(HBĐT) - Tác giả thơ Đào Khang Hải đã có gần 60 năm sáng tác thơ, văn. Năm 2016, ông bước sang tuổi 79. ông vẫn đi xe đạp từ thành phố Hòa Bình đến các miền đất huyện Cao Phong, Kỳ Sơn, Kim Bôi để tìm nguồn cảm hứng viết văn, thơ. Xuân 2016, ông tặng tôi tập thơ “Trái ngọt đầu cành” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn in. Tập thơ 43 bài nói về những cảm xúc xa quê Hà Nội, yêu quê hương mới Hòa Bình.

 

Những bài thơ của ông giàu hình ảnh, âm điệu, tứ thơ rõ ràng khiến người đọc hiểu được những điều sâu thẳm trong cuộc sống. Câu thơ có sức nặng về lẽ đời và cách sống. Khi viết về một con người bình thường đã đóng góp công lao nhỏ vào cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Thơ ông ấm áp hơi thở con người: “Người chiến binh già ra đi/Nhạc “hồn tử sĩ” sầu cây cỏ/Đám tang dài qua đầu ngõ/Một chiều giữa đông/Những năm tháng cuối đời/ông sống thân thương trong lòng bà con chòm xóm/Vui với tách trà xanh/ Bên bàn cờ tướng/Chẳng bao giờ nói về mình/Chỉ những Huân chương chiến công/Tổ quốc trao tặng ông/Nói hộ”...

Người đọc nhận ra một điều trong cuộc sống có nhiều con người giản dị, khiêm tốn, không thích phô trương, thành tích. Họ không đòi hỏi quyền lợi cho riêng mình khi đã góp công trong cuộc kháng chiến. Chỉ đến khi nằm xuống “Đêm nay trên đồi cao/Nơi ông nằm/Chắc gió về lạnh lắm”. Những đoạn thơ trên trích trong bài “Người chiến binh già”. Họ mới hiểu ông.

Trong bài “Phố lau”, ông có  cách tả tinh tế, trung thực và có một điều ước thật là thi sĩ: “Tên gọi phố Lau mà không có lau/Đường nhựa bê tông đèn xanh mát mắt/ Ước một chuyến xe đêm giữa ngàn lau xao xác/Và một vầng trăng ai ném tận cuối trời”.

Lần ông đến Kim Bôi thăm một gia đình anh thương binh mù hai mắt, khi trở về thành phố Hòa Bình nơi ông cư trú, lòng ông tràn cảm xúc viết bài “Day dứt Kim Bôi”: “Anh thương binh mang cặp kính màu/Đang chăm chút chậu hoa, hoa xòe năm cánh đỏ/Người vợ trẻ bên anh như trăng rằm sáng tỏ/Âu yếm đưa anh từng gầu nước mát lành”.

Anh thương binh trở về còn nguyên vẹn tình yêu của người bạn gái. Anh cũng còn một tình yêu thương nữa đó là quê hương anh: “Chiếc nạng gỗ góc nhà bụi đã phủ lên/Những tấm Huân chương phai dần theo năm tháng/Ngôi nhà xã xây sáng màu vôi trắng/Hương lửa ấm nồng trong đôi mắt anh”.

Cũng viết về Kim Bôi, trong bài “Lên Thung Rếch” thật đáng yêu nhịp điệu của bài thơ: “Lên thung, lên thung, lên Thung Rếch/Đường đá tai mèo dốc cao ngất/Lưng người đi trước đẫm mồ hôi/Tiếng cười phía sau vẫn không tắt”. Nhịp điệu thơ ông dồn dập, thăng hoa: “Lên Thung, lên thung, lên Thung Rếch/Lòng thấy nhớ sao câu thơ Bác/“Vạn trường sơn ủng vạn trùng vân/Trời Kim Bôi mây trôi đẹp lắm/Bướm trắng bay trong rừng biếc trập trùng”. Đoạn kết bài thơ làm cho ta xao xuyến một miền quê yên bình: “Lên thung, lên thung, lên Thung Rếch/Ta gieo hạt này/Ta gieo hạt khác/ Mầm xanh non đội đất nhú lên/Mầm xanh no ấm/Mầm xanh bình yên/Vời vợi như đất trời Thung Rếch”.

Những bài thơ viết thể lục bát nhuần nhuyễn, ngôn ngữ ngọt ngào. Bài “Lục bát sông Đà”:..”Đường lên núi dốc cheo leo/Giật mình lại thấy sông theo bên mình”.

...“Đường hầm đan dọc, đan ngang/ Ngoài kia sông vẫn mênh mang tình người/Rồi sông ra biển sông ơi! Để câu lục bát thơ tôi thẫn thờ/Vẫn nào gieo cũng ngẩn ngơ/Như tình nước vẫn đợi chờ tuốc bin/Như là nhịp đập con tim/Để muôn giọt máu lại tìm về nhau”.

Thơ tình của tác giả thơ Đào Khang Hải là những nỗi niềm tin yêu cuộc sống, có cảm giác phong phú, khơi gợi bâng khuâng, hy vọng tương lai... “Em hỡi em/Đừng nhìn tôi như vậy/     Dòng sông xanh đã xõa mặt      vào trời/Cho tôi nhớ một thời     hoa gạo/Bay la đà nuốt trắng     tuổi thơ tôi”.

Bài “Tản mạn trong chiều”, sự chia tay trong thơ ông cũng trở thành đáng yêu: “Mai em vào trong ấy/Tôi nhớ nhung thật nhiều/Chưa đi lòng đã đến/Mường Khến núi liêu xiêu/Mường Vang vàng sắc lúa/Sông Bưởi thở trong chiều/ôi cuộc đời ta sống/Có bao điều đáng yêu”.

Tác giả thơ Đào Khang Hải là bạn thân của cố nhà văn Phượng Vũ, tác giả tiểu thuyết “Hoa hậu xứ Mường”, Cho đến hôm nay ông Hải vẫn nhớ lời khuyên của ông Phượng Vũ “Nên viết về nhân dân nơi mình ở, về đất đai rừng núi thân thương”. Tôi muốn giới thiệu bài thơ “Thành phố trẻ” của ông Đào Khang Hải để bạn đọc trọn vẹn, hiểu thêm tập thơ “Trái ngọt đầu cành”: “Mọc lên từ đầm lầy/Ao tù nước đọng/Ruộng một mùa/Đất nẻ chân chim/Thành phố vươn mình chiếm không gian xanh/Bằng những nhà cao tầng/Biếc vàng, hồng, tím/Đường nhựa nhiều làn/Mát ga xe đời mới/Hoa cúc trải theo tươi rói trời chiều/Thành phố này trai tráng thật nhiều/Cây cũng choai choai như thành phố vậy/Đêm pháo hoa, anh và em hai người trong mộng/Nụ hôn xanh ngọt cả phố dài/ Sớm mai tấp nập người đi thể dục ngoài trời/Gió mơn man làn da khô héo/Chín tháng tập đi/ ngoài bảy mươi tập bước/Ta lại bắt đầu như thuở nằm nôi/Già cũng trẻ ra, cùng thành phố thôi!”.

Thơ Đào Khang Hải có bản sắc riêng, không giống ai, thơ ông là biểu hiện cái thật, cái đẹp.

Từ năm 1961 đến nay, ông có trên 30 bài thơ đăng ở Báo Văn Nghệ(Hội nhà văn Việt Nam), nhiều  bài thơ đăng ở Báo Hòa Bình. Tập thơ “Sa mạc trắng” của ông đạt giải nhất tỉnh cuộc thi thơ Hòa Bình giai đoạn 1993 - 1998. ông đã từng đoạt giải A truyện ngắn viết về Hà Sơn Bình. Tập thơ “Trái ngọt đầu cành” như một hương vị mới đến với bạn đọc. Mong rằng những năm tới, ông sẽ có tập thơ mới viết về những miền quê đầm ấm yên vui của Hòa Bình yêu dấu.

 

                                                               

 

 

                                                                  Trần Quốc Dũng  (CTV)

 

Các tin khác

Các đơn vị Khối thi đua VH-XH ký giao ước thi đua năm 2016.
Không có hình ảnh
Quang cảnh hội nghị
Ban tổ chức trao giải thưởng cho 3 học sinh xuất sắc nhất của phần thi“Rung chuông vàng”.

Mường Lầm - 20 năm giữ vững danh hiệu làng văn hóa

(HBĐT) - Là một trong 3 Mường làm nên vùng đất Mường Bi (Mường Lầm, Mường ải, Mường Lồ), làng Mường Lầm, xã Phong Phú (Tân Lạc) luôn giữ vững và phát huy được truyền thống người Mường Bi. Nhân dân trong làng đoàn kết, con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ như hội diễn dân ca Mường, giao lưu văn nghệ giữa các làng chứa đựng được bản sắc của người Mường.

Vài suy ngẫm về ý nghĩa của lễ hội đu Vôi

(HBĐT) - Làng Mường Vôi nay thuộc xã Liên Vũ, huyện Lạc Sơn. Làng nằm tiếp giáp phía đông thị trấn Vụ Bản, con đường 12B chạy qua rất thuận lợi thông thương, đi lại. Nơi đây có lễ hội đu nổi tiếng.

Mùa xuân này lên Thung Rếch

(HBĐT) - Mùa xuân nay, chúng tôi có dịp ngược lên miền đất Thung Rếch, một vùng đất mà đến cái tên cũng đã gợi vẻ nguyên sơ, hứa hẹn những vẻ đẹp chưa bị phai nhạt bởi cuộc sống hiện đại.

Chùa Tác Đức đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh

(HBĐT) - Ngày 10/3, UBND huyện Yên Thủy tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cho chùa Tác Đức, xã Lạc Thịnh.

Xóm Cóm phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống

(HBĐT) - Xóm Cóm, xã Đông Lai (Tân Lạc) có 100% người dân tộc Mường sinh sống với 642 nhân khẩu, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Từ lâu, người dân đã biết trồng bông, dệt vải phục vụ đời sống, làm quà biếu, cho con cái khi lập gia đình và làm trang phục chính tạo nên bản sắc văn hoá riêng trên trang phục dân tộc Mường.

Triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” năm 2016

(HBĐT) - Ngày 9/3, BCĐ Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tổ chức hội nghị tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” năm 2015 và triển khai hoạt động phong trào năm 2016. Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ phong trào chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục