Những món “quà quê” như cơm lam, rau sắng hút du khách mỗi khi ghé qua.
(HBĐT) - 5 giờ sáng, những vách đá dựng đứng vẫn đang chìm sâu trong giấc ngủ bỗng giật mình tỉnh giấc bởi tiếng í ới gọi nhau của các bà, các bác ở xóm Tằm, xã Phú Cường (Tân Lạc) xé màn sương gùi những bắp ngô, ống nứa đựng đầy cơm lam thơm phức lên bán. Ngày này qua tháng nọ, họ cần mẫn ngồi bán những món “quà quê” mà nhiều người trẻ tuổi chỉ còn biết qua lời kể của ông, bà. Tất cả tạo nên những nét vừa lạ, vừa quen ở một khu chợ tự phát, níu chân du khách...
Chợ trong mây, hay chợ dốc Đá trắng là những cái tên mà du khách thập phương đặt cho một khu bán hàng tự phát của bà con ở xã Phú Cường (Tân Lạc) nằm ở khu vực đèo Đá trắng. Theo bà Bùi Thị Lan, một người dân xóm Tằm có thâm niên bán hàng ở chợ cho hay: “Trước khi đường quốc lộ 6 được mở rộng, thoáng đãng như ngày nay thì trước đó, đã có một số người trong xóm đã đem những mặt hàng truyền thống của người Mường mình lên bán. Còn khu chợ hiện tại, cũng chẳng rõ tồn tại bao nhiêu năm rồi nhưng bản thân tôi lên đây bán hàng đã trên dưới 20 năm”.
Những mặt hàng mà bà Lan, cũng như bà con nơi đây đem lên bán gồm có: cơm lam, rau sắng, rau tớn (ngọn dương sỉ), mật ong rừng, đôi chục quả trứng và vài nồi ngô luộc. Vừa bước xuống từ trên xe, du khách đã được các bà, các bác, các chị mời vào uống chén nước từ lá cây trên rừng, nước luộc ngô ngọt lịm và thưởng thức những thứ quà quê. Tất cả đều nóng hổi, thơm ngon, hấp dẫn. Theo chia sẻ của bà Lan, để có đủ hàng bán cho một ngày, mọi người phải thức dậy từ lúc 4 giờ sáng. Sau khi cho hàng vào gùi, họ lại ngược dốc đá sau nhà lên chợ. Đến 6 giờ sáng, những bếp củi đã phải bén lửa thì mới kịp thời gian phục vụ cho khách ghé qua.
“Thường là đến 8 giờ tối, xe cộ đi lại thưa hơn thì chúng tôi dọn hàng. Tuy thời gian dài nhưng bán hàng ở đây có nhiều điều thú vị lắm, nhất là được trò chuyện với nhiều người lạ, cả khách nước ngoài nữa. Thu nhập thì hôm nhiều, hôm ít nhưng so với làm nông thì hơn chứ. Nói chung, tiền lãi cũng đủ tiền mừng đám cưới”, bà Lan hóm hỉnh chia sẻ. Theo lời bà Lan, bán hàng ở dốc đá trắng đã thành công việc đem lại thu nhập chính cho không ít gia đình trong xóm. Bản thân gia đình bà, vào thời gian trồng ngô, cấy lúa thì cũng thay phiên nhau lên bán, xong việc đồng áng thì 2-3 người cùng lên bán. “Những thứ cây nhà, lá vườn trước đây làm ra còn lo không bán được nhưng bây giờ, từ bắp ngô, con gà chúng tôi đều đem lên chợ bán. Khách đi qua họ thích những thứ do chính người dân địa phương làm ra vì chất lượng đảm bảo, sạch”, bà Lan cho biết.
Kế bên gian hàng của bà Lan là gian hàng của bà Cái. Năm nay bà đã ngoài 70 tuổi, thế nhưng vẫn đều đặn, cứ 4 giờ sáng mế lại thức dậy để chuẩn bị hàng đem lên dốc Đá trắng bán. Bà bảo, ở tuổi này, mọi người thường ở nhà trông cháu nhưng 2 năm nay bà say bán hàng rồi. Đi bán hàng không chỉ giúp gia đình có thêm thu nhập, mà bản thân bà cũng cảm thấy khỏe khoắn hơn, khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông cũng ngày một trôi chảy hơn. Mỗi ngày trôi qua, bà gặp thêm được những khách mới, có hôm gặp lại khách quen, họ vào uống chén nước, ăn quả trứng và hỏi thăm sức khỏe. Đó là một niềm vui lớn đối với bà.
Thanh Hằng, sinh viên của trường Đại học Hà Nội có sở thích đi phượt cung đường Tây Bắc vào những ngày cuối tuần chia sẻ: “Một năm, nhóm chúng tôi thường đi vài chuyến lên Tây Bắc. Với cảnh sắc hữu tình, trong lành nên mỗi lần đi, tôi lại có những trải nghiệm thú vị. Lần nào đi chúng tôi cũng nghỉ chân ở đây, không chỉ bởi phong cảnh kỳ vĩ, mây mù quanh năm, mà còn bị cuốn hút bởi những đặc sản của bà con người Mường như cơm lam, trứng nướng, lúc về có mật ong rừng làm quà nữa”.
Đã đôi lần dừng chân ở đây, được thưởng thức những món ăn mang đậm nét truyền thống trong ẩm thực của bà con người Mường, với chúng tôi, đây quả là một điểm dừng chân lý tưởng. Nơi để nghỉ ngơi, thư thái và tìm về những giá trị xưa cũ, những thứ thật không dễ tìm trong nhịp sống hiện đại ngày nay./.
Viết Đào
(HBĐT) - Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở KDC” trong thời gian qua đã được các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả tạo nên sự thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân, sự đồng thuận trong xã hội góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
(HBĐT) - Thực hiện kế hoạch tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp , tối 6/4, tại xã Bắc Sơn, LĐLĐ huyện Kim Bôi phối hợp với Trung tâm Văn hóa thể thao huyện đã tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
(HBĐT) - Đưa chúng tôi đi thăm trên con đường bê tông trải dài từ đầu đến cuối xóm, ông Vũ Xuân Cách, Trưởng xóm Nam Thái, xã Nam Phong (Cao Phong) không giấu được niềm vui, tự hào bởi sự thay đổi trên mảnh đất quê hương mà ông đã có trên 50 năm gắn bó.
(HBĐT) - Ngày 6/4, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban quản lý dự án Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) tổ chức bàn giao phương tiện tác nghiệp thông tin và truyền thông cơ sở thuộc dự án “Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở miền núi, vùng sâu, xa, biên giới hải đảo giai đoạn 2013 -2015” cho huyện Lương Sơn. Dự lễ bàn giao có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Sở TT&TT, VHTT&DL, huyện Lương Sơn, văn phòng UBND tỉnh.
(HBĐT) - Ngày 6/4, Ban tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Lễ phát động các cuộc thi trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh và Lễ hội Văn hóa Chiêng Mường tỉnh Hòa Bình lần thứ II, năm 2016.
(HBĐT) - Theo kế hoạch, đến trung tuần tháng 11/2016, tỉnh ta sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh (1886 - 2016), 25 năm thành lập tỉnh (1991 - 2016) và Lễ hội Chiêng Mường tỉnh lần thứ 2 năm 2016 (gọi tắt là Lễ kỷ niệm). Nhân dịp này, phóng viên Báo Hòa Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Lễ kỷ niệm về công tác chuẩn bị và những hoạt động bên lề.