẹp của chiêng Mường trong hội sắc bùa.
(HBĐT) - Năm hết, tết đến, có lẽ một trong những công việc “ngốn” nhiều thời gian của chị em phụ nữ là sắm tết. Từ lựa chọn thực phẩm, trang hoàng nhà cửa cho đến chậu hoa, cây cảnh đều được các chị lựa chọn tỉ mỉ, bởi ai cũng mong muốn một cái tết đầy đủ để khởi đầu năm mới may mắn. Cùng chung tâm lý ấy, đồng bào dân tộc Mường, Thái, Tày thuộc các xã vùng lòng hồ sông Đà, huyện Đà Bắc cũng háo hức chờ đón phiên chợ cuối năm để lựa chọn những sản phẩm tốt nhất cho ngày tết và cũng để đem bán những sản vật đặc sản của núi rừng nhưng không thể thiếu trong ngày tết.
(HBĐT) - Làng hoa Trung Minh những ngày cận Tết đẹp rực rỡ, nông dân tấp nập vun xới, chăm hoa. Người bán buôn tìm đến Trung Minh đặt hàng. Người dân sành hoa cũng đến để ngắm và lựa chọn những nhành hoa mà mình yêu thích. Trung Minh từ lâu đã trở thành làng hoa xuân. Hoa được trồng trên ruộng nước, ven đất bãi, trước cửa nhà.
(HBĐT) - Chiều 29/1, Sở VH-TT&DL (cơ quan thường trực Hội đồng thi tuyển kiến trúc) đã tổ chức trao giải kiến trúc mẫu cổng làng, nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, bản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.